Hoàn thiện quy trình sản xuất cây giống sung Mỹ ăn quả bằng phương pháp giâm cành tại TP.HCM
27/09/2023 : 00:09
Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao chủ trì thực hiện, ThS. Trần Văn Lâm làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2022.
Sung Mỹ (Ficus carica L.) là một loại cây ăn quả cận nhiệt đới, thuộc họ dâu tằm (Moraceae), được trồng nhiều ở vùng khí hậu Địa Trung Hải như Ý, Tây Ban Nha, một số vùng ở nước Úc hay ở bang California của Mỹ. Cây sung Mỹ đã và đang được nghiên cứu, khai thác tiềm năng trên toàn thế giới, có giá trị thực phẩm, dược phẩm và cảnh quan.
Quả sung Mỹ có hương vị thơm ngon, giàu chất xơ, kali, canxi và sắt. Một nghiên cứu hóa phân tích cho thấy ở quả, lá, rễ, mủ và cành của cây sung Mỹ giàu phenol, axit hữu cơ và các hợp chất bay hơi. Do sự hiện diện phong phú của các hợp chất có hoạt tính sinh học, sung Mỹ có nhiều hoạt tính khác nhau như chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, ngăn ngừa ung thư, bảo vệ gan, chống đái tháo đường, chống lao, hạ sốt,…
Cây ươm có thể được sản xuất bằng các phương pháp khác nhau như nhân giống in vivo (gieo hạt, chiết cành, ghép cành, giâm cành) và nhân giống in vitro. Phương pháp nhân giống in vivo được ưa chuộng trong sản xuất cây ươm thương mại và kỹ thuật nhân giống giâm cành được đánh giá khả thi và vượt trội nhất.
Hiện nay ở Việt Nam đã nghiên cứu được quy trình nhân giống in vitro cây sung Mỹ từ đỉnh chồi và đoạn thân mang chồi nách, cây con phát triển khỏe mạnh trên giá thể đất cát, xơ dừa và phân chuồng hoai theo tỷ lệ 1,5:1,5:1, nhưng chưa có tài liệu nghiên cứu về kỹ thuật giâm cành. Cây giống sung Mỹ đang bán trên thị trường với giá khá cao, dao động từ 150 – 200 nghìn đồng/cây. Vì vậy, việc nghiên cứu kỹ thuật nhân giống nhằm cung cấp cho thị trường giống sung Mỹ có chất lượng tốt và giá cả hợp lý đang được quan tâm.
Nhiệm vụ nghiên cứu nêu trên được thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của vị trí lấy cành giâm, bổ sung một số loại phân bón rễ, độ che sáng luống giâm, chế độ dinh dưỡng bổ sung cho cây con sung Mỹ (Ficus carica L.) tại TP.HCM. Đề tài đã tiến hành 2 thí nghiệm gồm nghiên cứu ảnh hưởng của vị trí lấy cành giâm và bổ sung một số loại phân bón rễ phù hợp cho giâm cành cây sung Mỹ; nghiên cứu ảnh hưởng của độ che sáng luống giâm và chế độ dinh dưỡng bổ sung phù hợp cho giâm cành cây sung Mỹ.
Kết quả cho thấy, cành giâm ở vị trí giữa kết hợp phun bổ sung phân bón rễ N3M định kỳ 1 tuần/lần thích hợp cho giâm cành cây sung Mỹ với các kết quả cây xuất vườn tốt nhất. Cụ thể, tỷ lệ ra rễ của cành giâm sau 30 ngày là 87,5%, sau 75 ngày giâm tỷ lệ cây con sống là 83,7%, số lá/chồi là 17,3 lá, số chồi/cây là 3,7 chồi, chiều dài chồi là 18,1cm, đường kính chồi là 3,5mm; lợi nhuận kinh tế đạt 14.550.000 đồng/100 chậu cây/75 ngày, tỷ suất lợi nhuận 3,42.
Cành giâm ở vị trí giữa kết hợp phun bổ sung phân bón rễ N3M định kỳ 1 tuần/lần trong điều kiện che 30% cường độ sáng, sau 75 ngày bổ sung thêm 0,5kg phân trùn quế + 50g NPK thích hợp cho giâm cành cây sung Mỹ với các kết quả cây xuất vườn tốt nhất. Cụ thể như sau: số lá/chồi là 22,3 lá, số chồi/cây là 10,7 chồi, chiều dài chồi là 23,4cm, đường kính chồi là 8,0mm; lợi nhuận kinh tế đạt 14.266.000 đồng/100 chậu cây/120 ngày, tỷ suất lợi nhuận 3,28.
Kết quả đề tài cũng phát triển được quy trình kỹ thuật giâm cành và sản xuất cây giống sung Mỹ theo hướng công nghệ cao. Quy trình có thể chuyển giao áp dụng cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh cây giống trong phạm vi TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, quy trình cũng được ứng dụng để nhân giống một số giống cây thân gỗ khác. Sản phẩm cây con sung Mỹ sẽ đáp ứng đầy đủ yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tạo công ăn việc làm và tăng lợi nhuận cho người sản xuất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)
Tin liên quan
- Cà Mau: Ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến để nâng cao giá trị tôm càng xanh
- ROSE - Kẹp robot mềm cải tiến
- Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng
- Nhân giống thành công sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô
- Tạo than sinh học từ rác thải nông nghiệp bằng thiết bị khí hóa
- Chọn tạo giống đậu xanh kháng bệnh khảm vàng và cho năng suất cao
- Sản xuất naringin, tinh dầu và phân bón từ vỏ bưởi
- Làm chủ công nghệ sản xuất phân bón lá Nano - REM
- Dự án “Nuôi cá nâu thương phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
- Vật liệu sinh học mới phục hồi sụn bị tổn thương ở khớp