Nghiên cứu nguồn vật liệu và chọn tạo giống dưa leo phù hợp với khu vực Đông Nam Bộ
17/06/2022 : 00:06
Đề tài được thực hiện trong 5 năm (2017 - 2021) tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, do ThS. Hoàng Đắc Hiệt làm chủ nhiệm. Mục tiêu của đề tài là tạo ra giống dưa leo F1 có năng suất 30 - 45 tấn/ha, vỏ quả xanh nhạt, chiều dài quả từ 18 - 20cm, giòn và ít ruột, phù hợp với khu vực Đông Nam Bộ.
Cây dưa leo (Cucumis sativus L.) là loại rau ăn quả có giá trị thương mại lớn, được trồng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Quả dưa leo có hàm lượng các chất dinh dưỡng và năng lượng thấp nhưng có hàm lượng vitamin và chất khoáng cao nên rất được ưa chuộng, là sản phẩm rau phổ biến đứng hàng thứ tư sau cà chua, bắp cải và hành tây.
Tại Việt Nam, cây dưa leo được trồng ở hầu hết các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Cây có thời gian sinh trưởng ngắn nhưng cho năng suất cao, quả dưa leo vừa được sử dụng ăn tươi vừa được sử dụng cho chế biến.
Tại các vùng trồng, giống dưa leo đưa vào sản xuất chủ yếu là giống dưa leo lai F1 được nhập nội từ nước ngoài hoặc lai tạo ở trong nước. Các giống nhập nội có ưu điểm cho năng suất cao, chất lượng quả tốt, tuy nhiên giá thành hạt giống cao, không chủ động được nguồn hạt giống. Việc sản xuất phải phù thuộc vào nguồn hạt giống này, làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất.
Mặt khác, nguồn gen nhập nội và trong nước rất đa dạng, đặc biệt là các đặc tính thích nghi của các giống dưa leo địa phương, đây là nguồn vật liệu phong phú ban đầu phục vụ cho việc nghiên cứu và chọn tạo các giống dưa leo mới.
Do đó, việc chọn tạo các giống dưa leo lai mới trong nước có năng suất và chất lượng tương đương hoặc cao hơn giống nhập nội với giá thành giảm, hạt giống có khả năng thích nghi tốt sẽ góp phần chủ động trong việc cung cấp nguồn hạt giống đa dạng cho người sản xuất.
Từ năm 2017, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chọn tạo giống dưa leo trong 5 năm với mục tiêu chung là tạo ra được giống dưa leo F1 có năng suất 30 - 45 tấn/ha, vỏ quả xanh nhạt, chiều dài quả từ 18 - 20cm, giòn và ít ruột, phù hợp với khu vực Đông Nam Bộ.
Kết quả của năm thứ nhất (2017) đã chọn được 10 dòng dưa leo tự phối thế hệ I6 có những đặc điểm phù hợp với mục tiêu chọn giống. Nhiệm vụ năm 2020 (năm thứ tư) được thực hiện với mục tiêu chọn tạo và duy trì một số dòng tự phối I7; đánh giá khả năng kết hợp chung và kết hợp riêng của các dòng dưa leo tự phối nhằm chọn được dòng bố mẹ ưu tú và tổ hợp lai giống dưa leo có triển vọng.
Theo đó, trong năm 2020, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá khả năng kết hợp chung của I6; lai tạo dòng dưa leo tự phối thế hệ I7; đánh giá khả năng phối hợp riêng; đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của dòng tự phối dưa leo I7.
Kết quả, khả năng kết hợp chung của 10 dòng dưa leo tự phối thế hệ I6 với 2 dòng Tester (T1 - TN 456 của Công ty Trang Nông nhập khẩu từ Thái Lan và T2 - Cuct 1450 của Công ty Chia Tai, Thái Lan) thu được 7 dòng ưu tú gồm L3, L9, L21, L28, L33, L61, L71. Các dòng này cho thấy khả năng kết hợp chung cao về các chỉ tiêu tỷ lệ đậu quả/cây, số quả/thân chính, tổng số quả trên cây, chiều dài quả, đường kính quả, độ dày thịt quả, khối lượng quả, khối lượng quả/cây, năng suất thực thu và khả năng chống chịu sâu bệnh hại.
Kết quả lai tạo dòng dưa leo thế hệ I7 đã thu được hạt giống của 7 dòng gồm L3.7, L9.7, L21.7, L28.7, L33.7, L61.7, L71.7 để phục vụ đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của các dòng dưa leo. Các dòng này có thời gian từ khi trồng đến thu quả đầu tiên dao động từ 32 - 34 ngày; khối lượng quả trên cây dao động từ 1,8 - 2,1kg; màu sắc gai quả màu trắng, ngoại trừ dòng L28.7 có màu sắc gai quả màu nâu xám; hình dạng quả là hình trụ và không có vị đắng ở đầu quả.
Về khả năng phối hợp riêng, đánh giá ưu thế lai của 21 tổ hợp lai từ 7 dòng dưa leo tự phối (L3, L9, L21, L28, L33, L61 và L71) bằng phương pháp lai diallen theo Griffing B (1956, phương pháp IV), kết quả thu được 4 tổ hợp lai có sự sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất cao vượt giống đối chứng từ 15% trở lên, gồm: L3/L28 (15,7%), L9/L21 (15,0%), L21/L33 (16,3%), và L33/L71 (15,3%). Bốn tổ hợp lai này, ngoài khả năng cho ưu thế lai và năng suất cao hơn giống đối chứng còn thể hiện các đặc điểm hình thái như quả có độ đồng đều cao, màu xanh nhạt, gai quả màu trắng và ít nhiễm sâu bệnh.
Các kết quả này sẽ phục vụ cho việc nghiên cứu tiếp theo trong năm thứ năm (2021) để lai tạo giống lai F1 đưa vào khảo nghiệm và sản xuất giống thương mại.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)
Tin liên quan
- Cà Mau: Ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến để nâng cao giá trị tôm càng xanh
- ROSE - Kẹp robot mềm cải tiến
- Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng
- Nhân giống thành công sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô
- Tạo than sinh học từ rác thải nông nghiệp bằng thiết bị khí hóa
- Chọn tạo giống đậu xanh kháng bệnh khảm vàng và cho năng suất cao
- Sản xuất naringin, tinh dầu và phân bón từ vỏ bưởi
- Làm chủ công nghệ sản xuất phân bón lá Nano - REM
- Dự án “Nuôi cá nâu thương phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
- Vật liệu sinh học mới phục hồi sụn bị tổn thương ở khớp