Mô hình hợp tác quốc tế về ươm tạo: cánh cửa rộng mở với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
28/10/2024 : 00:10
Trong bối cảnh hợp tác quốc tế đang là xu hướng tất yếu, chương trình Green Innovation Fellowship (GIF 2023) được thiết kế với nhiều hoạt động chuyên sâu, ý nghĩa và thiết thực đã tạo ra sân chơi lớn, uy tín, giúp các dự án khởi nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội giao lưu, học hỏi, cũng như thể hiện được ý tưởng sáng tạo của mình.
Đây cũng là kết quả của nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ “Xây dựng mô hình hợp tác quốc tế về ươm tạo và trao đổi các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và các nước” do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) thực hiện, vừa được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu cuối tháng 9 vừa qua.
Quang cảnh buổi nghiệm thu.
Báo cáo tại buổi nghiệm thu, bà Nguyễn Thị Diệu Hằng (chủ nhiệm nhiệm vụ) cho biết, GIF 2023 là chương trình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia hợp tác của các tổ chức: Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC), Công ty Cổ phần Xúc Tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp (IBP), Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) và Amazon Web Services (AWS) Singapore. Với mục tiêu tìm kiếm, ươm tạo, kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiêu biểu của Việt Nam chuyên cung cấp giải pháp ĐMST (đổi mới sáng tạo) xanh và ESG (môi trường, xã hội, quản trị), BSSC đã phối hợp cùng AWS tổ chức thử nghiệm mô hình hợp tác ươm tạo khởi nghiệp cụ thể ở các lĩnh vực trọng tâm là bất động sản, xây dựng năng lượng sản xuất/công nghệ, bao bì/vật liệu mới. Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 150 dự án khởi nghiệp ĐMST đến từ Việt Nam có các sản phẩm/dịch vụ hoặc các hoạt động, mục tiêu hướng tới lĩnh vực chủ đề.
Phân tích hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam cho thấy, mặc dù hoạt động này đã có bước phát triển khởi đầu thuận lợi, tuy nhiên ở nước ta hiện vẫn chưa có mô hình hợp tác chuẩn để chuyển giao, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST với quốc tế, đặc biệt là sự hợp tác giữa các vườn ươm, chương trình tăng tốc và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Vì vậy, việc nghiên cứu luận cứ, đề xuất mô hình, chính sách nâng cao hiệu quả việc hợp tác, thí điểm mô hình hợp tác ươm tạo khởi nghiệp ĐMST giữa Việt Nam và quốc tế là rất cần thiết. Điều này không chỉ góp phần vào việc tối ưu hóa môi trường kinh doanh khởi nghiệp mà còn là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển toàn diện và bền vững của hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam.
Trong đề tài này, nhóm tác giả đã tiến hành một số công việc như nghiên cứu các mô hình hiện có trên thế giới; đánh giá khái quát về bối cảnh, điều kiện của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam; đề xuất mô hình, phương hướng triển khai hợp tác ươm tạo giữa Việt Nam và quốc gia dự kiến hợp tác.
Cụ thể, qua quá trình khảo sát các chương trình trao đổi, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tiêu biểu trên thế giới, nhóm tác giả nhận thấy một số đặc điểm như: các chương trình đều có sự hỗ trợ của Chính phủ và những mối quan hệ song phương; các chương trình thường tập trung vào ngành và lĩnh vực trọng tâm, thế mạnh của hai bên; các chương trình đều có sự hỗ trợ tài chính ban đầu cho đối tượng tham gia; giúp các doanh nghiệp ĐMST tiếp cận thị trường và mở rộng mạng lưới; chương trình giúp cho các đối tượng tham gia học tập đa văn hóa.
Nhìn lại trong nước, tuy chỉ mới thành lập và phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây, thế nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng và đón nhận sự hỗ trợ đáng kể từ việc hợp tác quốc tế. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn và tập đoàn kinh tế quốc tế tham gia vào hệ sinh thái này. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng cải thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động khởi nghiệp ĐMST.
Cũng qua nghiên cứu kinh nghiệm từ nhiều quốc gia và thực tiễn bối cảnh, điều kiện của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nước, một số hoạt động hợp tác ươm tạo với các nước trên thế giới từng triển khai, nhóm dự án đã đề xuất mô hình hợp tác quốc tế về ươm tạo và trao đổi doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cho đối tượng tham gia là doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam và các quốc gia khác. Theo đó, chương trình GIF 2023 được triển khai thực hiện chính thức trong 9 tháng, từ tháng 03/2023 đến 11/2023, thông qua 4 giai đoạn: (1) Chuẩn bị trước chương trình; (2) Mở đơn, tuyển chọn dự án; (3) Chương trình ươm tạo; (4) Sau chương trình, xây dựng mạng lưới và đánh giá kết quả.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng (chủ nhiệm nhiệm vụ) báo cáo kết quả đề tài tại buổi nghiệm thu.
Sau 9 tháng triển khai thực hiện GIF 2023, qua từng giai đoạn, mô hình đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đồng thời góp phần vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại Việt Nam và trên trường quốc tế. Mô hình đồng thời nhấn mạnh sự cộng tác giữa các tổ chức ươm tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm, các trường đại học và Chính phủ của những quốc gia tham gia. Qua giai đoạn 2, GIF 2023 đã có hơn 150 hồ sơ đăng ký, sau tuyển chọn đã chọn ra được top 10 đội thi với những dự án phù hợp và tiềm năng nhất để tham gia chương trình ươm tạo, đồng thời có cơ hội trưng bày trực tiếp tại InnoEx (sự kiện quốc tế thường niên thúc đẩy hoạt động ĐMST, tăng trưởng bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và khu vực ASEAN). Ở giai đoạn 3, nhóm thực hiện đã tổ chức được 4 khóa huấn luyện trực tiếp kết hợp trực tuyến, 1 khóa huấn luyện về thực hành kỹ năng thuyết phục nhà đầu tư dành cho top 10 và 1 buổi hướng dẫn 1:1 với báo cáo viên. Đến giai đoạn cuối cùng, hiệu quả của chương trình ươm tạo được đánh giá kỹ lưỡng, tập trung vào tác động của nó đối với các doanh nghiệp tham gia. Cùng với đó, các dự án được hỗ trợ huy động vốn, phát triển thị trường, đồng thời một loạt những hoạt động tiếp theo sẽ được tổ chức nhằm đảm bảo sự hỗ trợ và cơ hội cho việc hợp tác, học hỏi liên tục ngay cả sau khi chương trình kết thúc.
Bà Hằng nhận định, sự thành công của mô hình hợp tác quốc tế thường gắn liền với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và các quan hệ đối tác song phương mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất sau:
Một là, cần thiết lập mối quan hệ ngoại giao song phương cấp Chính phủ đối với các quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST mạnh và phù hợp với hệ sinh thái của Việt Nam. Việc này không những góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà còn khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực ĐMST.
Hai là, các chương trình nên tập trung vào ngành và lĩnh vực trọng tâm, thế mạnh của hai bên. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng tổng thể của chương trình ươm tạo, mà còn tối đa hóa giá trị đóng góp từ mỗi dự án/doanh nghiệp tham gia, qua đó tạo lập nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.
Ba là, cần có sự hỗ trợ tài chính ban đầu cho các đối tượng tham gia. Điều này bao gồm việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan tài trợ, Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ, nguồn đầu tư tư nhân, nhằm tạo ra nguồn vốn ban đầu khả thi cho việc triển khai và phát triển chương trình.
Bốn là, cần chuẩn hóa và cải thiện liên tục năng lực của cơ sở ươm tạo tham gia các chương trình hợp tác quốc tế.
Minh Nhã (CESTI)
Tin liên quan
- Hiệu quả kinh tế từ mô hình VAC
- Nhiều niềm vui từ “Cây dừa nhà tôi”
- Trồng dưa lưới công nghệ cao: Nhà vườn thu bạc tỷ
- Phát triển cây hành theo hướng VietGAP tại Mỹ Thọ
- Mô hình trồng hành VietGAP ở xã Cát Tài đạt hiệu quả kinh tế cao
- Mô hình lắp ghép ao tôm di động
- Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp
- Làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp
- Hiệu quả kinh tế từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao
- Quy trình trồng dưa lưới (Cucumis melo L.) trên giá thể trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt