Người đưa giống dưa lưới Hà Lan về trồng trên vườn đồi
07/09/2020 : 00:09
Là một xã miền núi, người dân Nam Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh vốn quen với sản xuất nông nghiệp truyền thống, trồng lúa, trồng rừng và khai thác rừng với quy mô canh tác nhỏ lẻ, tự phát, hiệu quả thấp nên đời sống gặp khó khăn. Gia đình anh Phan Văn Quỳnh ở thôn Lâm Hưng cũng như thế, mặc dù sở hữu diện tích vườn đồi hơn 5.000 m2 nhưng anh vẫn chưa biết cách khai thác, chỉ là vườn tạp trồng nhiều loại cây khác nhau, không mang lại hiệu quả kinh tế.
Cuối năm 2016, ngay khi vừa “ra khỏi” diện đầu tư chương trình 135, người dân xã Nam Hương được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động triển khai các biện pháp nâng cao thu nhập, đặc biệt chú trọng chỉnh trang vườn hộ, phát triển kinh tế vườn đồi, hướng tới phát triển bền vững. Nắm được chủ trương đó, vợ chồng anh Quỳnh đã lên ý tưởng san đồi, phá vườn tạp trồng cây ăn quả với cây ổi là chủ lực, kết hợp chăn nuôi gà, đào ao thả cá,… nhằm cải thiện đời sống gia đình.
Trong quá trình làm trang trại, anh Quỳnh nhận ra: Mình đã có sẵn diện tích vườn đồi lớn, nếu đầu tư thêm công nghệ khoa học sẽ cho ra hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì vậy, anh bắt đầu tìm hiểu thêm về công nghệ trồng dưa lưới Hà Lan trong nhà màng. Được biết quả dưa lưới Hà Lan hình tròn, vỏ vàng, thịt dày màu xanh, ruột dưa màu trắng ngà mang vị ngọt thanh thanh và có mùi thơm đặc trưng được nhiều người ưa chuộng nhưng lại chưa được trồng nhiều ở Hà Tĩnh nên anh quyết định đầu tư lớn vào giống dưa lưới này. Đến tháng 5/2019, sau khi gom góp và vay mượn được 380 triệu, anh xây nhà màng với diện tích 800m2, trồng 900 gốc dưa lưới Hà Lan đầu tiên. Để thêm phần chắc chắn, anh Quỳnh thuê chuyên gia kỹ thuật của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh về phối hợp để trồng giống dưa này.
Chia sẻ thêm về quá trình trồng giống dưa lưới Hà Lan trên vùng đất đồi, anh Quỳnh cho biết: Để có cây dưa khỏe từ ban đầu, anh mua giống về ươm cây con, chăm sóc cẩn thận. Khi cây đạt 4 lá, chọn cây khỏe đều trồng vào bầu. Bầu trồng được làm từ xơ dừa, phân hữu cơ vi sinh... đã được xử lý sạch. Nguồn nước tưới cho cây cũng phải đảm bảo sạch như nguồn nước uống của người. Để có được những quả đưa tròn đều, ngay từ khâu thụ phấn cần khéo léo thực hiện đúng kĩ thuật xoay hoa. Khi quả lớn hơn quả trứng gà, tiến hành chọn lọc, tỉa quả, mỗi dây dưa chỉ để một quả. Do đó các quả dưa trong vườn của anh đều đạt kích thước đồng đều, từ 1,7 - 2 kg, quả tròn đẹp. Bên cạnh đó, dưa lưới trồng trong nhà màng sẽ có chất lượng cao, đảm bảo an toàn sinh học vì đã tránh được côn trùng gây bệnh.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên vườn dưa lưới của anh phát triển tốt. Sau gần 3 tháng cho thu hoạch chất lượng quả thơm ngon, đạt đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên bán rất được giá. Vụ đầu tiên đã thành công, mang về thu nhập cho gia đình anh khoảng 50 triệu đồng. Vì vậy, năm thứ 2 này anh quyết định nâng số lượng trồng lên 24.000 gốc dưa lưới, đạt sản lượng gần 3 tấn quả. Với giá bán 45.000 – 55.000 đồng/kg, vụ dưa lưới này gia đình anh đạt doanh thu 145 triệu đồng. Dưa lưới nhà anh Quỳnh lấy thương hiệu là Anh Thơ, có tem mác đầy đủ, được bao xốp bên ngoài và nhờ khâu giới thiệu sản phẩm tốt nên được siêu thị Coopmart, Vinmart thu mua. Ngoài ra anh còn gửi đi Vinh, Hà Nội tiêu thụ nhằm giới thiệu và quảng bá thương hiệu dưa lưới giống Hà Lan ngon, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhận xét về mô hình của anh Quỳnh, đồng chí Trần Hậu Đức – Phó chủ tịch UBND xã Nam Hương – cho biết: “Gia đình anh Phan Văn Quỳnh qua 2 năm triển khai mô hình trồng dưa lưới Hà Lan trong nhà màng, đến thời điểm hiện tại mô hình cho thấy rất phù hợp với thời tiết, khí hậu ở xã miền núi Nam Hương. Mô hình này thành công đã mở ra hướng đi mới cho việc chuyển đổi cây trồng ở địa phương cũng như phát triển kinh tế của xã. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến khích bà con địa phương đến tham quan và học hỏi nhằm nhân rộng mô hình này".
Trong điều kiện đất đai vùng đồi núi khó sản xuất và yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng tăng thì việc xây dựng mô hình trồng dưa lưới giống Hà Lan trong nhà màng của anh Phan Văn Quỳnh là hướng đi phù hợp với xu hướng phát triển, đáp ứng được các tiêu chí an toàn sinh học; tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nông dân./.
Hoàng Thanh
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
Tin liên quan
- Hiệu quả kinh tế từ mô hình VAC
- Mô hình hợp tác quốc tế về ươm tạo: cánh cửa rộng mở với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
- Nhiều niềm vui từ “Cây dừa nhà tôi”
- Trồng dưa lưới công nghệ cao: Nhà vườn thu bạc tỷ
- Phát triển cây hành theo hướng VietGAP tại Mỹ Thọ
- Mô hình trồng hành VietGAP ở xã Cát Tài đạt hiệu quả kinh tế cao
- Mô hình lắp ghép ao tôm di động
- Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp
- Làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp
- Hiệu quả kinh tế từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao