Nghiên cứu một số biện pháp trồng lan Giả hạc từ giống nuôi cấy mô tại TP.HCM
09/09/2023 : 00:09
Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao chủ trì thực hiện, KS. Nguyễn Thị Sáu làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2022.
Lan Giả hạc (Dendrobium anosmum) còn được gọi lan Phi điệp hay lan Hoàng thảo, được rất nhiều người yêu thích. Trên thị trường, giá của một thân lan Giả hạc dao động khoảng 200.000 - 500.000 đồng, tùy theo độ dài của thân. Đến nay, trên 750 chi với 35.000 loài lan tự nhiên đã được biết đến và hơn 75.000 giống lan được chọn lọc, lai tạo. Thời gian qua, dựa trên nền tảng công nghệ sinh học thực vật, các nhà khoa học đã nhân giống thành công nhiều giống lan Giả hạc quý, trong đó giống lan Giả hạc lai có khả năng sinh trưởng và chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất cao, bông sai, bông to, bông lâu tàn, mùi thơm dễ chịu.
Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn trong sản xuất hoa lan, đặc biệt là khu vực phía Nam với thời tiết quanh năm ấm áp, cường độ ánh sáng lớn và độ dài chiếu sáng thích hợp cho cây sinh trưởng phát triển. Tuy nhiên, thực tế tình hình sản xuất phong lan ở Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng. Một vài địa phương cũng tiến hành trồng lan Giả hạc lai nhưng mới dừng ở quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, chưa thống nhất được quy trình trồng lan Giả hạc, các nghiên cứu về lan Giả hạc lai còn hạn chế. Bên cạnh đó, dù đã có nhiều nghiên cứu nhân giống in vitro tạo ra một số lượng lớn cây con, nhưng việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng và chăm sóc cây con in vitro từ giai đoạn ra vườn ươm đến khi ra cây thương phẩm vẫn chưa được thực hiện.
Ngoài ra, tại TP.HCM, hoa lan vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường cả về số lượng và chất lượng, thực tế mới đáp ứng khoảng 25% - 30% nhu cầu tiêu thụ nội địa, còn lại là từ các tỉnh khác và từ nguồn nhập khẩu.
Đề tài nêu trên được thực hiện nhằm xác định giá thể, phân bón kích rễ, phân bón gốc và phân bón lá phù hợp cho cây lan Giả hạc từ giống nuôi cấy mô giai đoạn cây con trồng tại TP.HCM. Qua đó đưa ra một số biện pháp kỹ thuật cho quy trình trồng và chăm sóc cây con lan Giả hạc cấy mô trong vườn ươm một cách hiệu quả, làm tiền đề cho các nghiên cứu liên quan tới việc trồng và chăm sóc một số loại lan Giả hạc gieo hạt khác trong tương lai.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các thí nghiệm khảo sát ảnh hưởng của nồng độ NAA đến sinh trưởng cây lan Giả hạc giai đoạn cây con trồng tại TP.HCM; ảnh hưởng của giá thể đến sinh trưởng cây lan Giả hạc từ giống nuôi cấy mô giai đoạn cây con trồng tại TP.HCM; ảnh hưởng của phân bón lá và phân bón gốc đến sinh trưởng cây lan Giả hạc nuôi cấy mô giai đoạn cây con trồng tại TP.HCM.
Kết quả cho thấy, nồng độ NAA 60ppm là phù hợp với lan Giả hạc; công thức giá thể gồm 50% vỏ dừa chặt khúc + 50% than củi là phù hợp nhất với sinh trưởng của cây lan Giả hạc. Về phân bón lá và phân bón gốc, kết quả thí nghiệm lựa chọn được công thức bón phân gồm phân dê liều lượng 5g/cây/3 tháng + phân chậm tan 15 – 15 – 15 liều lượng 2g/cây/3 tháng và phun phân bón lá (30 – 10 – 10 + TE) nồng độ 3g/L nước cho cây lan Giả hạc sinh trưởng phát triển tốt mà vẫn tiết kiệm được chi phí và bảo vệ môi trường.
Kết quả đề tài cũng xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng cây lan Giả hạc từ giống nuôi cấy mô giai đoạn cây con tại TP.HCM với đầy đủ các bước thực hiện và các thông số kỹ thuật như chuẩn bị nhà ươm, chọn giống, chuẩn bị giá thể, chuẩn bị cây con, kỹ thuật ra cây con, chuẩn bị nhà lưới, trồng cây ra chậu, chăm sóc,… Quy trình có thể ứng dụng để trồng lan Giả hạc từ giống nuôi cấy mô tại TP.HCM cho cây sinh trưởng tốt.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)
Tin liên quan
- Cà Mau: Ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến để nâng cao giá trị tôm càng xanh
- ROSE - Kẹp robot mềm cải tiến
- Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng
- Nhân giống thành công sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô
- Tạo than sinh học từ rác thải nông nghiệp bằng thiết bị khí hóa
- Chọn tạo giống đậu xanh kháng bệnh khảm vàng và cho năng suất cao
- Sản xuất naringin, tinh dầu và phân bón từ vỏ bưởi
- Làm chủ công nghệ sản xuất phân bón lá Nano - REM
- Dự án “Nuôi cá nâu thương phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
- Vật liệu sinh học mới phục hồi sụn bị tổn thương ở khớp