Menu Close Menu
Quay lại

Hiệu quả từ mô hình rau hữu cơ tại Buôn Ma Thuột

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

09/09/2023 : 00:09

Ít người nghĩ rằng khu vườn sản xuất rau xanh hữu cơ hơn 1500 m2 của chị Lương Thị Hạnh tại thôn 3 xã Hòa Phú Thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học từ nhiều năm qua, nhiều lứa rau xanh trong vườn vẫn luôn xanh ngát như vậy.

Sản lượng rau thu hoạch hàng ngày tại đây đã được một đơn vị trường học tại thành phố Hồ Chí Minh bao tiêu với giá bán gấp từ 3 đến 4 lần so với giá bán rau truyền thống tại địa phương trong cùng thời điểm. Cho thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất rau hữu cơ cao hơn rất nhiều so với sản xuất rau truyền thống tại địa phương. Chưa kể sản xuất hữu cơ đã làm giảm đi rất nhiều các mối nguy hại do hóa chất gây ra, có thể ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người sản xuất, người sử dụng, ảnh hưởng môi trường, mất cân bằng sinh thái, góp phần phát sinh dịch hại…

Theo anh Dương Tấn Thoại, chủ nhiệm THT rau an toàn Phú Vinh xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, THT rau an toàn Phú Vinh đã được cấp chứng nhận VietGAP từ năm 2014 với hơn 2,2 ha của 7 hộ sản xuất rau tập trung trong thôn 3 (đã được tái cấp chứng nhận vài lần), trong đó chỉ có hơn 4000 m của 2 hộ đã chuyển qua sản xuất rau hữu cơ. Cơ duyên để chuyển sang sản xuất rau hữu cơ là từ năm 2015, trong một cuộc hội thảo rau an toàn VietGAP, THT có mời lãnh đạo của của trường mẫu giáo “Mẹ và bé” tại quận 1, thành phố Hồ Chí Minh tham dự. Tại hội thảo, thấy được phương thức sản xuất rau an toàn của THT là đáng tin cậy, hai bên đã thỏa thuận cam kết theo hợp đồng đặt hàng với phương thức không sử dụng hóa chất trong sản xuất, trường sẽ bao tiêu sản phẩm rau hữu cơ đưa vào từng bữa ăn của học sinh, trong thời gian dài. Theo đó, nhiều năm qua, sự tin tưởng thông qua chất lượng rau hàng ngày đã cung cấp (bình quân hơn 50 kg rau hữu cơ/ngày) cho trường mẫu giáo “Mẹ và bé” Quận 1, TP.HCM ngày càng gắn kết.

Anh Bế Ích Diện, người trực tiếp vận hành sản xuất 1500m2 rau hữu cơ trong nhà màng cho biết, vị trí của mô hình nằm trên quốc lộ 14, đường đị thành phố Hồ Chí Minh nên thuận lợi cho vận chuyển rất nhiều. Để chủ động cung ứng rau cho trường theo đơn đặt hàng, cứ vào khoảng 2 giờ chiều hàng ngày anh tiến hành cắt rau, đóng gói cẩn thận, để 4 h chiều cùng ngày xe (hợp đồng trước) sẽ đón lấy rau chở vào thành phố Hồ Chí Minh và giao cho trường lúc 4 giờ sáng hôm sau. Sau đó trường mẫu giáo sẽ phân phối cho các trường mầm non trong hệ thống kịp thời chế biến bữa ăn cho học sinh trong ngày với những cây rau xanh tươi chất lượng ngon ngọt. Vì thế, nhiều năm qua, sản lượng rau hữu cơ luôn “cung không đáp ứng cầu” nên thu nhập rất ổn định.

Chị H’Lin Hdơk, cộng tác viên khuyến nông của buôn M’Brê, xã Hòa Phú cho biết, thấy được hiệu quả về mô hình rau hữu cơ của THT rau Phú Vinh nên chị đề xuất UBND xã Hòa Phú, phối hợp với trạm Khuyến nông Thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ cho gần 50 hộ bà con dân tộc thiểu số tại chỗ buôn M’Brê, xã Hòa Phú. Theo đó bà con học tập về áp dụng trên diện tích rau nhà mình để tạo ra những bữa ăn chất lượng cho gia đình và bán thêm để gia tăng thu nhập.

Tại buổi tập huấn, anh Bế Ích Diện chia sẻ, hoạt động sản xuất rau hữu cơ trong nhà màng không còn khó khăn như những ngày đầu, vì những kinh nghiệm tích lũy dần đã trở thành qui trình quen thuộc. Đất của vườn rau dần đã thuần hóa hữu cơ, sinh vật có ích dần tăng lên, hệ sinh thái trong vườn đã cân bằng. Chỉ cần hàng ngày người sản xuất tác động, điều chỉnh cho cây rau sinh trưởng và phát triển tốt sẽ kháng được các tác nhân gây hại.

Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột tổ chức tập huấn cho bà con về kỹ thuật sx rau hữu cơ tại vườn rau của chị Hạnh

Tại buổi tập huấn, trạm Khuyến nông thành phố Buôn Ma Thuột đã hướng dẫn cụ thể các biện pháp tác động trong sản xuất rau hữu cơ hiệu quả: Đặc biệt phải cung cấp phân hữu cơ cho rau đầy đủ, theo đó hệ vi sinh vật sẽ có một môi trường sống tốt và nguồn thức ăn dồi dào tiếp tục phân giải các chất hữu cơ thành dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu cho cây.  Phân hữu cơ còn tạo sự tơi xốp của đất, tăng khả năng giữ nước để cây hấp thu, kéo theo lượng dinh dưỡng vào nuôi cây. Vườn rau cần thiết kế thoát nước tốt không gây ngập úng sau mưa. Giống rau phải chọn những giống mới phát triển khỏe, có khả năng kháng sâu bệnh, không nên sử dụng các giống rau đã bị thoái hóa để trồng. Cung cấp nguồn nước sạch để tưới cho rau, hạn chế mầm mống vi sinh vật gây bệnh cho rau. Cần có biện pháp trồng xen canh các loại rau có đặc điểm khác nhau trên cùng một diện tích để phân tán nguy cơ tập trung sâu bệnh hại, tạo mối tương hỗ giữa các loại cây trồng khác nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Có nhiều cách xen khác nhau như xen theo luống, xen theo hàng, hoặc xen hỗn hợp. Tuỳ mục đích để cân nhắc lựa chọn cây trồng xen đảm bảo không cùng họ, không tranh chấp ánh sáng và dinh dưỡng sẽ có tác động tốt lẫn nhau. Kỹ thuật xen canh bằng đa dạng nhiều loại cây rau hơn, sẽ giúp làm giảm nguy cơ sâu bệnh phá hại đến rau. Minh chứng như rau dền trồng xen cải xanh thì hạn chế số lượng bọ nhảy gây hại cải xanh rất nhiều, bỡi sự xua đuổi bọ nhảy của rau dền (như hình) nên cả hai loại rau đều tốt. Luân canh cũng là biện pháp cần quan tâm trong sản xuất rau hữu cơ, nghĩa là trên một luống phải thay đổi các loại rau khác nhau trong những vụ tiếp theo để hạn chế sâu hại. Đặc biệt là áp dụng biện pháp sinh học, lợi dụng các thiên địch có lợi trên vườn rau ( các loài ong ký sinh, nhện, bọ rùa đỏ, bọ xít gai ăn thịt…) để tiêu diệt sâu hại trên vườn rau.

Từ mô hình sản xuất rau hữu cơ trong nhà màng của chị Lương Thị Hạnh cho thấy, với thời tiết 2 mùa (mùa mưa và mùa khô) tại Tây Nguyên, để sản xuất rau hữu cơ hiệu quả nên đầu tư màng lưới che khu vườn rau để hạn chế tối đa sự phát sinh và lây lan sâu bệnh hại trên rau. Bởi màng lưới sẽ hạn chế được sự tác động của mưa lớn, có thể làm rách lá rau, tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn xâm nhập gây hại. Màng lưới còn hạn chế ánh nắng nóng tác động trực tiếp trên vườn, hạn chế quá trình mất nước, mất dinh dưỡng của đất trên vườn rau. Điều quan trọng nữa là màng lưới bao quanh sẽ cách ly được pha trưởng thành của sâu hại (các loại bướm sâu hại) vào vườn đẻ trứng gây hại cho rau.

Được biết, trong thời gian tới, lãnh đạo của trường mẫu giáo "Mẹ và Bé” sẽ tiếp tục làm việc với THT rau an toàn Phú Vinh để mở rộng diện tích sản xuất rau hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của hệ thống trường học tại thành phố Hồ Chí Minh./.

Hồ Cẩm Lai

Trạm Khuyến nông Thành phố Buôn Ma Thuột

(Nguồn https://khuyennongvn.gov.vn/)

 

Tin liên quan