Quay lại
Trồng cây đậu biển làm thức ăn gia súc trên đất nhiễm mặn
18/07/2024 : 00:07
Nhóm tác giả ở Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu xây dựng quy trình trồng cây đậu biển trên các vùng đất nhiễm mặn của Đồng bằng sông Cửu Long để thay thế một phần hoặc hoàn toàn thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi dê thịt.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng chiều dài vùng ven biển hơn 700 km, đang bị ảnh hưởng xấu của hạn hán và xâm nhập mặn - vào các tháng mùa khô, diện tích nhiễm mặn càng rộng và sâu vào nội đồng. Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến thảm thực vật sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi, cả tự nhiên và cỏ trồng. Trong khi đó, Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu về các giống cỏ có khả năng chịu mặn tốt để trồng ở những vùng đất bị nhiễm phèn mặn nặng.
Đậu biển (Vigna marina) là cây mọc hoang, được tìm thấy ở các khu vực ven biển, ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, có độ mặn trong khoảng 33 - 37o/oo. Ở Việt Nam, loài cây này còn ít người biết đến và chưa được sử dụng phổ biến. Chúng thường được tìm thấy ở những vùng ven biển như Sóc Trăng, Cà Mau. Nông dân chủ yếu dùng làm thức ăn cho gia súc như trâu, bò.
Cây có nhiều công dụng như một loại thực phẩm, thuốc, che phủ cây trồng, che phủ mặt đất và tạo cảnh quan. Hàm lượng dinh dưỡng của đậu biển trên 100 g nguyên liệu tươi gồm cacbonhydrates 24g, béo 4g, xơ 4g. Ngoài ra còn có các khoáng khác như Na, Fe, Cu, Zn,… Tất cả các bộ phận của đậu biển đều có thể sử dụng được. Do đó, đậu biển thuận lợi để sử dụng như một nguồn dinh dưỡng để chăn nuôi gia súc.
Tuy nhiên, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về cây đậu biển được công bố trong nước, ngoài một vài nghiên cứu được công bố mô tả đặc điểm hình thái, xác định thành phần hóa học,… Vì vậy, nhóm tác giả ở Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng chịu hạn, mặn, năng suất của cây họ đậu (Vigna marina) và sử dụng làm thức ăn gia súc ở các tỉnh ven biển chịu ảnh hưởng sự xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long”.
Thử nghiệm trồng đậu biển tại Vĩnh Long. Ảnh: NNC
Cây đậu biển được nhóm ươm từ hạt, thử nghiệm trồng, nuôi dê thịt Bách Thảo ở các vùng nhiễm mặn thấp ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long; nhiễm mặn trung bình ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng; và nhiễm mặn cao huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Kết quả, năng suất chất xanh (cọng, lá) của cây đậu biển cao nhất ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long (42,2 tấn/ha); kế đến là huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc trăng (41 tấn/ha); và thấp nhất là huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre (38 tấn/ha).
Năng suất chất khô của cây cao nhất ở Vĩnh Long (7,80 tấn/ha), kế đến là Sóc Trăng (7,29 tấn/ha), và cuối cùng là Bến Tre (6,53 tấn/ha).
Năng suất protein thô cao nhất ở Vĩnh Long (1,54 tấn/ha), kế đến là Sóc Trăng (1,36 tấn/ha) và cuối cùng là Bến Tre (1,25 tấn/ha).
Thử nghiệm nuôi dê Bách Thảo có bổ sung cây đậu biển vào khẩu phần ăn gồm 15% thức ăn hỗn hợp, 15% cây đậu biển và 70% cỏ lông tây, cho kết quả tăng trọng (g/con/ngày) lần lượt ở Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre là 59g, 52g, 67g. Nếu khẩu phần ăn 30% cây đậu biển và 70% cỏ lông tây thì tăng trọng lần lượt ở Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bến Tre là 65g, 57g, 68g.
Bổ sung đậu biển vào khẩu phần ăn cho dê Bách tThảo. Ảnh: NNC
Theo nhóm tác giả, kết quả thử nghiệm cho thấy, giống dê Bách Thảo có khả năng thích ứng cao với các điều kiện mội trường về độ nhiễm mặn. Nghiên cứu cũng cho thấy, cây đậu biển có thể thay thế 15% hoặc hoàn toàn thức ăn hỗn hợp trong khẩu phần của dê để giảm chi phí thức ăn, không ảnh hưởng đến tăng trọng và hệ số chuyển hóa thức ăn.
Nhóm tác giả cũng đã hoàn thiện quy trình trồng cây đậu biển và nuôi dê thịt bằng cây đậu biển ở vùng nhiễm mặn cao, trung bình, và thấp của đất ở ĐBSCL. Các quy trình này có thể chuyển giao cho những nông hộ chăn nuôi dê tại vùng ĐBSCL nói riêng và trên cả nước nói chung. Đặc biệt là các tỉnh ven biển có nghề chăn nuôi dê phát triển nhưng bị ảnh hưởng bởi xâm ngập mặn.
Đề tài của nhóm tác giả đã được Trường Đại học Cần Thơ nghiệm thu, kết quả đạt.
Nguồn: Kiều Anh - khoahocphothong.vn
Tin liên quan
- Vật liệu sinh học mới phục hồi sụn bị tổn thương ở khớp
- Chiết xuất từ thân cây thanh long làm vật liệu đóng gói
- Làm rõ cơ chế suy giảm chất lượng của một số hải sản
- Máy sơ chế quả sachi
- Hoạt tính kháng ung thư và điều hòa miễn dịch của một số cây thuốc Việt Nam
- Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh khảm lá sắn
- Vật liệu điện cực xốp lọc nước lợ từ phụ phẩm nông nghiệp
- Tổng hợp keo dán gỗ từ dầu vỏ hạt điều
- Bến Tre: Xây dựng quy trình nuôi cá bông lau trong ao đất
- Mô hình nuôi cua lột (Scylla sp.) trong hộp nhựa bằng hệ thống tuần hoàn nước