Menu Close Menu
Quay lại

Mô hình nuôi cua lột (Scylla sp.) trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

21/06/2024 : 00:06

Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao chủ trì thực hiện, ThS. Nguyễn Thị Kim Liên làm chủ nhiệm, thuộc chương trình "Phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030", được nghiệm thu năm 2023.

Cua biển (Scylla sp.) là một trong những món hải sản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và đây cũng là một trong những đối tượng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Hiện nay, sản phẩm cua lột có giá bán cao hơn cua thương phẩm từ 4 đến 5 lần. Cua lột có giá trị kinh tế vì là sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường do thành phần dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng canxi và phốt pho cao và dễ hấp thụ. Thịt cua lột có hàm lượng đạm 57,02 -  65,95%, khoáng 10,41 - 16,71% và hàm lượng lipid chiếm 3,52 - 9,45% cao hơn cua thịt.

Tại TP.HCM, mô hình ứng dụng nuôi cua trong nhà đang được quan tâm phát triển nhằm cung cấp nguồn cua cho thị trường Thành phố. Hệ thống có quy mô nhỏ nhưng cho năng suất cao hơn phương pháp nuôi truyền thống, có thể xây dựng lắp đặt trong nhà, đặc biệt là tại các khu vực nội thành, thành phố lớn, khu đông dân cư để nuôi thủy hải sản, đảm bảo cung cấp trực tiếp sản phẩm tươi sống cho người nuôi.

Trong đó, mô hình nuôi cua trong hộp nhựa và ứng dụng hệ thống tuần hoàn tái sử dụng nước nhằm tạo ra các sản phẩm thủy sản tươi sống, đảm bảo an toàn sinh học và không gây ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm cho người dân. Ưu điểm của hệ thống tuần hoàn là không cần nhiều lượng nước đầu vào nhờ nguyên lý tuần hoàn, sục khí tạo oxy. Khi đưa nước vào hộp nuôi cua, thức ăn thừa và chất cặn bẩn thải ra và đi qua hệ thống lọc thô, sau đó ra bể vi sinh và hệ thống khử khuẩn bằng tia UV. Những vi sinh sống trong hệ thống lọc sinh học có vai trò lọc thức ăn thừa và chất thải giúp môi trường sống của cua được sạch hơn. Nhờ vậy nguồn nước được tái sử dụng hoàn toàn. Cua được nuôi và thu hoạch liên tục, chất lượng sản phẩm có thể kiểm soát dễ dàng trước khi đưa vào thị trường. Ứng dụng hệ thống này người dân có thể nuôi cua 2 da, cua lột và cua gạch, tốn ít diện tích nhưng cho năng suất cao, sản phẩm đảm bảo được chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với nhiệm vụ Mô hình nuôi cua lột (Scylla sp.) trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước (Mô hình nuôi cua lột trong bể lọc sinh học tuần hoàn), nhóm nghiên cứu tập trung xây dựng và chuyển giao mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước cho hộ dân Vũ Hoàng Hùng (Doi Già Nếp, ấp Rạch Lá, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP.HCM).

07KQNCLVmohinhnuoicualoth2.jpg

Cụ thể, nhóm đã tiến hành lắp đặt hệ thống tuần hoàn và thiết bị nuôi cua lột thương phẩm; xây dựng, vận hành và chuyển giao quy trình nuôi cua lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước; đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình. Trong đó, hệ thống tuần hoàn và thiết bị nuôi thương phẩm cua lột được lắp đặt với các thông số kỹ thuật sau: quy mô 500 hộp nuôi; kích cỡ thả giống 200 g/con; kích cỡ thương phẩm ≥ 250 g/con; tỷ lệ sống ≥ 80% trở lên; tỷ lệ thay nước tối đa 5 - 10%/ngày. Hệ thống gồm các hộp nuôi cua, bể chứa, trống lọc, bể lọc, lọc skimmer, đèn UV.

Nguyên lý hoạt động: nước từ bể chứa đã xử lý đảm bảo các yếu tố chất lượng nước để nuôi cua bơm qua hệ thống qua trống lọc để lọc các cặn bã, vật chất lơ lửng sau đó nước bơm qua bể lọc sinh học (bể lọc sinh học có chứa hạt nhựa vi sinh). Nước từ bể lọc sinh học chảy qua lọc skimmer và sau đó qua đèn UV để khử khuẩn (lưu ý đèn UV chỉ chạy định kỳ 1 tuần/lần), nước từ đèn UV chảy ngược lại bể lọc sinh học để tạo vi sinh. Nước từ bể lọc sinh học được bơm lên các hộp nuôi cua, nước thải từ hộp nuôi cua chảy qua trống lọc sau đó chảy về bể lọc sinh học để xử lý và được bơm lên hệ thống nuôi trở lại. Như vậy, vòng tuần hoàn được lặp lại trong suốt quá trình nuôi.

07KQNCLVmohinhnuoicualoth3.jpg

Kết quả, đã xây dựng và chuyển giao được quy trình nuôi cua lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước quy mô 500 con/vụ với các thông số kỹ thuật ghi nhận bao gồm: các yếu tố chất lượng nước DO > 5 ppm; nhiệt độ 28 - 30oC; độ mặn 15 - 20‰; độ kiềm 200 - 230 ppm; TAN < 0,5; NO2 < 0,2 ppm; NO3 < 100 ppm và pH 7,5 - 8,8. Tỉ lệ sống của cua là 90%, tỷ lệ lột 84,07 – 87,58%, năng suất thu hoạch 393,31 kg/3 vụ tương ứng với 1.165 con cua lột thương phẩm có trọng lượng từ 320,67 - 366,67 g/con.

Theo nhóm nghiên cứu, hiệu quả kinh tế mô hình nuôi cua lột trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước quy mô 500 hộp/vụ (3 vụ/năm) cho lợi nhuận khoảng 101.800.000 đồng, tỷ suất lợi nhuận 0,66%. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, đáp ứng được yêu cầu cung cấp cua lột có chất lượng cho thị trường tiêu thụ. Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, giúp người nuôi tạo ra môi trường nuôi trồng tối ưu, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Kết quả của mô hình phù hợp với định hướng ngành thủy sản, là mô hình ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với tình hình phát triển nông nghiệp đô thị tại TP.HCM, cũng là hướng đi mới để sản xuất các đối tượng thủy sản có giá trị cao phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, mở ra những triển vọng mới cho việc phát triển bền vững nghề nuôi cua lột ở nước ta.

Diễm Hương - Lam Vân (CESTI)

Tin liên quan