Mô hình sản xuất và sơ chế bảo quản ớt cay theo tiêu chuẩn VietGAP
30/11/2022 : 00:11
Áp dụng mô hình sản xuất và sơ chế bảo quản ớt cay theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng. Kết quả mô hình cho thấy, đã làm tăng năng suất, giảm công lao động và tạo ra sản phẩm ớt an toàn từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ớt cay là một loại rau gia vị có giá trị xuất khẩu lớn, nó vừa được dùng làm rau tươi, vừa được dùng làm gia vị trong chế biến thực phẩm. Hiện nay, ớt chủ yếu được trồng trên đất ngoài đồng ruộng nên năng suất thấp do ảnh hưởng của sâu bệnh, đặc biệt là bọ trĩ, bệnh thán thư và bệnh héo xanh vi khuẩn. Do đó, áp dụng mô hình sản xuất ớt, trên giá thể sử hệ thống tưới nhỏ giọt theo tiêu chuẩn VietGAP có nhiều ưu điểm nhất định như hạn chế sâu bệnh hại, chủ động quản lý các yếu tố đầu vào như phân bón, nước và tiết kiệm công lao động so với canh tác truyền thống.
Áp dụng mô hình sản xuất và sơ chế bảo quản ớt cay theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng. Kết quả mô hình cho thấy, đã làm tăng năng suất, giảm công lao động và tạo ra sản phẩm ớt an toàn từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nội dung chuyển giao mô hình như sau:
- Xây dựng cơ sở vật chất và chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu
Để đảm bảo quy trình sản xuất ớt cay đạt tiêu chuẩn VietGAP đã tiến hành xây dựng một số cơ sở vật chất cần thiết gồm:
- Xây dựng nhà kho chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và dụng cụ lao động. Thuốc BVTV dạng nước và thuốc bột được đựng riêng trong xô nhựa 20 lít, có nắp đậy và có nhãn nhận diện. Bên cạnh đó đã trang bị dụng cụ để xử lý trong trường hợp thuốc bị rò rỉ hoặc chảy tràn là thùng chứa đất cát và dụng cụ thu gom.
- Chuẩn bị dụng cụ bảo hộ lao động theo yêu cầu của VietGAP gồm: ủng bảo hộ, áo quần và găng tay để xịt thuốc, khẩu trang và được bố trí ở khu vực với biển báo để có thể nhận diện rõ.
- Tiến hành trang bị tủ thuốc y tế gồm một số vật liệu để tiến hành sơ cấp cứu như bông gòn, găng tay y tế, băng dán cá nhân, dung dịch sát khuẩn Iodine, băng gạc y tế, keo dán và kéo sạch. Ngoài ra còn trang bị khu vực có nước sạch, xà bông và khăn sạch để rửa tay và xử lý trong trường hợp bị nhiễm thuốc BVTV.
Tiến hành tư vấn mua các vật tư cần thiết để sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP gồm: Sử dụng các loại giá thể sẵn có, giá thành rẻ để trồng ớt như mụn dừa, trấu, phân trùn quế. Mua các loại thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng trên rau. Sử dụng các loại phân bón phù hợp cho hệ thống tưới nhỏ giọt như có độ hòa tan cao, ít tạp chất, chứa nhiều nguyên tố và hàm lượng các chất dinh dưỡng cao như KNO3, MgSO4, K2SO4, (NH4)2SO4, KH2PO4, Ca(NO3)2, (NH2)2CO, KH2PO4, Ca(NO3)2, Cu-chelated, Mn-chelated, Zn-chelated, H3BO3, MoO3, Fe-chelated.
- Thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới phù hợp cho sản xuất ớt theo tiêu chuẩn VietGAP
Mô hình sản xuất ớt cay trên giá thể ở điều kiện ngoài đồng ruộng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt dạng ống mềm 16 mm vừa đem lại hiệu quả và giảm chi phí đầu tư. Sử dụng bộ châm phân Venturi để cung cấp dinh dưỡng cho ớt cùng với nước qua hệ thống nhỏ giọt. Bộ châm phân có thể điều chỉnh được lượng dung dịch tưới phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây ớt.
Trang thiết bị để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho ớt trồng trên giá thể gồm: Máy bơm, bộ lọc đĩa, tủ điều khiển, timer hẹn giờ, van từ đóng mở tự động, thùng nhựa chứa dung dịch mẹ, bộ châm phân Venturi, ống tuới nhỏ giọt đường kính 16 mm, ống nhựa PVC và phụ kiện.
- Quản lý hồ sơ theo tiêu chuẩn VietGAP
- Sản xuất ớt cay theo tiêu chuẩn VietGAP phải đáp ứng với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11892-1:2017 với một số nội dung chính sau:
3.1 Mô hình sản xuất ớt cay theo tiêu chuẩn VietGAP gồm 2 giai đoạn
Quy trình sản xuất cây con giai đoạn vườn ươm
Bước 1: Chọn giống
Sử dụng giống ớt hiểm lai F1 VA.9999 với các đặc tính: Giống có khả năng chịu nhiệt. Kích thước trái 8 – 10 cm, trái cứng, cuống dài đáp ứng cho điều kiện xuất khẩu
Thời gian thu hoạch sau trồng 70 ngày, năng suất 25 – 30 tấn/ha.
Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ và giá thể gieo hạt
Sử dụng khay ươm bằng vật liệu mốp xốp, có kích thước dài 50 cm, rộng 30 cm.
Chuẩn bị giá thể gieo hạt: Cần chọn hỗn hợp giá thể sạch bệnh, vừa có khả năng giữ nước và thoáng khí để ớt sinh trưởng phát triển tốt. Mô hình sản xuất ớt cay sử dụng mụn xơ dừa, phân trùn và tro trấu với tỷ lệ 70% mụn xơ dừa + 20% phân trùn quế + 10% tro trấu và bổ sung 2 kg trichoderma/m3 để làm giá thể gieo hạt ớt. Cần tiến hành ủ giá thể 2 – 3 tháng trước khi gieo hạt.
Gieo hạt: cho giá thể vào đầy lỗ mặt khay và nén chặt vừa phải, tiến hành gieo 1 hạt/lỗ, độ sâu hạt gieo từ 0,5 - 1cm, sau đó bổ sung thêm một lớp giá thể phủ lên trên bề mặt.
Bước 3: Chăm sóc cây con giai đoạn vườn ươm
Khi hạt nảy mầm và xuất hiện 2 lá thật, tiến hành tưới phân cho cây, sử dụng phân DAP với liều lượng là 2g/lít để cung cấp dinh dưỡng cho cây con. Định kì tưới phân 7 ngày/lần cho cây con giai đoạn vườn ươm.
Trong giai đoạn vườn cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Giai đoạn cây con thường bị một số loài sâu bệnh như Bọ phấn trắng (Bemisia tabaci), Bọ trĩ (Thrips palmi), bệnh lở cổ rễ (Rhizoctonia solani).
Huấn luyện cây con: Trước khi trồng 5 - 7 ngày tiến hành giảm lượng nước tưới (huấn luyện cây con) bằng cách tưới đẫm buổi sáng và giảm tưới vào buổi chiều để cây héo để giúp cây hóa gỗ cứng cáp, nhanh hồi phục sau khi trồng ra điều kiện đồng ruộng.
Trồng cây ra vườn sản xuất: Ớt cay sau khi gieo từ 30 ngày, cây đạt chiều cao 12 – 15 cm hoặc khi cây có 4 - 6 lá thật thì tiến hành trồng cây vào bầu.
* So sánh sản xuất cây con giai đoạn vườn ươm ở 2 điều kiện khác nhau.
Khi so sánh ớt được gieo trong điều kiện nhà màng ở mô hình và ớt gieo ở điều kiện ngoài đồng theo đối chứng của nông dân thì kết quả cho thấy: sản xuất cây con trong điều kiện nhà màng có tỷ lệ cây xuất vườn cao hơn và rút ngắn thời gian cây con so với gieo ngoài đồng. Bên cạnh đó, cây con được gieo ở mô hình có độ đồng đều cao hơn so với ngoài đồng.
- Quy trình trồng và chăm sóc ớt cay giai đoạn vườn sản xuất
Ớt cay sản xuất ở điều kiện ngoài đồng được trồng trên hỗn hợp giá thể gồm mụn dừa, trấu và phân trùn quế với tỷ lệ 70% mụn dừa + 20% tro trấu + 10% phân trùn quế (tính theo thể tích). Nước và phân bón được cung cấp đồng thời qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Bước 1: Chuẩn bị giá thể
Các loại giá thể cần được xử lý trước khi sử dụng để trồng ớt. Giá thể mụn dừa được ngâm và xả bằng nước sạch trong thời gian 7 ngày. Vỏ trấu sau khi mua về được rửa sạch bằng nước. Các loại giá thể sau khi được xử lý thì tiến hành trộn đều theo tỷ lệ và cho vào túi nilon kích thước 20 x 30cm, có đục lỗ thoát nước ở đáy và xung quanh để tiến hành trồng ớt.
* Bước 2: Trồng cây
Sau khi gieo cây con trong vườn ươm 30 ngày, chiều cao cây 12 – 15 cm thì tiến hành trồng cây ra vườn sản xuất. Tiến hành trồng cây vào buổi chiều mát, chọn cây đồng đều, khỏe mạnh, xanh tốt, không bị sâu bệnh hại.
Cây con được trồng trong túi nilon đã có sẵn giá thể, trồng cây vào giữa túi, sao cho mặt bầu ươm ngang với giá thể trong túi, dùng tay nén chặt gốc để tránh bị đỗ ngã; tiến hành trồng 1 cây/túi. Trồng ớt với khoảng cách hàng 70 cm và khoảng cách cây 50 cm.
* Bước 3: Bón phân và chăm sóc
Trồng ớt trên giá thể sử dụng nguồn nước sông không bị nhiễm phèn, mặn, không bị nhiễm kim loại nặng và vi sinh vật để tuới cho cây, pH nước từ 5,0 – 6,5.
Phân bón được cung cấp đồng thời với nước qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Sử dụng bộ châm phân Venturi để cung cấp dinh dưỡng cho ớt. Dựa vào nhu cầu dinh dưỡng và giai đoạn sinh trưởng của cây ớt để xác định nồng độ dung dịch tưới phù hợp.
Trong quá trình tưới dinh dưỡng cho ớt, thường xuyên kiểm tra pH và EC của dung dịch tưới để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây ớt.
Sau khi trồng 20 – 30 ngày thì tiến hành tỉa nhánh: Nên tỉa bỏ bớt chồi nhánh ở phía dưới, để lại thân chính và các nhánh nằm bên trên (cách gốc 10 - 15 cm tùy cây), giúp cây tăng số nhánh, tăng tỉ lệ đậu trái, thu hoạch tập trung, năng suất cao.
- Làm giàn: Ớt lai F1 sinh trưởng mạnh, cần phải làm giàn giúp cây đứng vững, dễ thu hái, kéo dài thời gian thu hoạch, chăm sóc dễ dàng, cây ít nhiễm bệnh. Thời gian làm giàn thích hợp khoảng 45 đến 50 ngày sau trồng.
* Bước 5: Phòng trừ sâu bệnh hại
Ớt trồng trên giá thể ở điều kiện ngoài đồng ruộng thường bị một số loài sâu, bệnh hại như: bọ trĩ (Thrips palmi Karny), bọ phấn trắng (Bemisia tabaci), bệnh chết cây con (Rhizoctonia solani). Bệnh héo xanh vi khuẩn (Ralstonia solanacearum) và bệnh thán thư (Colletotrichum spp.).
* Bước 6: Thu hoạch ớt và bán sản phẩm
Tiến hành thu hoạch khi 60 – 100% diện tích bề mặt trái chuyển sang màu đỏ. Mỗi đợt thu hoạch cách nhau từ 3 - 4 ngày. Sau khi thu hoạch vận chuyển ớt vào râm thoáng mát để tiến hành phân loại, bỏ lá, cành nhánh, trái hư và vận chuyển ngay đến nơi tiêu thụ. Với diện tích 1ha sản lượng ớt thu hoạch đạt 25 tấn.
* So sánh mô hình sản xuất ớt trong nhiệm vụ với mô hình của nông dân
Khi theo dõi mô hình sản xuất ớt cay trên giá thể theo tiêu chuẩn VietGAP và mô hình trồng ớt trên đất theo tập huấn của nông dân thì nhận thấy, vườn ớt mô hình cây sinh trưởng phát triển đồng đều, ít bị sâu bệnh hại trong khi đó vườn ớt của nông dân cây sinh trưởng kém. Kết quả điều tra năng cũng nhận thấy, vườn ớt mô hình cho năng suất đạt 25 tấn/ha cao hơn hẳn so với vườn sản xuất truyền thống chỉ đạt 12 tấn/ha.
3.2 Quy trình sơ chế bảo quản ớt sau thu hoạch
Bước 1: Thu hoạch ớt
Tiến hành thu hoạch ớt vào buổi sáng hoặc chiều mát. Không nên thu hoạch trong hoặc sau khi mưa và lúc trời nắng nóng làm ớt bị sốc, giảm thời gian bảo quản. Ớt được thu hoạch bằng tay và cần giữ được cuống ớt còn nguyên vẹn. Tiến hành thu hoạch ớt ở độ chín 60 – 100% diện tích bề mặt quả chuyển sang màu đỏ.
Ớt sau khi thu hoạch cần chuyển ngay vào trong khu vực râm mát, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Nên dùng thùng nhựa để vận chuyển từ đồng ruộng về nơi tập kết để tránh các tổn thương do cơ học.
Bước 2: Phân loại sơ bộ và ngâm rửa sạch
Ớt thu hoạch về được phân loại và loại bỏ những trái bị sâu bệnh, hư hỏng,
khuyết tật không đạt yêu cầu. Ớt sau khi phân loại sơ bộ cần đạt các chỉ tiêu sau: không dính đất cát bẩn, quả đạt độ chín theo yêu cầu, không nhiễm vi sinh vật hoặc bị côn trùng phá hoại, không có tổn thương cơ giới hoặc nứt gãy, cuống xanh, còn nguyên vẹn. Sau đó ớt được rửa qua nước sạch để loại bỏ bụi bẩn còn bám trên quả.
Bước 3: Xử lý nhiệt và làm ráo
Ớt sau khi rửa sạch được chuyển sang bể điều nhiệt để xử lý nhiệt ở nhiệt độ
500C trong 10 phút. Mục đích của quá trình này là nhằm giảm bớt bào tử gây bệnh bám trên bề mặt quả. Ớt sau khi được xử lý nhiệt được vớt ra làm nguội nhanh bằng nước lạnh, để ráo tự nhiên đó đưa vào bao gói bằng bao PE có đục lỗ 60 lỗ/m2, đường kính lỗ là 0,3 cm.
Bước 4: Đóng gói và bảo quản ớt
Phòng đóng gói cần bố trí riêng, sạch sẽ, các dụng cụ trong phòng phải được vệ sinh tránh nhiễm bẩn trở lại rau. Bao bì được sử dụng để đóng gói ớt là bao PE dày 0.01mm, có đục lỗ 60 lỗ/m2, đường kính lỗ là 0,3 cm. Sau khi bao gói rau được dán kín miệng bao đưa vào kho lạnh làm mát sơ bộ trước khi đưa vào bảo quản.
Khi thử nghiệm nhiệt độ bảo quản, kết quả nhận thấy với điều kiện thực tế tại hợp tác xã, bảo quản ớt ở nhiệt độ là 20 ± 10C là phù hợp nhất. Để giảm lượng hao hụt, bảo quản trong thời gian tối đa là 8 ngày với độ hao hụt 8,3%. Chất lượng ớt sau khi bảo quản lạnh là ớt phải tươi, không bị héo, không bị hư hỏng, không mềm nhũn.
Tóm lại, mô hình sản xuất và sơ chế bảo quản ớt cay theo tiêu chuẩn VietGAP có nhiều ưu điểm nhất định, canh tác không phụ thuộc vào điều kiện đất đai, có thể sản xuất ở vùng đất bị nhiễm phèn, trồng cây trên giá thể, nước và phân bón được cung cấp qua hệ thống tưới nhỏ giọt, điều khiển bán tự động nên tiết kiệm được công lao động làm đất, làm cỏ, có thể kiểm soát các yếu tố đầu vào như giá thể, phân bón, nước. Góp phần nâng cao năng suất ớt và tạo ra sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình cũng gặp một số khó khăn nhất định, chi phí đầu tư cơ sở vật chất ban đầu khá lớn, đòi hỏi người thực hiên phải có kiến thức và am hiểu kỹ thuật nhất định về cơ giới hóa, kiến thức về phân bón và sinh lý cây trồng.
- Kết quả đạt được khi triển khai mô hình
Điều kiện sản xuất ớt: giai đoạn cây con vườn ươm, ớt được gieo trong điều kiện nhà màng, giai đoạn vườn sản xuất, ớt được trồng trên hỗn hợp giá thể mụn dừa, vỏ trấu và phân trùn quế, nước và phân bón được cung cấp đồng thời qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Giống, vật tư, phân bón, thiết bị chủ yếu đảm bảo cho mô hình được thực hiện: hệ thống tưới nhỏ giọt được thi công từ công ty chuyên dụng trong nước, giống, phân giá thể, phân bón và thuốc BVTV được cung cấp bởi các công ty, đại lý vật tư nông nghiệp trong nước.
Nhân lực triển khai mô hình: gồm 6 cán bộ khoa học kỹ thuật đúng chuyên môn, có kinh nghiệm trong sản xuất ớt và 5 thành viên của hợp tác xã.
Năng suất: năng suất ớt đạt 25 tấn/ha.
Chất lượng ớt theo tiêu chuẩn VietGAP, đủ điều kiện để xuất khẩu.
Hiệu quả kinh tế: Lợi nhuận đạt 520.000.000 đồng/ha/vụ.
Năng suất ớt trong 1 vụ sản xuất là 25 tấn/ha với giá bán 40.000 đồng/kg
Hưng Sơn
(Nguồn https://cesti.gov.vn/)
Tin liên quan
- Cà Mau: Ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến để nâng cao giá trị tôm càng xanh
- ROSE - Kẹp robot mềm cải tiến
- Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng
- Nhân giống thành công sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô
- Tạo than sinh học từ rác thải nông nghiệp bằng thiết bị khí hóa
- Chọn tạo giống đậu xanh kháng bệnh khảm vàng và cho năng suất cao
- Sản xuất naringin, tinh dầu và phân bón từ vỏ bưởi
- Làm chủ công nghệ sản xuất phân bón lá Nano - REM
- Dự án “Nuôi cá nâu thương phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
- Vật liệu sinh học mới phục hồi sụn bị tổn thương ở khớp