Người nông dân có nhiều sáng chế hữu ích cho cộng đồng
09/10/2020 : 00:10
Dù khiếm khuyết về cơ thể, cụt một tay phải, mắt trái mờ nặng từ lúc còn thanh niên do bị thương bởi mìn, nhưng ông đã có hơn 40 sáng chế hữu ích được ứng dụng vào thực tế cuộc sống, trong đó có nhiều sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế. Đó là nông dân Tạ Tuấn Minh, 55 tuổi, ở phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long (Bình Phước).
Trao đổi với phóng viên, ông Minh cho biết, ông bắt đầu mày mò chế tạo máy móc từ năm 25 tuổi (năm 1989). Sản phẩm đầu tiên ông làm là máy phát điện bằng gió. Ba năm sau, ông nghiên cứu và khắc phục nhược điểm bơm ly tâm trục ngang và giải pháp này được người dân trong vùng áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, ông Minh đã có hơn 40 đề tài nghiên cứu khoa học, với nhiều sáng chế được ứng dụng vào thực tế. Nhưng ông thấy thành công hơn cả, là đề tài “Phương pháp giảm lực nén, tăng lực đẩy cho động cơ xăng”. Phương pháp này giúp tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành chi phí cho động cơ các loại xe máy. Cụ thể, tiết kiệm từ 20-40% nhiên liệu cho động cơ xăng sử dụng bộ chế hòa khí và tiết kiệm từ 7-12% trên động cơ phun xăng điện tử do xăng được đốt cháy triệt để.
“Đây là sáng chế đầu tiên của tôi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 2007”, ông Minh cho biết.
Không ngừng mày mò, sáng chế, nông dân Tạ Tuấn Minh liên tiếp cho “ra lò” những sản phẩm khoa học có tính khả thi cao. Mới đây nhất, đầu năm 2019, ông đã hoàn thành đề tài khoa học: “Cơ cấu nắp cống một chiều ngăn mùi và ngăn thủy triều”, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế.
Ông Minh cho biết, hiện nay hố ga, nắp cống được đặt trên khắp các mặt đường, nhiều hố ga bị bịt kín lâu ngày tích tụ nhiều metan gây ra hiện tượng yếm khí, tạo ra áp suất cao, cùng với thời tiết nắng nóng làm cho nhiệt độ bề mặt đường tăng lên, khiến cho lượng khí nén có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Ngoài khí metan còn có nhiều những chất khí khác, trong đó có nhiều loại khí độc gây nguy hiểm cho con người khi tiếp xúc với nó.
Triển khai đề tài của mình, ông đã bố trí cụm đốt khí metan ở gần các hố ga thu gom nước. Khí metan sẽ theo đường ống dẫn lên và ngưng tụ tại góc đỉnh phía trên, ở đây có bố trí một đoạn ống thông khí metan bên trong ra bên ngoài; khí metan sẽ được đốt bỏ theo định kỳ.
Ngoài ra, kết cấu của nắp cống chỉ mở một chiều vào bên trong và tự đóng kín bằng trọng lực (lực hút của trái đất lên vật thể) nên có tác dụng ngăn mùi hôi bốc lên và ngăn nước mưa dâng, triều cường rất hiệu quả. Khi nước xuống miệng cống, trọng lượng của nước lớn hơn trọng lượng của nắp cống, nắp sẽ tự mở ra để nước xuống, khi hết nước, trọng lượng của nắp sẽ giúp nắp tự đóng lại, tạo sự khép kín giữa nắp cống và khung cống không cho mùi hôi, khí độc, chuột, côn trùng bẩn ngược trở lên gây ô nhiễm.
Từ hiệu quả của đề án, ông Minh đã kiến nghị các cơ quan liên quan của tỉnh Bình Phước chấp thuận, cho áp dụng thử nghiệm tại TP. Đồng Xoài và thị xã Bình Long.
Ngày 18/7/2019, Hội đồng Sáng kiến tỉnh Bình Phước đã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến của các sở, ngành về kiến nghị này. Đại diện lãnh đạo các sở, ngành đánh giá cao mô hình và hy vọng khi áp dụng thực tế sẽ khắc phục được những hạn chế ở các hố ga trên các tuyến đường của các địa phương trong tỉnh.
Theo Báo Dân tộc
(Nguồn https://sangkiencongdong.vn/)