Hoàn thiện giải pháp nuôi tôm tít trong nhà thích hợp cho nông nghiệp đô thị
05/05/2023 : 00:05
Chất lượng thịt tôm tít thương phẩm thơm ngon, màu sắc tươi sáng, được thị trường ưa chuộng, đạt 100% các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn TCVN 7905-1:2008.
Tôm tít có tên khoa học là Harpiosquilla harpax, còn được gọi là tôm tích, tôm thuyền, bề bề hay tôm búa. Trong tự nhiên, tôm tít sống ở các vùng nước nông và có nền đất cát. Do đặc tính của tôm tít, nên quy trình nuôi phụ thuộc nhiều vào diện tích ao đầm và điều kiện tự nhiên, vừa khiến chi phí nuôi tôm lớn mà lại khó triển khai ở quy mô công nghiệp. Vì thế, để nâng cao hiệu quả kinh tế thì bài toán đặt ra là phải có giải pháp nuôi quy mô lớn, nuôi với mật độ cao trong diện tích canh tác nhỏ hơn.
Hệ thống nuôi tôm tít trong hệ thống RAS
Trước thực tế này, nhóm chuyên gia công tác tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ “Thử nghiệm nuôi thương phẩm tôm tít Harpiosquilla harpax (De Haan, 1844) bằng hệ thống tuần hoàn tại Tp. Hồ Chí Minh”. Theo đó, nhóm thực hiện thiết kế một hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS) cho phép nuôi tôm tít trong hộp nhựa ở trang trại theo quy mô công nghiệp, không phụ thuộc vào ao đầm. Hệ thống RAS bao gồm cụm nuôi tôm gồm các hộp nuôi được nối với cụm tuần hoàn nước và hệ thống xử lý nước. Trong đó, nước sau khi xử lý sẽ được cấp cho các hộp nuôi tạo nên hệ thống nuôi tôm tít tuần hoàn.
Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ vừa được Sở KH&CN TP.HCM tổ chức về quy mô nuôi thử nghiệm 1.000 con giống (trọng lượng từ 80-100g/con) trong 120 ngày, Th.S Lê Ngọc Hạnh (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết: diện tích trang trại chỉ chiếm 100m2 (10x10m), trong đó diện tích lắp đặt hộp nuôi 40m2 (4x10m). Cụm nuôi được bố trí theo từng dãy, mỗi dãy chứa 200 hộp nuôi (bằng nhựa PPE, diện tích 0,08m2). Từng cá thể tôm tít được nuôi riêng trong từng hộp. Hệ thống lọc sinh học có 2 ngăn, tổng thể tích vào khoảng 13,5m3.
Khi hệ thống RAS vận hành, nước được cấp bởi bơm cấp từ bể xử lý nước qua ống cấp để cấp vào các khay nuôi được đặt trên giá đỡ bên trong có thả tôm tít, phần cặn bao gồm phân, thức ăn thừa được thoát qua lỗ thoát và được gom bởi bơm hồi lưu, và được lọc bởi trống lọc thoát về khoang đầu tiên của bể xử lý nước, nước được chảy qua các khoang có bố trí thiết bị diệt khuẩn, thiết bị cung cấp oxy và thiết bị ổn nhiệt để khử mầm bệnh và điều chỉnh nhiệt tối ưu, từ đây nước lại được bơm bởi bơm cấp tạo thành vòng tuần hoàn khép kín, và lượng nước hao hụt được cấp bù bởi bể chứa nước.
Tổng thể tích nước sử dụng trong toàn hệ thống nuôi là 12,3m3, trong đó hệ thống lọc là 4,6m3 (chiếm 37,7%), hộp nuôi là 6m3 (chiếm 50%), phần còn lại là nước trong đường ống. Lưu lượng tuần hoàn trong mỗi hộp nuôi (6 lít nước) được điều chỉnh ở mức 0,03m3/giờ, tương đương tỷ lệ thay nước 5 lần/giờ/hộp. Tính chung trên toàn hệ thống, lưu lượng nước tuần hoàn đạt 720m3/ngày. Hệ thống RAS sử dụng một hệ thống máy thổi khí nén với lưu lượng 250L/phút tạo ra lưu lượng khí 360m3 khí/ngày.
Sơ đồ bố trí hệ thống
Hệ vi sinh vật nitrate hóa trong hệ thống đã được khởi động và phát triển tốt sau 14 ngày nuôi. Các thông số môi trường nước nuôi được duy trì trong phạm vi tối ưu và thích hợp cho sự phát triển của tôm tít.
Cụ thể, các chỉ tiêu chất lượng nước trong hệ thống nuôi được điều chỉnh và duy trì trong khoảng thích hợp cho sự phát triển bình thường của tôm tít: hàm lượng oxy hòa tan dao động 6,0-6,3 mg/L, nhiệt độ 26-29 độ C, pH 8,0-8,5, độ mặn 28-30‰, kiềm tổng 130,2-230 mg/L. Các chỉ số hàm lượng TAN (0,3±0,2 mg/L), nitrite-nitrogen (0,2±0,1 mg/L), nitrate-nitrogen (45±20,1 mg/L) cũng phù hợp và ổn định trong suốt thời gian 120 ngày nuôi.
Để loại bỏ tình trạng bùn thải cỡ siêu nhỏ (hình thành do sinh khối vi sinh, có thể làm tắc dần các lỗ cấp nước 2mm, khiến không thể bơm nước vào hộp nuôi), nhóm thực hiện đã cải tiến bằng cách trang bị thêm thiết bị bơm kèm hệ thống lọc cát, giúp quy trình vận hành trơn tru.
Ở quy mô nuôi thử nghiệm 1.000 con, tổng chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống nuôi tôm tít vào khoảng 278 triệu đồng. Sau 120 ngày nuôi, tôm đạt khối lượng trung bình 157g/con, tỷ lệ sống đạt trên 83,4%, thu hoạch được 130,9 kg tôm.
Tốc độ tăng trưởng đặc trưng (DWG) đạt 0,76 g/ngày, tốc độ tăng trưởng đặc biệt (SGR) đạt 1,0%/ngày. Tỷ lệ sống của tôm tít nuôi trong hệ thống RAS đạt 83,4% (do tôm được nuôi riêng nên hạn chế được ăn thịt lẫn nhau), hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) đạt 23,29. Chất lượng thịt tôm tít thương phẩm thơm ngon, màu sắc tươi sáng, được thị trường ưa chuộng, đạt 100% các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn TCVN 7905-1:2008.
Dễ dàng theo dõi và chăm sóc tôm tít nuôi trong hệ thống RAS
Báo cáo trước hội đồng tư vấn nghiệm thu khoa học - công nghệ do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức, Th.S Lê Ngọc Hạnh thông tin rằng, ước tính lượng nước sử dụng trong vụ nuôi là 152,8L/kg tôm tít, tương đương với hình thức nuôi tôm thẻ trong hệ thống RAS (150-250L/kg). Điều này khẳng định rằng hoàn toàn có thể áp dụng hệ thống nuôi tuần hoàn để nuôi tôm tít thương phẩm, mở ra hướng mới cho nghề nuôi tôm tít.
Công nghệ nuôi tôm tít trong hệ thống RAS sử dụng ít nước, hạn chế thay nước từ nguồn ngoài (tiết kiệm nước), giảm thiểu rủi ro về thiên tai dịch bệnh, lại không sử dụng các loại hóa chất độc hại và các loại kháng sinh nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người nuôi cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm. Quy trình nuôi sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu.
“Quy trình nuôi tôm tít trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn RAS đã hoàn thiện về mặt công nghệ. Quy trình vận hành dựa trên nguyên lý lọc sinh học tự động nên dễ áp dụng, người nuôi không cần thiết phải được đào tạo kiến thức chuyên sâu. Thiết bị và vật liệu đều được sản xuất trong nước nên giá thành hợp lý, dễ thay thế và bảo trì.”, Th.S Lê Ngọc Hạnh khẳng định.
Đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II trình bày trước hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học - công nghệ về thiết kế của hộp nhựa cải tiến
Được thiết kế theo hình thức mô-đun (kết nối với nhau theo từng dãy nuôi) nên người nuôi có thể triển khai ở nhiều quy mô lớn - nhỏ khác nhau. Đặc biệt, khi nuôi tôm tít bằng hệ thống RAS thì nước thải không đáng kể và không xả thải trực tiếp ra môi trường, nên hoàn toàn có thể ứng dụng để nuôi ngay trong lòng đô thị, khu dân cư như nhà hàng, tiệm ăn..., tạo nguồn thực phẩm sạch, tươi, chất lượng tốt phục vụ ngay tại chỗ.
"Điều này càng có ý nghĩa hơn vì tôm tít cho thịt chất lượng nhất chỉ khi còn tươi sống", Th.S Lê Ngọc Hạnh chia sẻ, "Vì thế, việc triển khai mô hình nuôi tôm tít trong hộp nhựa cải tiến chắc chắn sẽ mang đến nhiều cơ hội nuôi loại hải sản này trong phạm vi gia đình, hộ kinh doanh và trang trại nhỏ".
Cũng theo lời Th.S Lê Ngọc Hạnh, vì nguồn con giống hiện phụ thuộc vào khai thác tự nhiên (theo mùa vụ), do đó nếu muốn thúc đẩy nghề nuôi tôm tít thương phẩm theo hình thức nuôi tuần hoàn phát triển thì cần có thêm những chương trình, chính sách hỗ trợ nghiên cứu - sản xuất giống.
Tựu trung, với kết quả đạt được từ nhiệm vụ khoa học - công nghệ nói trên, có thể khẳng định rằng, mô hình nuôi tôm tít trong hộp bằng hệ thống tuần hoàn thực sự mang lại sự hiệu quả về kinh tế, đảm bảo môi trường, đồng thời tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho các hộ cá nhân, tổ chức doanh nghiệp có nhu cầu triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị hiện đại, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ đầu vào cho đến đầu ra.
Video giới thiệu hệ thống nuôi tôm tít trong nhà:
Thông tin liên hệ:
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II
Địa chỉ: 116 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, TP.HCM
Điện thoại: (028) 38299592
Tin liên quan
- Vật liệu sinh học mới phục hồi sụn bị tổn thương ở khớp
- Chiết xuất từ thân cây thanh long làm vật liệu đóng gói
- Làm rõ cơ chế suy giảm chất lượng của một số hải sản
- Máy sơ chế quả sachi
- Hoạt tính kháng ung thư và điều hòa miễn dịch của một số cây thuốc Việt Nam
- Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh khảm lá sắn
- Trồng cây đậu biển làm thức ăn gia súc trên đất nhiễm mặn
- Vật liệu điện cực xốp lọc nước lợ từ phụ phẩm nông nghiệp
- Tổng hợp keo dán gỗ từ dầu vỏ hạt điều
- Bến Tre: Xây dựng quy trình nuôi cá bông lau trong ao đất