Nghiên cứu ảnh hưởng của một số chất chống hóa nâu và chất điều hòa sinh trưởng thực vật lên quá trình nhân giống in vitro cây lan Dendrobium pensoda
12/10/2023 : 00:10
Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao chủ trì thực hiện, KS. Phạm Thị Thu Nhi làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2022.
Dendrobium là một chi hoa lan lớn với hơn 1600 loài phân bố ở vùng nhiệt đới, chủ yếu là ở vùng Đông Nam Á và châu Úc. Dendrobium pensoda thuộc chi Dendrobium, trong họ Orchidaceae, là loại hoa lan Dendrobium ưa nắng.
Lan Dendrobium pensoda là một trong những nhóm hoa lan cắt cành đang rất được ưa chuộng trên thị trường, với ưu thế màu sắc nổi bật, hoa có hương thơm, sai hoa và vòi hoa dài nên thường được dùng để trang trí, cắm hoa. Cùng với Oncidium, Phalaenopsis, các loài trong chi Dendrobium đang là một trong những nhóm hoa lan cắt cành chủ đạo của Việt Nam. Nguồn cung cấp cây giống Dendrobium pensoda chủ yếu vẫn là nhập khẩu từ Thái Lan.
Với sự gia tăng về diện tích trồng, quy mô cung ứng của hoa lan cắt cành tại Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2010 đến năm 2018 tăng gấp 1,6 lần. Từ các nguồn cung cấp, hoa lan cắt cành được bán cho các cửa hàng hoa, chợ đầu mối, bán đi các tỉnh và xuất khẩu. Có thể thấy thị trường tiêu thụ trong nước của hoa lan cắt cành là rất lớn, việc mở trộng quy mô trồng cây lan cắt cành thương phẩm mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Vì vậy, các loài hoa lan cắt cành, đặc biệt là cây Dendrobium pensoda đang được các nhà vườn ưu tiên trồng phục vụ cho kinh doanh.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, hiện nay phương pháp nuôi cấy mô đã được áp dụng để nhân giống các loại hoa lan, đặc biệt là trong nhóm Dendrobium. Tuy nhiên, chưa có quy trình nhân giống in vitro cây Dendrobium pensoda. Tại Việt Nam, nhân giống cây Dendrobium pensoda chủ yếu dựa vào phương pháp truyền thống là tách chiết cây con. Thời gian để cây ra một chồi non mới mất khá nhiều thời gian, khoảng 3 – 4 tháng mới ra một giả hành mới.
Bên cạnh đó, bước đầu khảo sát thử nghiệm cho thấy, loại cây này rất dễ tiết ra các hợp chất phenolic, đặc biệt là ở giai đoạn khử trùng mẫu, mẫu bị tổn thương dễ tiết ra nhiều hợp chất phenolic làm cho môi trường nuôi cấy bị hóa nâu, quá trình nhân giống của cây bị chậm lại. Vì vậy, cần có nghiên cứu để khắc phục hiện tượng này giúp cho quá trình nhân giống in vitro cây đạt hiệu quả tối ưu hơn bằng cách bổ sung vào môi trường các hợp chất chống hóa nâu (như PVP, bạc nitrat và acid ascorbic), đồng thời kết hợp khảo sát sự giảm tiết phenol bằng phương pháp nuôi cấy ngập chìm tạm thời RITA® trong quá trình nuôi cấy.
Đề tài nêu trên được thực hiện với mục tiêu xác định được nồng độ của chất chống hóa nâu và chất điều hòa sinh trưởng phù hợp để thúc đẩy quá trình nhân giống in vitro cho cây lan Dendrobium pensoda, từ đó giúp nhân nhanh số lượng cây giống đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành các nội dung chính gồm tạo PLBs từ chồi đỉnh, tái sinh chồi từ PLBs, tăng trưởng chồi và tạo rễ in vitro. Mẫu sau khi cắt khỏi cây mẹ được tiến hành khử trùng để loại bỏ hoàn toàn vi sinh vật, sau đó chồi non đã được khử trùng sẽ tiếp tục được ngâm với chất chống hóa nâu hoặc nuôi cấy trong môi trường có bổ sung chất chống hóa nâu để ngăn hiện tượng tiết phenol. Khi chồi ngủ đạt kích thước 2cm sẽ tiến hành tách lấy chồi đỉnh (1cm) rồi cấy vào môi trường tạo PLBs. Kế tiếp, tiến hành nuôi cấy tái sinh chồi từ PLBs, cuối cùng là tăng trưởng và tạo thành cây con in vitro hoàn chỉnh.
Kết quả cho thấy, thời gian ngâm mẫu với bạc nitrat trong 5 phút là phù hợp để ngâm mẫu với tỷ lệ mẫu tạo chồi đạt 81,49%, chồi ngủ phát triển nhanh, mẫu ít tiết phenol và vòng hóa nâu màu nhạt. Trên môi trường có bổ sung 20 mg/L PVP đã hạn chế được mẫu tiết phenol với tỷ lệ mẫu tạo chồi đạt 88,83%, đường kính vòng hóa nâu dưới 1cm, vòng hóa nâu nhỏ màu nhạt, chồi ngủ phát triển nhanh, không bị bất thường về hình thái. Môi trường MS có bổ sung 0,5 mg/L NAA kết hợp với 2,5 mg/L BA cho sự tạo PLBs tốt với tỷ lệ mẫu tạo PLBs đạt 99,95%, có 9,13 PLBs/mẫu, PLBs màu xanh nhạt, khả năng tăng sinh tốt, một số mẫu phát sinh thành chồi.
Nuôi cấy tăng sinh PLBs bằng hệ thống ngập chìm tạm thời RITA@ với tần suất ngập sau 3 phút/2 giờ trong môi trường MS có bổ sung 0,5 mg/L BA cho chỉ số gia tăng trọng lượng đạt 2,14 lần, số chồi tái sinh/g PLBs ban đầu là 31,33 chồi. Mẫu chồi phát triển tốt trên môi trường ½ MS cho chiều cao chồi 2,21cm, số rễ trung bình đạt 4,73 rễ, chồi to, chồi có màu xanh nhạt và lá vươn lên cao.
Trên môi trường có bổ sung 200ml nước dừa là tối ưu để nuôi cấy tăng trưởng chồi và tạo cây con hoàn chỉnh với chiều cao cây đạt cao nhất là 3,03cm và số rễ trung bình là 5,10 rễ, chồi to, màu xanh nhạt, lá mở vươn lên cao.
Kết quả đề tài cũng xây dựng được quy trình nhân giống in vitro cây lan Dendrobium pensoda với đầy đủ các thông số kỹ thuật như nồng độ chất chống hóa nâu để cải thiện tỷ lệ mẫu sống (ít nhất 60%) và tỷ lệ mẫu nảy chồi (ít nhất 60%), nồng độ chất điều hòa sinh trưởng thực vật ở từng giai đoạn tạo PLBs, tái sinh chồi với hệ số nhân chồi đạt ít nhất 10 chồi/mẫu, môi trường nuôi cấy để tăng trưởng chồi và tạo rễ in vitro với tỷ lệ mẫu tạo rễ là 100%. Việc áp dụng quy trình nhân giống in vitro sẽ giúp nhân nhanh cây lan Dendrobium pensoda, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)
Tin liên quan
- Cà Mau: Ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến để nâng cao giá trị tôm càng xanh
- ROSE - Kẹp robot mềm cải tiến
- Xây dựng mô hình trồng rau ăn lá thủy canh trong nhà màng
- Nhân giống thành công sâm cau bằng công nghệ nuôi cấy mô
- Tạo than sinh học từ rác thải nông nghiệp bằng thiết bị khí hóa
- Chọn tạo giống đậu xanh kháng bệnh khảm vàng và cho năng suất cao
- Sản xuất naringin, tinh dầu và phân bón từ vỏ bưởi
- Làm chủ công nghệ sản xuất phân bón lá Nano - REM
- Dự án “Nuôi cá nâu thương phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế
- Vật liệu sinh học mới phục hồi sụn bị tổn thương ở khớp