Hiện nay, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ trong nước phần lớn còn dựa vào phương thức lên men truyền thống, tức là ủ compost sử dụng vi sinh vật phân giải chất hữu cơ và nhóm vi sinh vật có ích đối kháng với nhóm vi sinh vật gây bệnh. Sản phẩm hoai mục sau ủ truyền thống có thể hạn chế một phần vi sinh vật gây bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này có thời gian lên men thường kéo dài từ 3 đến 12 tháng. Đối với một số máy ủ phân nhanh được phát triển ở một số nước phải sử dụng một loại vi khuẩn đặc biệt để gia tăng tốc độ ủ phân.
Để khắc phục các nhược điểm này, ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Nhân Hòa (Hà Nội) đã chế tạo máy ủ phân hữu không cần phải sử dụng loại vi khuẩn đặc hữu, chỉ cần sử dụng các loại chế phẩm vi sinh đang bán rộng rãi trên thị trường. Điều này cho phép giảm chi phí điện năng trong sản xuất, trong khi vẫn giảm thời gian ủ một mẻ phân xuống còn 16 - 18 giờ.
Máy có thể xử lý nhiều loại rác thải hữu cơ khác nhau Ảnh: VĐT
Các loại chất thải có thể đưa vào tái chế gồm: rác thải đô thị, rác thải gia đình, các phế thải nông nghiệp; phân gia súc, gia cầm; xác động vật và các bộ phận của chúng. Máy có thể áp dụng cho qui mô sản xuất hộ gia đình, doanh nghiệp hoặc trạm xử lý rác thải tập trung.
Sản phẩm phân hữu cơ do máy sản xuất đạt tiêu chuẩn TCVN 7185:2002 về 4 nhóm chỉ tiêu (độ ẩm, độ đồng đều, độ hoai, hàm lượng hữu cơ; dưỡng chất đạm, lân, kali trong phân; hàm lượng kim loại nặng dưới mức cho phép; không có vi khuẩn độc hại như E.coli…).
Ông Thịnh cho biết, máy không cần sử dụng loại vi khuẩn đặc biệt, vì vậy không cần gia nhiệt trong hầu hết quá trình ủ nguyên liệu và mức tiêu thụ điện năng chỉ bằng 1/3 - 1/4 mức tiêu thụ điện của các sản phẩm tương đương nhập ngoại. Ngoài ra, do được nghiên cứu và sản xuất trong nước, giá thành của máy chỉ bằng 1/2 giá thành của các sản phẩm nhập ngoại.
Máy đã được thử nghiệm tại trạm thu gom rác Đồng Tàu (Hà Nội), Trung tâm Dạy nghề, Hỗ trợ Nông dân Thái Nguyên và đang được nhiều trang trại chăn nuôi sử dụng. Sản phẩm cũng đã được ông Thịnh đăng ký sáng chế (PTC số 1 - 2020 - 022946) với Cục Sở hữu trí tuệ.
Nguồn: Kiều Anh - khoahocphattrien.vn