Hiệu quả kinh tế từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao
02/11/2021 : 00:11
Đầu năm 2021, được Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Bình hỗ trợ kinh phí, gia đình ông Nguyễn Thành Tân, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy đã triển khai trồng dưa lưới và các loại rau củ quả trong nhà màng. Mô hình bước đầu đã cho hiệu quả.
Trong nhà màng diện tích 800 m2, vụ đầu tiên ông Tân trồng thử 1800 gốc dưa lưới, giống dưa lưới vàng thơm trồng bằng giá thể đựng trong túi PE. Mô hình áp dụng tưới nước và phân bón nhỏ giọt theo công nghệ Israel nhằm cung cấp vừa đủ chất dinh dưỡng cho cây, không dư thừa hàm lượng phân bón đảm bảo tính an toàn của sản phẩm. Mô hình đã thực hiện đúng quy trình, kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch. Đặc biệt là hạn chế sự tấn công của sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc hoá chất bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng quả thơm ngon, mẫu mã đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng.
Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc đã có thể thu hoạch. Ông Tân tính toán: một quả dưa nặng từ 1,5 - 1,7 kg, tổng sản lượng cả vụ đạt hơn 2,8 tấn, với giá bán tại vườn 35.000 - 40.000 đồng/kg sẽ thu về hơn 100 triệu đồng một vụ. Nếu trồng 2 vụ/năm thì sau khi trừ chi phí sản xuất sẽ thu lãi trên 150 triệu đồng mỗi năm.
Ông Tân cho biết thêm: “Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhưng may mắn là dưa chín vào đúng lúc huyện nhà chuyển trạng thái phòng, chống dịch trong tình hình mới nên quá trình tiêu thụ không ảnh hưởng lắm. Biết đến dưa lưới gia đình trồng được công nhận sản phẩm đạt chuẩn VietGAP nên nhiều thương lái đã đến tận nhà thu mua. Dưa được chuyển đến các cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài huyện, thời gian tới sẽ tiếp tục giới thiệu đến các siêu thị để mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Ngoài ra, vào vụ thu đông, tận dụng ưu thế hệ thống nhà màng ông Tân trồng thêm một vụ dưa chuột và mướp đắng để tăng thu nhập cho gia đình.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Nước, Phó Chủ tịch xã Hưng Thủy cho rằng: “Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tuân thủ quy trình, mô hình trồng dưa lưới và rau củ trong nhà màng của gia đình anh Nguyễn Thành Tân đã mở ra hướng đi triển vọng trong sản xuất nông nghiệp của xã. Đây cũng là cơ hội giúp người dân trên địa bàn học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Những năm trở lại đây, mô hình trồng dưa lưới gối vụ rau củ quả trong nhà màng không còn xa lạ với nền nông nghiệp của huyện Lệ Thuỷ. Hiện toàn huyện có 4 mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng với tổng diện tích 3.600 m2, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả kinh tế những mô hình này mang lại đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện từng bước phát triển toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn với ứng dụng công nghệ cao và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập cho người dân.
Hoài Thu – Minh Linh
Đài TT – TH Lệ Thủy, Quảng Bình
Tin liên quan
- Hiệu quả kinh tế từ mô hình VAC
- Mô hình hợp tác quốc tế về ươm tạo: cánh cửa rộng mở với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
- Nhiều niềm vui từ “Cây dừa nhà tôi”
- Trồng dưa lưới công nghệ cao: Nhà vườn thu bạc tỷ
- Phát triển cây hành theo hướng VietGAP tại Mỹ Thọ
- Mô hình trồng hành VietGAP ở xã Cát Tài đạt hiệu quả kinh tế cao
- Mô hình lắp ghép ao tôm di động
- Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp
- Làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp
- Quy trình trồng dưa lưới (Cucumis melo L.) trên giá thể trong nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt