Menu Close Menu
Quay lại

Chuyển giao mô hình nuôi Lươn theo tiêu chuẩn VietGap

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

30/11/2022 : 00:11

Mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn theo tiêu chuẩn VietGap mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi lươn không bùn giảm chi phí đầu tư bể nuôi sau mỗi đợt nuôi. Vệ sinh bể nuôi dễ dàng, không có mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường

 

Lươn đồng là loài có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, rất được ưa chuộng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra thịt lươn còn chứa nhiều DHA, EPA, vitamin B1, B2 có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng trí thông minh, hạn chế các khối u, chống viêm Lươn thịt đang là loại thực phẩm được nhiều người dân lựa chọn, nguồn cung không đủ cầu nên giá bán cũng khá cao, trung bình giá lươn thịt được thu mua tại hộ nuôi giá từ 200.000 - 230.000 đồng/kg. Nghề nuôi lươn thương phẩm có xu hướng ngày càng phát triển mạnh ở nhiều địa phương.

Mô hình nuôi lươn thương phẩm không bùn theo tiêu chuẩn VietGap mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Nuôi lươn không bùn giảm chi phí đầu tư bể nuôi sau mỗi đợt nuôi. Vệ sinh bể nuôi dễ dàng, không có mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường. Quản lý, theo dõi được quá trình sinh trưởng phát triển, phát hiện bệnh kịp thời để điều trị cũng như quản lý số lượng. Lươn nuôi lớn đều và nhanh hơn, đến lúc thu hoạch đặc biệt dễ, ít tốn nhân công và chi phí so với cách nuôi truyền thống. Giá bán lươn theo tiêu chuẩn VietGap cao hơn so với lươn nuôi theo phương pháp truyền thống bởi lươn khỏe, đồng đều và không tồn dư kháng sinh. Sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, hiên nay tại Tp. Hồ Chí Minh chưa có mô hình nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP để người dân thăm quan học tập. Việc nuôi lươn đồng thương phẩm còn gặp khó khăn do hiện nay chưa có tài liệu về quy trình nuôi lươn thương phẩm chuẩn, phần lớn người nuôi đều tự mày mò và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau dẫn đến khó mở rộng sản xuất, hiệu quả sản xuất không ổn định. Thêm vào đó, người dân gặp khó khăn về con giống, không có nguồn giống ổn định nên không chủ động được trong sản xuất.

Để giải quyết các khó khăn trên Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nông nghiệp công nghệ cao đã xây dựng thành công “Mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus) theo tiêu chuẩn VietGAP” để chuyên giao cho các hộ nông dân ở huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh

 

  1. Mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus) theo tiêu chuẩn VietGAP

20221107HD016.jpg

Công việc 1: Xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp cho việc nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus) theo tiêu chuẩn VietGAP

 

Thiết kế xây dựng trại nuôi lươn thương phẩm phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất hiện có của trại nuôi bao gồm: Tổng diện tích 150m2, gồm:

+ Nhà kho: Chứa trang thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất giống: Diện tích 10m2

+ Nhà chế biến và bảo quản thức ăn cho lươn: Diện tích 10m2

+ Khu xử lý và chứa nước cấp cho nuôi lươn: Diện tích 30m2

+ Khu nuôi lươn thương phẩm: Diện 56m2 (gồm 14 bể nuôi, mỗi bể có diện tích 4m2).

+ Khu xuất bán lươn: Diện tích 10m2

+ Khu xử lý nước thải: Diện tích 20m2

+ Bể nuôi lươn thương phẩm là bể composite được thiết kết như sau: Hình dạng bể là hình vuông. Diện tích bể nuôi là 4m2 (dài x rộng: 2 x 2m). Chiều cao bể là 0,8m. Bố trí 2 ống cấp và thoát nước nằm đối diện ở 2 góc của bể, riêng ống cấp có đường kính 60mm được thiết kế nhiều lỗ nhỏ dạng vòi sen nhằm cung cấp oxy cho bể nuôi trong quá trình thay nước.

+ Giá thể cho lươn trú ẩn: Giá thể là dây ni lông bó thành chùm. Ni lông làm giá thể cho lươn có màu đen, chiều rộng của sợi ni lông khoảng 1cm. Chiều dài của giá thể tùy thuộc vào kích cỡ của lươn nuôi.

+ Xử lý giá thể trước khi nuôi: Giá thể sau khi được tạo thành chùm thì tiến hành ngâm nước trong thời gian 3 -5 ngày nhằm giảm các hóa chất độc hại trong sợi ni lông và làm mất mùi hôi của ni lông. Sau đó vớt ra rửa lại bằng nước sạch và đem phơi khô.

+ Thiết kế khung cố định bằng ống nhựa để cho lươn ăn nhằm tránh thức ăn trôi ra bên ngoài lươn không ăn được gây lãng phí thức ăn và ô nhiễm nước nuôi. Diện tích khung cho ăn bằng diện tích lươn trú ẩn.

Công việc 2: Xử lý nguồn nước nuôi

 

Lấy mẫu, phân tích và theo dõi chất lượng nước của khu vực nuôi lươn với tần suất là 2 lần/ngày trong suốt quá trình nuôi. Các chỉ tiêu phải theo dõi là: pH, nồng độ oxi, nhiệt độ, NH3.

Hoàn thiện quy trình xử lý nước trong nuôi thương phẩm lươn đồng

 

             20221107HD017.jpg                    

 

Bước 1: Xử lý nước bể lọc và lắng

 

Bể lọc được thiết kế như sau: sử dụng hệ thống lọc Drum để lọc nước.

Nước được lấy vào từ nguồn cấp nước chảy qua bể lọc và chuyển sang bể lắng.

Bể lắng có thể tích 20m3. Sau khi cấp đủ nước ao lắng thì tiến hành xử lý nước: Tiến hành diệt khuẩn bằng Chlorine với liều xử lý với liều lượng 30 ppm. Thời gian xử lý 3 ngày.

Bước 2Xử lý nước bể chứa: Bể lắng có thể tích 20m3. nước được bơm từ ao lắng lên bể chứa. Tiến hành điều chỉnh các thông số môi trường tại bể chứa. Các thông số môi trường nước trước khi cấp vào ao ương và ao nuôi nhằm đảm bảo các yếu tố môi trường phù hợp với sự phát triển của lươn.

 

Bước 3: Cấp nước vào hồ nuôi

 

Hồ nuôi lươn thương phẩm được cấp nước với cột nước 0,2 - 0,4m tùy vào giai đoạn phát triển của lươn.

Bước 4: Xử lý nước thải

 

Nước và chất thải trong hồ nuôi được xiphong rút ra ngoài qua dẫn vào ao xử lý nước thải. Chất thải rắn được xử lý bằng phương pháp cơ học. Nước sau khi đã tách thải rắn thì tiếp tục được dẫn dẫn xuống ao chứa nước thải và xử lý bằng phương pháp sinh học như thả cá và bèo để tận dụng nguồn chất thải làm thức ăn cho cá cũng như xử lý nguồn nước thải ra.

 

Công việc 3: Thả lươn giống

 

Giống lươn: Nguồn giống sử dụng trong mô hình là giống lươn nhân tạo, được chọn ở những cơ sở có uy tín, con giống đồng đều, khỏe mạnh, không bệnh, không xây sát. Trung bình khoảng 500 con giống/kg. Mật độ nuôi thả là 250 con/m2. Nguồn giống được mua tại Hợp tác xã thủy sản và dịch vụ Duyên Hải

Trước khi thả tắm lươn bằng iodine với nồng độ 3 ppm trong 5 phút. Thả lươn vào lúc trời mát.

Công việc 4: Chăm sóc, quản lý lươn

 

Thức ăn: Thức ăn của lươn gồm thức ăn viên của cá có vảy với hàm lượng đạm 43% và thức ăn tươi sống. Khi lươn còn nhỏ sử dụng trùn quế làm thức ăn cho lươn. Khi lươn đạt kích cỡ < 400 con/kg thì cho lươn ăn bằng thức ăn viên. Ngày cho lươn ăn 1 lần vào 8h sáng. Khẩu phần thức ăn viên hàng ngày tùy theo cỡ lươn. Khi lươn còn nhỏ thì lượng thức ăn 2 - 3% khối lượng, lươn lớn thì lượng thức ăn 5 - 8% khối lượng. Định kỳ 1 tuần/lần sử dụng Vitamin C, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho lươn với liều lượng 2g/kg thức ăn.

Thay nước: Do là hình thức nuôi thâm canh nên việc thay nước phải được quan tâm nghiêm ngặt; không nên thay đổi đột ngột nguồn nước cấp. Nước trong bể lươn được thay hoàn toàn cho mỗi lần thay nước. Giai đoạn nhỏ dưới 50g/con thay nước 1 lần/ngày, giai đoạn trên 50g/con thay 2 - 3 lần/ngày. Lượng nước thay là 100%. Mỗi lần thay nước tiến hành vệ sinh bể và giá thể của lươn.

Phân cỡ lươn: Do lươn có tập tăng trưởng không đều nhau nên tính phân đàn lớn dẫn đến chênh lệch kích cỡ, có thể xảy ra hiện tượng ăn lẫn nhau. Để giải quyết vấn đề này, nên định kỳ sau thời gian nuôi 1 tháng nên phân cỡ lươn ra nuôi riêng để hạn chế lươn hao hụt do tấn công lẫn nhau, góp phần tăng năng suất.

Phòng và trị bệnh cho lươn: Đây là biện pháp kỹ thuật quan trọng tác động rất lớn đến hiệu quả sản xuất do lươn được nuôi với mật độ cao, chất thải của lươn và thức ăn dư thừa làm môi trường nước ô nhiễm, nguy cơ phát sinh bệnh rất cao. Vì thế, định kỳ cần sát trùng bể bằng Iodine (nồng độ 1 ppm) để hạn chế mầm bệnh và xổ giun cho lươn bằng các sản phẩm trị nội ký sinh trùng (2 tuần/lần).

Cơ sở nuôi trồng phải lập danh mục thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong kho và thực hiện kiểm kê định kỳ hàng tháng. Cơ sở nuôi chỉ sử dụng thuốc, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường được phép lưu hành tại Việt Nam, theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn hoặc nhà sản xuất. Cơ sở nuôi không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong danh mục cấm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.

Công việc 5: Thu hoạch lươn

 

Sau thời gian nuôi từ 10 tháng, lươn đạt kích cỡ 200 - 300g/con thì tiến hành thu hoạch cung cấp cho thị trường. Cơ sở nuôi phải thu hoạch sản phẩm thủy sản tại thời điểm thích hợp và phương pháp phù hợp để đảm bảo an toàn thực phẩm. Cơ sở nuôi phải áp dụng các điều kiện vận chuyển để đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường hợp tự vận chuyển sản phẩm. Cơ sở nuôi phải lập và lưu trữ hồ sơ liên quan đến thu hoạch và vận chuyển.

2.      Kết quả nuôi lươn trong 8 tháng

 

   Khối lượng và chiều dài của lươn:

Trong 240 ngày nuôi khối lượng trung bình của lươn đạt 200,2g/con. Lươn nuôi từ ngày 30 đến ngày 120 có tốc độ tăng trưởng nhanh, tăng trưởng trung bình theo ngày dao động 0,71 – 0,82g/con/ngày. Từ ngày 150 đến ngày 240 tốc độ tăng trưởng chậm hơn dao động 0,55 – 0,68g/con/ngày

Kết quả cũng tương tự đối với chiều dài của lươn, trong 240 ngày nuôi chiều dài trung bình của lươn 43,2 cm/con.Tăng trưởng trung bình theo ngày về chiều dài dao động 0,1 – 0,15cm/con/ngày. (2008) sau khi nuôi 60 ngày tốc độ tăng trưởng của lươn đạt 0,07± 0,015 cm/ngày.

    - Tỉ lệ sống của lươn trong 8 tháng nuôi

 

Tỉ lệ sống của lươn sau 8 tháng nuôi đạt 88,4%. Trong đó 4 tháng đầu nuôi tỉ lệ sống của lươn đều có giảm nhiều hơn so với những tháng tiếp theo (97,5%, 95,4%, 93%, 92,6% tương ứng với các ngày 30, 60, 90, 120) trong khi tỉ lệ sống những tháng kế tiếp giảm không đáng kể đạt (91,4%, 90%, 89,5%, 88,4% tương ứng với các ngày 150, 180, 210, 240). Bằng thức ăn cá tạp tỉ lệ sống của lươn đạt 90,70 ± 3,1%.

   - Kết quả thu hoạch lươn thương phẩm

 

Sau thời gian nuôi từ 8 tháng, lươn đạt kích cỡ 200,2g/con thì tiến hành thu hoạch cung cấp cho thị trường. Số lượng con giống: 20.000 con, tỉ lệ sống: 88,4%, trọng lượng trung bình 200,2 g/con. Năng suất đạt trên 63,14 kg/m2. Tổng sản lượng lươn thu hoạch được là 3.536 kg/vụ/56m2. Hệ số chuyển đổi thức ăn lươn trong mô hình là 1,78. Hệ số phân đàn của lươn ở thời điểm thu hoạch là: 25,6 ± 1,43. Kết quả phân tích vi sinh có trong thịt lươn đồng nuôi thương phẩm cho thấy rằng tổng số vi sinh vật hiếu khí được ghi nhận 4,18x105 CFU/g; nồng độ vi khuẩn E. Coli có trong thịt lươn đồng là 2,21x102; nồng độ vi khuẩn Salmonella không phát hiện khi phân tích thịt lươn đồng nuôi thương phẩm. Tổng số vi sinh vật hiếu khí và vi khuẩn E. Coli có nồng độ thấp hơn so với giới hạn vi sinh vật trong thịt và sản phẩm thịt theo quy định; đối với nồng độ vi khuẩn Salmonella là chỉ tiêu bắt buộc phân tích thì kết quả ghi nhận không phát hiện giống với giới hạn ô nhiễm vi sinh vật trong thịt và sản phẩm thịt. Điều này cho thấy rằng sản phẩm thịt lươn đồng nuôi thương phẩm theo tiêu chuẩn Vietgap đạt được chất lượng về an toàn thực phẩm - không gây nguy hại, ngộ độc cho người tiêu dùng.

Cơ sở nuôi phải tuân thủ đầy đủ các kỹ thuật, tiêu chuẩn VietGAP từ cách chăm sóc, thức ăn cho lươn, sử dụng các loại men vi sinh phòng bệnh và vitamin bổ sung dinh dưỡng cho lươn. Đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn VietGAp như: (1) An toàn Thực phẩm - không gây nguy hại, ngộ độc cho người tiêu dùng; (2) An toàn cho môi trường và hệ sinh thái xung quanh; (3) An toàn lao động cho người sản xuất, canh tác nông nghiệp; (4) An tâm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và phải đáp ứng TCVN 3696:1981.

   - Hiệu quả kinh tế

Số lượng con giống: 20.000 con, tỉ lệ sống: 88,4%, trọng lượng trung bình 200,2 g/con. Từ đó, năng suất đạt trên 63,14 kg/m2. Tổng sản lượng 1 vụ sản xuất là 3.536 kg/vụ/56m2. Tổng sản lượng cho 01 vụ sản xuất (10 tháng): ước tính 3.536 kg/vụ/56m2 x 190.000 đ/kg = 671.840.000 đồng.

 

- Hiệu quả về xã hội

 

Phát triển nuôi thương phẩm lươn đồng góp phần tăng việc làm cho khu vực nông thôn. Đời sống người dân được cải thiện góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị ở các khu vực nông thôn và giúp người dân yên tâm sản xuất. Tạo tiền đề để phát triển nghề sản xuất lươn đồng theo hướng sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, tạo ra sản lượng lươn giống và lươn thịt có chất lượng tốt, đồng đều đáp ứng yêu cầu của người mua, siêu thị, chợ trong việc thu mua, giúp cho việc ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm được thuận lợi.

  1. 3. Kết luận

Sử dụng quy trình nuôi lươn thương phẩm không bùn theo tiêu chuẩn VietGap sẽ khắc phục được những hạn chế so với phương pháp nuôi truyền thống như: Vệ sinh bể nuôi dễ dàng, không có mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường. Quản lý, theo dõi được quá trình sinh trưởng phát triển, phát hiện bệnh kịp thời để điều trị cũng như truy xuất được nguồn gốc thông qua các hồ sơ lưu trữ về con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất và chất lượng nguồn nước. Lươn nuôi lớn đều và nhanh hơn, đến lúc thu hoạch đặc biệt dễ, ít tốn nhân công và chi phí so với cách nuôi truyền thống. Đồng thời, nước thải của hồ nuôi sẽ được xử lý để tận dụng nuôi cá và đảm bảo an toàn, không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, áp dụng quy trình nuôi lươn thương phẩm không bùn theo tiêu chuẩn VietGap với các hồ truy xuất được nguồn gốc, sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Vì vậy, mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus) theo tiêu chuẩn VietGAP là một mô hình mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường cần được triển khai, nhân rộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Hưng Sơn

(Nguồn https://cesti.gov.vn/)

Tin liên quan