Quay lại
Lai tạo giống cà chua bi năng suất cao, chất lượng tốt cho khu vực phía Nam
13/09/2021 : 00:09
Mô hình nghiên cứu này nhằm chọn tạo được giống cà chua bi F1 sinh trưởng vô hạn năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với khí hậu khu vực phía Nam. Cây cà chua bi được trồng trên giá thể trong điều kiện nhà màng, nước và phân bón được cung cấp đồng thời qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Cà chua bi (Lycopersicon esculentum var. cerasiforme) là loại cà chua có trái nhỏ, thường được dùng để ăn tươi, làm mứt và đóng hộp. Cà chua bi mới chỉ được biết đến ở nước ta từ những năm 90 của thế kỉ XX nhưng hiện nay đã trở thành một cây rau có giá trị, đang được chú ý đưa vào sản xuất vì hiệu quả kinh tế cao. Quả cà chua là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ quan trọng cho nhu cầu dinh dưỡng và sức khoẻ con người. Trong đó, quả cà chua có chứa nhiều vitamin E, vitamin C, flavonoid, axit phenolic và carotenoids, đặc biệt là nguồn cung cấp lycopene cho con người.
Ở nước ta hiện nay, việc trồng cà chua bi trong điều kiện nhà màng, nhà lưới ngày càng được mở rộng. Tại khu vực phía Nam đã có nhiều mô hình trồng cà chua bi trong nhà màng ở Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai và một số tỉnh miền Tây như An Giang, Tiền Giang. Tuy nhiên những mô hình sản xuất này chủ yếu sử dụng giống cà chua bi nhập nội từ Hà Lan, Israel, Đài Loan nên giá hạt giống cao và không chủ động được nguồn hạt giống. Hơn nữa việc nhập nội giống còn phụ thuộc vào công nghệ và sản phẩm của nước ngoài nên không đáp ứng kịp thời cho sản xuất.
Hiện tại đã có bộ giống cà chua khá phong phú, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất trên cả nước. Tuy nhiên, các giống cà chua bi có thể đưa vào sản xuất ở các tỉnh phía Nam với điều kiện khí hậu nóng còn rất hạn chế. Ngoài ra, cà chua bi chủ yếu sử dụng để ăn tươi nên người tiêu dùng thường ưa chuộng các giống cà chua bi có màu cam hoặc đỏ, có hàm lượng caroten cao, vị ngọt. Vì vậy, cần phải nghiên cứu chọn tạo ra được giống cà chua bi năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với khí hậu khu vực phía Nam.
Quy trình và phương pháp thực hiện
Các điều kiện chung:
Các thí nghiệm nghiên cứu trên cây cà chua bi được tiến hành trong điều kiện nhà màng (mái nhà được lợp bằng màng polyethylen, xung quanh che bằng lưới chắn côn trùng). Cà chua bi được trồng trên hỗn hợp giá thể mụn dừa (80%) và phân trùn quế (20%). Giá thể mụn dừa được xử lý trước khi trồng, phân trùn quế có độ ẩm 65%. Nước và dinh dưỡng được cung cấp đồng thời qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo quy trình trồng cà chua bi.
Nghiên cứu tạo dòng thuần cho cà chua bi đến S5
- Vật liệu:
+ Các dòng cà chua bi và các tổ hợp lai triển vọng được chọn lọc từ kết quả nghiên cứu giai đoạn 2016 - 2020.
+ Một số vật tư thí nghiệm khác: giá thể, phân bón và một số vật tư thí nghiệm khác.
- Phương pháp tiến hành:
+ Phương pháp tạo dòng thuần: cà chua bi được chọn tạo dòng thuần bằng phương pháp chọn lọc cá thể.
+ Đánh giá khả năng kết hợp chung: sử dụng phương pháp lai đỉnh (Topcross) để đánh giá khả năng phối hợp chung.
+ Đánh giá khả năng kết hợp riêng: đánh giá khả năng kết hợp riêng (SCA) bằng cách sử dụng hệ thống lai Dialen, sơ đồ Griffing 4.
+ Đánh giá khảo nghiệm các tổ hợp lai cà chua bi ưu tú: tiến hành bố trí thí nghiệm kiểu khối ngẫu nhiên RCBD. Cà chua bi được trồng trên giá thể trong điều kiện nhà màng, nước và phân bón được cung cấp đồng thời qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Quy trình kỹ thuật trồng cà chua bi
* Ươm cây:
Ngâm hạt trong nước ấm 45-500C trong khoảng 2 giờ trước khi gieo. Sử dụng các khay ươm cây (loại 50 lỗ) để gieo hạt, mỗi lỗ 1 hạt. Giá thể cần được làm ẩm trước khi gieo. Hàng ngày tùy vào điều kiện thời tiết để tưới nước đủ ẩm để giúp hạt nảy mầm.
Trong vườn ươm cần chú ý: phòng trừ sâu, đặc biệt là bọ phấn trắng là môi giới truyền bệnh virus cho cà chua. Tốt nhất cây con cà chua nên trồng trong nhà màng có lưới ngăn côn trùng. Ngoài việc cung cấp đủ ẩm cho cây, cần chú ý tưới dinh dưỡng cho cây. Cây con sau gieo 2 tuần thì tiến hành trồng cây vào bầu.
* Chuẩn bị giá thể trồng:
Giá thể được sử dụng để trồng cà chua là mụn xơ dừa, tro trấu và phân trùn quế với tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% tro trấu + 10% phân trùn quế; mụn xơ dừa trước khi trồng cần phải xử lý tanin. Giá thể sau khi xử lý được cho vào các các túi nilon trồng cây, kích thước túi 40cm x 40cm. Chú ý không nén giá thể chặt quá. Các túi giá thể nên được đặt trên các tấm đỡ.
* Thiết bị tưới:
Kiểu lắp đặt và bố trí hệ thống tưới: trang thiết bị tối thiểu cho một hệ thống tưới nhỏ giọt cần có bể chứa dung dịch dinh dưỡng, máy bơm, hệ thống dây dẫn dinh dưỡng, bộ lọc và bộ định giờ (timer và van từ). Cà chua được trồng trong túi với dung tích 10 – 15 lít, túi màu trắng hoặc trong đen ngoài trắng. Các bầu trồng cây không đặt trực tiếp trên nền nhà mà cần được đặt cách li với nền bằng gạch lốc hoặc giá đỡ.
* Trồng và chăm sóc:
- Trồng cây bằng bọc nilon với kích thước bọc 40 x 40cm có đục lỗ ở dưới đáy túi. Trồng 1 cây/bọc và trồng theo hàng đôi, khoảng cách giữa 2 cây trên một hàng là 40 – 45cm. Khoảng cách giữa 2 hàng đơn là 40 - 50cm; khoảng cách giữa 2 hàng đôi là 1,8 - 2m. Khi trộn giá thể vào bầu trồng cây chú ý không nén quá chặt để tạo độ thông thoáng cho bộ rễ.
- Thời điểm trồng: nên trồng cà chua lúc chiều mát, chọn cây con đồng đều, khỏe mạnh, xanh tốt, không bị sâu bệnh hại. Cây cà chua sau khi gieo 15 – 20 ngày thì tiến hành trồng.
* Tưới nước và bón phân:
- Cà chua trồng trên giá thể dinh dưỡng và nước tưới được cung cấp đồng thời thông qua hệ thống tuới nhỏ giọt. Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng của cây để xác định liều lượng dung dịch tưới phù hợp.
- pH cho dịch tưới là: từ 5 - 6,5.
- Theo dõi EC: giai đoạn 1 (1,5 – 2), giai đoạn 2 (2 – 3).
- Quá trình tưới nước cho cây nên tưới dư khoảng 10%.
* Chăm sóc:
- Bấm gốc treo dây: cây được treo cố định sau khi trồng 7 - 10 ngày (cây cao khoảng 20 - 30cm), sử dụng dây để buộc sát gốc cà chua, hàng ngày quấn ngọn cà chua theo dây buộc.
- Tỉa cành: đối với các giống cà chua sinh trưởng vô hạn: do cây ra hoa trên thân chính nên tiến hành tỉa bỏ các chồi bên. Tiến hành tỉa sớm để cây sinh trưởng tốt.
* Thụ phấn:
- Thụ phấn bằng thủ công: tiến hành rung cây vào buổi sáng 8 - 10 giờ để thụ phấn cho cà chua.
- Tỉa lá và trái: khi trái cà chua đậu thì tỉa bỏ các quả nhỏ, dị dạng trên chùm để thu chùm trái đồng loạt. Khi trái đã lớn thì tỉa bỏ các lá gốc để hạn chế sâu bệnh.
* Thu hoạch:
Tiến hành thu hoạch khi trái cà chua đã chín hoàn toàn trên chùm. Tiến hành thu hoạch 2 lần/tuần. Khi thu hoạch có thể cắt nguyên chùm hoặc thu riêng lẻ từng trái. Tiến hành loại bỏ những trái bị sâu bệnh, di dạng.
* Phòng trừ sâu bệnh hại:
Cà chua trồng trong nhà màng chủ yếu bị một số loài sâu, bệnh hại sau:
a) Bọ phấn (Bemisia tabaci)
- Trưởng thành có kích thước nhỏ, dài khoảng 0.8-1.5mm, sải cánh 1.1 - 2mm. Trên cơ thể phủ một lớp sáp màu trắng, chân dài và mảnh. Trứng rất nhỏ hình bầu dục, mới đẻ màu trắng trong sau chuyển sang màu nâu nhạt rồi thành màu nâu xám. Sâu non màu vàng nhạt, hình ô van, đẫy sức dài khoảng 0.7 - 0.9mm. Trưởng thành hoạt động vào sáng sớm và chiều mát. Sâu non bò chậm chạp trên lá, cuối tuổi 1 chúng ở mặt dưới lá, tại đó lột xác và sống cố định cho đến lúc hoá trưởng thành. Bọ phấn hút nhựa cây làm cho cây có thể bị héo, ngả vàng và chết. Bọ phấn tiết ra dịch ngọt là môi trường cho nấm muội đen phát triển. Bọ phấn còn truyền các bệnh virus gây bệnh cho cây.
- Biện pháp phòng trừ: vệ sinh vườn trồng, loại bỏ cỏ dại là ký chủ của bọ phấn xung quanh vườn nhằm hạn chế lây lan. Dùng bẫy dính màu vàng để thu hút và tiêu diệt bọ phấn trưởng thành. Khi ruộng bị nhiễm bọ phấn có thể dùng luân phiên các loại thuốc: Ascend, Radiant; Secsaigon,…
b) Ruồi đục lá
- Trưởng thành là loài ruồi nhỏ, dài 2 - 3mm, màu đen. Trứng có hình ô van dài, rất nhỏ, có màu trắng trong sau chuyển màu vàng nhạt. Sâu non là dạng dòi, không chân, màu trắng trong, phần trước hơi vàng, trông rõ ruột bên trong màu đen. Trưởng thành cái dùng gai đẻ trứng vào dưới biểu bì của lá và chích hút nhựa cây tạo thành những vết sần sùi trên lá. Sâu non tạo những đường đục ngoằn ngoèo trên lá, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập.
- Biện pháp phòng trừ: vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy triệt để tàn dư cây trồng. Dùng bẫy dính màu vàng để diệt ruồi trưởng thành. Ruồi có khả năng hình thành tính kháng thuốc rất cao, vì vậy cần luân phiên sử dụng một số loại thuốc sau: Radiant, Secsaigon, Trigar,…
c) Bệnh héo xanh vi khuẩn
- Triệu chứng gây hại điển hình là cây đang sinh trưởng bình thường đột ngột bị héo trong khi lá vẫn còn xanh. Lá bị héo cuốn về phía dưới. Ban ngày khi trời nắng lá héo, ban đêm tươi lại, sau 2 - 3 ngày như vậy cây bị chết hẳn. Khi bệnh xảy ra chậm, nhiều rễ phụ khí sinh được hình thành dọc trên thân. Thân cây bị bệnh thối mềm. Cắt ngang gốc thân cây thấy mạch dẫn có màu nâu rất rõ, ấn mạnh gần mặt cắt sẽ tiết ra chất dịch vi khuẩn màu trắng đục. Chất dịch này thấy rõ khi nhúng mặt cắt vào ly nước trong.
- Vi khuẩn tồn tại rất lâu trong đất, có thể tới 5 - 6 năm hoặc hơn, lan truyền qua hạt giống, cây bệnh và dụng cụ lao động. Vi khuẩn xâm nhập vào cây qua các vết thương xây xát do dụng cụ canh tác hoặc côn trùng.
- Biện pháp phòng trừ: tiến hành cách ly bầu trồng cây với nền đất. Sử dụng các loại thuốc: Kasumin; Avalon, Starner, Actinovat.
d) Bệnh mốc sương
- Bệnh hại cả lá, thân và quả. Trên lá, vết bệnh đầu tiên thường xuất hiện ở mép lá, là những đốm nhỏ màu xanh tái hơi ướt, sau lan vào phía trong phiến lá thành vết lớn, màu nâu có ranh giới rõ rệt với phần xanh của lá còn lại. Ở mặt dưới lá, chỗ vết bệnh xuất hiện lớp mốc trắng như sương. Bệnh nặng có thể làm toàn bộ phiến lá bị khô.
- Vết bệnh trên thân cây không có hình dạng nhất định, màu nâu thẫm, hơi lõm, lan rộng bao quanh thân. Trên quả, vết bệnh thường xuất hiện ở phía trên của trái từ khi còn xanh, đó là những đốm màu xanh xám, sau vết bệnh lớn dần,chuyển màu nâu sẫm, hơi lõm và nhăn nheo có rìa phân cách rõ rệt, bên trong trái bị thối nhũn.
- Biện pháp phòng trừ: vệ sinh đồng ruộng, thu dọn cây trồng sau thu hoạch. Sử dụng các loại thuốc: Amista, Score, Daconil, Actinovate,…
* Vệ sinh nhà màng sau khi thu hoạch:
Mục đích: hạn chế sâu bệnh cho vụ sau. Tiến hành phun xịt toàn bộ nhà lưới sau mỗi vụ trồng. Sử dụng một số loại thuốc như Chlorin, TH4, BKC,…
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
Nhiệm vụ nghiên cứu đã lai tạo được 2 giống cà chua bi F1 gồm: giống CNC01 dạng quả dài đạt năng suất 65,3 tấn/ha và giống CNC02 dạng quả tròn cho năng suất 64,7 tấn/ha. Các giống cà chua bi mới có độ Brix đạt 7,4% và quả có màu đỏ tươi khi chín phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các giống này có khả năng chống chịu bệnh khá, phù hợp với canh tác trong điều kiện nhà màng tại TP.HCM và khu vực phía Nam. Mô hình cũng góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn TP.HCM.
Giống cà chua bi F1 mới tương đương với các giống cà chua bi nhập nội đang phổ biến trên thị trường về năng suất và chất lượng. Trong khi đó giá thành hạt giống giảm hơn 50% so với giống nhập nội. Các giống cà chua bi mới lai tạo cũng đạt tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) và đang tiến hành khảo nghiệm ở nhiều vùng sinh thái khác nhau.
Quy trình trồng cà chua bi trên giá thể trong nhà màng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật quốc gia và đã được chuyển giao cho nhiều tổ chức và cá nhân tại TP.HCM, Tây Ninh, Đồng Nai, Kiên Giang,… Các giống cà chua bi mới lai tạo và quy trình trồng cà chua bi trên giá thể trong nhà màng có thể chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức sản xuất cà chua bi thương phẩm ở khu vực phía Nam, ước tính mang lại hiệu quả kinh tế từ 700 triệu – 1,2 tỷ/ha/năm.
Hiện nhóm tác giả đang tiếp tục hợp tác với Sàn Giao dịch công nghệ Techport.vn (thuộc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ – Sở KH&CN TP.HCM) để sẵn sàng chuyển giao mô hình cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu.
Đây là một trong những hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ được triển khai xuyên suốt trong Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, tiến đến Chào mừng 45 năm ngày thành lập Sở KH&CN TP.HCM.
Thông tin chuyên gia, hỗ trợ
1. ThS. Trần Văn Lâm
Điện thoại: 0945284808. Email: tranvanlamcnc@gmail.com
2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: (028) 6886 2726
3. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ - Phòng Giao dịch Công nghệ
Địa chỉ: 79 Trương Định, P. Bến Thành, Q.1, TP. HCM
Điện thoại: (028) 3822 1635 - Fax: (028) 3829 1957
Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn
Nguồn: Lam Vân - techport.vn
Tin liên quan
- Cà Mau: Ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến để nâng cao giá trị tôm càng xanh
- ROSE - Kẹp robot mềm cải tiến
- Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng
- Nhân giống thành công sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô
- Tạo than sinh học từ rác thải nông nghiệp bằng thiết bị khí hóa
- Chọn tạo giống đậu xanh kháng bệnh khảm vàng và cho năng suất cao
- Sản xuất naringin, tinh dầu và phân bón từ vỏ bưởi
- Làm chủ công nghệ sản xuất phân bón lá Nano - REM
- Dự án “Nuôi cá nâu thương phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
- Vật liệu sinh học mới phục hồi sụn bị tổn thương ở khớp