Menu Close Menu
Quay lại

Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm móng tay chúa tại Cần Giờ, TP.HCM

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

22/05/2023 : 00:05

Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II chủ trì thực hiện, ThS. Nguyễn Đức Minh làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2021.

Móng tay chúa (Cultellus maximus Gmelin, 1791) hay ngao móng tay chúa là một loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, phân bố chủ yếu ở các vùng biển nhiệt đới có nền đáy bãi triều là bùn mịn hoặc bùn cát giàu chất hữu cơ. Ở Việt Nam, móng tay chúa phân bố tự nhiên dọc theo các vùng bãi triều nông có độ sâu 2-6m, có nền đáy là bùn mịn hoặc bùn cát giàu chất hữu cơ, độ mặn từ 18-30‰, nơi ít bị ảnh hưởng bởi sóng gió, rừng ngập mặn, nơi có nguồn nước ngọt chảy vào từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ đến Cà Mau.

Các loài nhuyễn thể được nuôi phổ biến ở Việt Nam trong những năm gần đây là nghêu Bến Tre, nghêu dầu, vẹm xanh, sò huyết, hàu Thái Bình Dương,... Trong đó, móng tay chúa được coi là loài nuôi tương đối mới. Hiện nay, nguồn thương phẩm móng tay chúa chủ yếu được đánh bắt từ tự nhiên và vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, dẫn đến số lượng móng tay chúa trong tự nhiên đang giảm nhanh chóng. Vì vậy, việc phát triển ngành nuôi móng tay chúa không chỉ giải quyết vấn đề này mà còn góp phần cân bằng hệ sinh thái và ổn định môi trường ven biển.

Đề tài nêu trên được tiến hành nhằm tạo cơ sở ban đầu cho việc phát triển nghề nuôi móng tay chúa ở vùng ven biển Cần Giờ thuộc TP. Hồ Chí Minh, từ đó tạo sự phát triển bền vững cho ngành nuôi trồng thủy sản của vùng.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập và kích thích sinh sản móng tay chúa bố mẹ; nghiên cứu kỹ thuật ương nuôi ấu trùng từ giai đoạn trôi nổi đến giống; sản xuất thử nghiệm theo quy trình kỹ thuật hoàn thiện sản xuất giống nhân tạo móng tay chúa; thử nghiệm nuôi móng tay chúa thương phẩm.

Kết quả cho thấy, độ mặn nước ương là 30‰ cho kết quả về tỷ lệ sống của ấu trùng móng tay chúa trong giai đoạn trôi nổi tốt nhất. Kết quả thí nghiệm về ảnh hưởng của độ mặn đến tỉ lệ sống ấu trùng cũng cho thấy nghiệm thức 1 (20‰) cho kết quả tỷ lệ sống không cao, không thích hợp để ương ấu trùng móng tay chúa. Không có sự khác biệt tỉ lệ sống nhiều giữa 25‰ và 30‰. Do đó, độ mặn tối ưu trong ương nuôi ấu trùng giai đoạn trôi nổi là 30‰ và nằm trong khoảng 25-30‰.

Sự kết hợp giữa các loại tảo tươi và tảo khô của 3 loại tảo Nannochloropsis oculata, Isochrysis galbana  Platymonos sp. cho kết quả về tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của ấu trùng ngao móng tay chúa trong giai đoạn trôi nổi tốt nhất. Kết quả cũng cho thấy nghiệm thức 4 (sự kết hợp giữa các loại tảo tươi của 3 loại tảo Nannochloropsis oculata, Isochrysis galbana và Platymonos sp.) cho kết quả tỷ lệ sống khá cao nhưng có tỷ lệ sống không đồng đều giữa các ô nghiệm thức. Mặt khác, ở hai nghiệm thức còn lại 1 và 2 (chỉ sử dụng một loại tảo đơn bào làm thức ăn) cho kết quả tỷ lệ sống đồng đều giữa các ô nghiệm thức, tuy nhiên, tỷ lệ sống không cao. Vì vậy, việc cho ăn trong 3 nghiệm thức đầu không thích hợp để ương ấu trùng ngao móng tay chúa giai đoạn sống trôi nổi đến đáp đáy. Thay vào đó, sự kết hợp giữa các loại tảo tươi của 3 loại tảo Nannochloropsis oculataIsochrysis galbana và Platymonos sp. (nghiệm thức 4) là sự lựa chọn tối ưu nhất.

05KQNCLVnuoithuongphammongtaychuah2.jpg

Mật độ ương nuôi 5 con/ml cho kết quả về tỷ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của ấu trùng móng tay chúa trong giai đoạn trôi nổi tốt nhất. Kết quả cho thấy nghiệm thức 1 (mật độ 3 con/ml) luôn cho kết quả tỷ lệ sống cao nhất. Tuy nhiên, không có sự khác biệt giữa mật độ 3 con/ml và 5 con/ml. Do đó, mật độ tối ưu trong ương nuôi ấu trùng móng tay chúa giai đoạn trôi nổi là 5 con/ml.

Ở giai đoạn ương giống đến kích thước 3-5 cm, chất liệu nền đáy có bùn (70% cát – 30% bùn) không thích hợp để ương giống ngao móng tay chúa; chất liệu nền đáy là 100% cát hoặc sợi sinh học (lưới mịn, có mắt lưới 200µm) cho kết quả tỉ lệ sống con giống tốt hơn. Mật độ ương giống giai đoạn 3-5 cm của ngao móng tay chúa thích hợp nhất là 10 con/cm2; với mật độ 30 con/cm2, tỉ lệ sống giảm còn rất thấp.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành sản xuất thực tế con giống nhân tạo ngao móng tay chúa (C. maximus) đến kích cỡ 3-5 cm. Qua nhiều đợt sản xuất, số lượng con giống 3-5 cm thu được là 49.400 con, tỉ lệ sống trung bình của các lần sản xuất là 1,87%, tuy nhiên tỉ lệ sống của các lần sản xuất chưa ổn định. Mật độ nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của móng tay chúa ở giai đoạn nuôi thương phẩm từ kích cỡ 5,10 ± 0,8cm (4,34 ± 1,19g/con) nhưng chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ sống. Tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của móng tay chúa ở giai đoạn nuôi thương phẩm cao nhất ở mật độ nuôi thấp nhất. Vì vậy, mật độ 10 con/m2 có thể được sử dụng từ kích thước chiều dài 5cm để duy trì tỉ lệ sống tốt cũng như tốc độ tăng trưởng.

Kết quả đề tài cũng cung cấp được quy trình ương giống ấu trùng móng tay chúa đến giai đoạn đáp đáy, quy trình kỹ thuật nuôi móng tay chúa thương phẩm với đầy đủ các thông số kỹ thuật.

Trong đó, quy trình ương giống ấu trùng móng tay chúa đến giai đoạn đáp đáy áp dụng cho các khu vực ven biển có độ mặn cao, ổn định, nước trong sạch, hoặc các nơi có khả năng cung cấp được nước biển với các điều kiện như: độ mặn nước biển 28 - 32‰; pH 7,8 – 8,0; O2 (4 – 6mg/l). Các điều kiện khác gồm: không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chất thải từ khu công nghiệp, nông nghiệp hoặc nước thải sinh hoạt, hoạt động bến cảng, vận tải thuỷ; các thông số môi trường khác nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT; thuận tiện giao thông, nguồn cung cấp điện ổn định, có nguồn cấp dự phòng, tốt nhất là gần các khu vực có thể thu thập móng tay chúa bố mẹ từ tự nhiên. Quy mô áp dụng của quy trình này là cho trại giống có khả năng sản xuất đến 1 triệu con ấu trùng/1 đợt sản xuất. Số đợt sản xuất/năm đạt tối đa 4 đợt vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau (thời điểm móng tay chúa bố mẹ thành thục ngoài tự nhiên).

Đối với quy trình kỹ thuật nuôi móng tay chúa thương phẩm, phạm vi áp dụng là các bãi biển đáp ứng các chỉ tiêu gồm: độ mặn nước biển thông thường từ 20-25‰; pH 7,5-8; DO > 4 mg/l; chất đáy là cát xốp, ít bùn, lớp cát dày. Độ mặn có thể biến động thấp hơn mức 20-25‰, tuy nhiên thời gian biến động không kéo dài. Không bị các dòng nước từ nội đồng chảy trực tiếp vào bãi nuôi. Nguồn nước không bị ảnh hưởng từ nguồn chất thải, nước thải công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh. Các thông số môi trường khác nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Tin liên quan