Quay lại
Đánh giá hiệu quả của phương pháp thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia khi Trái đất ấm lên
09/09/2023 : 00:09
Các nhà khoa học sử dụng mô hình biến đổi khí hậu để ước tính hiệu quả phương pháp thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia phòng chống sốt xuất huyết khi nhiệt độ tăng dần ở Nha Trang (Việt Nam) và Cairns (Úc).
Thả muỗi mang Wolbachia tại khu vực công cộng ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương). Ảnh: Báo Bình Dương
Muỗi Aedes aegypti là tác nhân chính làm lây truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Do đó, việc giảm số lượng muỗi sẽ giúp hạ thấp nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.
Các nhà khoa học tin rằng vi khuẩn Wolbachia - loại vi khuẩn ngăn côn trùng truyền một số loại virus - có thể là giải pháp giúp giảm thiểu căn bệnh này. Bắt đầu từ những năm 1990, một nhóm các nhà khoa học do nhà vi sinh vật học Scott O’Neill ở Đại học Monash, Melbourne, Úc và giám đốc của Chương trình Muỗi Thế giới (WMP), đứng đầu, đã phát triển các quần thể muỗi Aedes aegypti nhiễm Wolbachia trong phòng thí nghiệm và cho thấy loài muỗi này sẽ không truyền virus, bao gồm cả virus sốt xuất huyết.
Muỗi mang vi khuẩn Wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gene vì không có bất cứ sự can thiệp nào vào DNA của muỗi. Thay vào đó, các nhà khoa học cho vi khuẩn Wolbachia lây nhiễm và sống cộng sinh bên trong tế bào của con vật.
Sau đó, Wolbachia được muỗi cái truyền qua trứng sang thế hệ sau, trong khi muỗi đực mang Wolbachia nếu cặp đôi với muỗi cái tự nhiên thì sẽ sinh ra trứng “ung”, do đó duy trì hiệu quả lâu dài nhờ vẫn sinh sản tự nhiên mà không làm tăng số lượng muỗi ở cộng đồng.
Các nhà khoa học đã tiến hành các chương trình thả muỗi Wolbachia ở nhiều địa điểm thử nghiệm tại Úc, châu Á, và thu về những kết quả hứa hẹn.
Tại Việt Nam, đợt thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia đầu tiên được thực hiện trên đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào năm 2013. Giai đoạn năm 2014-2015, khi Khánh Hòa là một trong những điểm nóng dịch sốt xuất huyết của cả nước, tại đảo Trí Nguyên chỉ ghi nhận duy nhất một ca mắc sốt xuất huyết nhưng qua điều tra tiền sử bệnh thì đây là ca đã đi vào đất liền, bị mắc bệnh rồi mới quay trở lại đảo.
Từ tháng 3 đến tháng 6/2018, MWP đã tiến hành các đợt thả muỗi vằn mang Wolbachia đầu tiên trên đất liền tại xã Vĩnh Lương, nằm ở phía bắc TP Nha Trang.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng vi khuẩn Wolbachia rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Điều này dẫn đến thắc mắc: Liệu phương pháp Wolbachia có còn hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhất là khi các khu vực điểm nóng của các bệnh do muỗi lan truyền đều là những nơi đang chịu nhiều ảnh hưởng của các đợt nắng nóng toàn cầu?
Với mong muốn giải đáp câu hỏi này, gần đây, một nhóm các nhà dịch tễ học và các kỹ sư tại Đại học California, đã phối hợp với một đồng nghiệp từ Viện nghiên cứu y tế QIMR Berghofer, Úc, tiến hành mô hình hóa và phát hiện phương pháp Wolbachia thực sự có hiệu quả trong việc làm chậm sự lây lan của các bệnh do muỗi lây truyền. Vi khuẩn Wolbachia vẫn có khả năng sống sót trong bối cảnh biến đổi khí hậu - ít nhất là trong tương lai gần.
Các nhà khoa học đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Nature Climate Change. Trong đó họ sử dụng các mô hình động học quần thể sử dụng dữ liệu về muỗi, vi khuẩn Wolbachia cùng với sự gia tăng nhiệt độ do biến đổi khí hậu.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình biến đổi khí hậu trong dự án So sánh Đa Mô hình pha 5 – CMIP5 (Couple Model Intercomparison Project 5) để ước tính tác động của việc nhiệt độ tăng chậm ở Nha Trang và Cairns - một địa điểm thử nghiệm muỗi Wolbachia khác tại Úc. Nhóm nghiên cứu cho biết họ chọn Nha Trang vì "các đợt nắng nóng trong tương lai tại đây sẽ dài hơn, thường xuyên hơn và nóng hơn so với nghiên cứu điển hình ở Cairns. Hơn nữa, hai khu vực ở Nha Trang là xã Vĩnh Lương và đảo Trí Nguyên là những nơi gần đây đã thả muỗi vằn nhiễm Wolbachia", các nhà khoa học viết trong bài báo.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy phương pháp Wolbachia sẽ vẫn mang lại hiệu quả cho đến ít nhất là những năm 2030.
Ngoài ra, mô hình cho thấytình trạng gia tăng nhiệt độ có thể làm giảm hiệu quả của phương pháp này. Họ kết luận rằng cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu hơn nhằm xem xét Wolbachia trong điều kiện thực tế, từ đó xác định ngưỡng khả năng sống sót thực sự của nó nằm ở khoảng nào.
Đây thực sự là một tin tức khả quan, nhất là khi nhiều khu vực trên thế giới vốn là điểm nóng về sốt xuất huyết hiện đang được hưởng lợi từ phương pháp này. Năm ngoái, WMP cùng Viện Pasteur TPHCM đã triển khai thả muỗi vằn mang Wolbachia tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Trong giai đoạn 2000-2015, trung bình mỗi năm, Việt Nam ghi nhận từ 50.000 đến 100.000 trường hợp mắc và gần 100 trường hợp tử vong. Từ năm 1998 đến năm 2010 đã ghi nhận hơn 1 triệu trường hợp mắc. Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết xuất hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam, duyên hải miền Trung, và ở các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội.
Nguồn: Tuấn Đỗ - khoahocphattrien.vn
Tin liên quan
- Vật liệu sinh học mới phục hồi sụn bị tổn thương ở khớp
- Chiết xuất từ thân cây thanh long làm vật liệu đóng gói
- Làm rõ cơ chế suy giảm chất lượng của một số hải sản
- Máy sơ chế quả sachi
- Hoạt tính kháng ung thư và điều hòa miễn dịch của một số cây thuốc Việt Nam
- Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh khảm lá sắn
- Trồng cây đậu biển làm thức ăn gia súc trên đất nhiễm mặn
- Vật liệu điện cực xốp lọc nước lợ từ phụ phẩm nông nghiệp
- Tổng hợp keo dán gỗ từ dầu vỏ hạt điều
- Bến Tre: Xây dựng quy trình nuôi cá bông lau trong ao đất