Quay lại
Chọn tạo giống đậu xanh kháng bệnh khảm vàng và cho năng suất cao
28/10/2024 : 00:10
Hai giống đậu xanh mới do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (Quy Nhơn, Bình Định) chọn tạo cho năng suất cao và kháng bệnh khảm vàng, thích hợp cho các vùng trồng ở khu vực phía Nam.
Đậu xanh được ngành nông nghiệp xác định là cây trồng trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu ngành và chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây trồng cạn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiện nay, diện tích gieo trồng đậu xanh trong cả nước đạt hơn 40 ngàn ha; trong đó, các tỉnh phía Nam chiếm hơn 75% diện tích của cả nước. Đặc biệt, đậu xanh được các vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên ưa trồng do có khả năng chịu hạn tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích ứng cao với thời tiết có lượng mưa chủ yếu tập trung trong mùa mưa và khô hạn thường xuyên kéo dài trong mùa nắng nóng.
Tuy có những lợi thế nêu trên, nhưng đến nay năng suất bình quân của cây đậu xanh trong cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng đạt khoảng 1,2 - 1,8 tấn/ha. Để khắc phục hạn chế về năng suất, một số giống đậu xanh mới đã được chọn tạo. Tuy nhiên, các giống này vẫn chưa cho năng suất thật sự cao và còn nhiễm một số sâu bệnh hại như khảm vàng.
Trong bối cảnh đó, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống đậu xanh năng suất cao cho các tỉnh phía Nam”.
Hai giống đậu xanh mới được chọn tạo. Ảnh: NNC
Cụ thể, các giống đậu xanh địa phương và giống cải tiến mới (do lai tạo, đột biến, nhập nội) được thu thập ở các vùng sản xuất chính và tại các cơ sở nghiên cứu trong nước để làm vật liệu lai tạo, bao gồm giống đậu xanh NM94 và KPS2 có nguồn gốc từ Trung tâm Rau màu Châu Á (AVRDC) và Thái Lan. Trong đó, giống KPS2 là giống mẫn cảm với bệnh khảm vàng và năng suất cao được chọn làm giống bố. Giống NM94 có tính kháng cao với bệnh khảm vàng được chọn làm giống mẹ.
Bằng phương pháp chọn lọc phả hệ, nhóm tác giả đã chọn được 6 giống/dòng đậu xanh triển vọng (ĐXBĐ.07, ĐXBĐ.08, ĐXBĐ.09, 37-2-2, HLĐX 54-3, NTB.02) để tiến hành khảo nghiệm tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ (Bình Định, Quảng Nam), Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk), Đông Nam Bộ (Đồng Nai). Giống đối chứng trồng khảo nghiệm để so sánh là ĐX208, V94-208. Đây cũng là các giống hiện được trồng đại trà tại nhiều địa phương.
Căn cứ kết quả khảo nghiệm, hai giống đậu xanh triển vọng là ĐXBĐ.07 và ĐXBĐ.08 có ưu điểm kháng bệnh khảm vàng, năng suất đạt 2 - 2,4 tấn/ha, cao hơn so với các giống đang sản xuất đại trà (ĐX208 và V94- 208) từ 5,3 - 29,6%. Các giống đậu xanh trên có thời gian sinh trưởng dưới 80 ngày, ra hoa tập trung, không bị nhiễm bệnh khảm vàng. Ngoài ra, khả năng chín của hai giống này tập trung cao, với năng suất thực thu đợt 1 đạt trên 65% tổng năng suất, nên thuận lợi cho việc cơ giới hóa khâu thu hoạch.
Trồng khảo nghiệm các giống đậu xanh mới. Ảnh: NNC
Giống đậu xanh ĐXBĐ.07, ĐXBĐ.08 thích hợp để sản xuất trên chân đất phù sa vùng duyên hải Nam Trung bộ, đất bazan Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, giống đậu xanh ĐXBĐ.07 đã được Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ công bố lưu hành cho các tỉnh phía Nam và đăng ký bảo hộ đạt năng suất trên 2 tấn/ha và kháng với bệnh khảm vàng.
Nhóm tác giả cũng đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác giống đậu xanh mới, có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Nguồn: Kiều Anh - khoahocphattrien.vn
Tin liên quan
- Cà Mau: Ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến để nâng cao giá trị tôm càng xanh
- ROSE - Kẹp robot mềm cải tiến
- Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng
- Nhân giống thành công sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô
- Tạo than sinh học từ rác thải nông nghiệp bằng thiết bị khí hóa
- Sản xuất naringin, tinh dầu và phân bón từ vỏ bưởi
- Làm chủ công nghệ sản xuất phân bón lá Nano - REM
- Dự án “Nuôi cá nâu thương phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
- Vật liệu sinh học mới phục hồi sụn bị tổn thương ở khớp
- Chiết xuất từ thân cây thanh long làm vật liệu đóng gói