Menu Close Menu
Quay lại

Quy trình nhân giống in vitro lan Kiếm vàng Phan trí

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

25/09/2020 : 00:09

Quy trình ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật nhằm nhân nhanh một số lượng lớn cây giống lan Kiếm vàng Phan trí (Cymbidium finlaysonianum) trong thời gian ngắn và ổn định về chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường về loài địa lan nổi tiếng của Việt Nam.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Kiếm vàng Phan trí thuộc dòng lan Kiếm Tiên Vũ (hoa thòng bán sơn địa lá dài rất cứng, hoa vàng đột biến, là loài lan nổi tiếng từ lâu của Việt Nam), có tên khoa học là Cymbidium finlaysonianum.

Cymbidium là một trong những chi lan được mệnh danh là “Nữ hoàng của các loài lan”, với những đặc điểm nổi bật về giá trị khoa học lẫn mỹ thuật gắn liền với đời sống của con người Á Đông. Về mặt kinh tế, Cymbidium là chi hoa lan cắt cành có giá trị rất cao trong các loài hoa cắt cành và luôn được ưa chuộng trên thị trường thế giới nhờ hoa to, nhiều, màu sắc đẹp, cành hoa dài và lâu tàn. Do đặc tính sinh lý, nên ở nước ta, Cymbidium chỉ mới được trồng chủ yếu ở Đà Lạt, Đức Trọng (Lâm Đồng), Gia Lai, Kon Tum. Vì vậy, cần những giống địa lan mới, có thể khắc phục được nhược điểm về giới hạn địa lý, nhằm mở rộng diện tích trồng loài hoa này ở các vùng khí hậu nóng ẩm hơn.

Thân cây lan Kiếm vàng Phan trí là loại dễ trồng và dễ chăm sóc, cây khỏe và có sức sống tốt, khi trồng đạt củ to cùng với bản lá to. Cây thích hợp với khí hậu nhiệt đới. Tuy nhiên thời gian cây ra giả hành mới rất lâu, thường 1 năm ra được 1 giả hành mới. Hiện nay cây lan này rất có giá trị sưu tầm trên thị trường. Do đó, ngày càng có nhiều khách hàng yêu cầu lưu giữ, phát triển và nhân giống in vitro giống lan rừng quý, có giá trị kinh tế này. Những cây có phẩm chất tốt được nhân lên gấp nhiều lần từ các cơ quan của cây mẹ có đặc điểm nổi trội hoặc chống chịu tốt với điều kiện môi trường.

Quy trình và phương pháp thực hiện

Quy trình nhân giống in vitro lan Kiếm vàng Phan trí

Thuyết minh quy trình:

+ Chọn cây mẹ:

Cây mẹ được chọn là cây khoẻ mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, không bị sâu bệnh, không bị biến dị về hình thái.

+ Khử trùng mẫu:

Chọn cây mẹ khỏe mạnh, được 2 năm tuổi có các chồi non (2-3 tháng tuổi) dài 20-30 cm để làm vật liệu ban đầu, tiến hành rửa mẫu dưới vòi nước để loại sạch bụi bẩn và đất cát bám ở mặt ngoài, tách bỏ một ít vỏ bao bên ngoài mẫu sau đó lắc với dung dịch xà phòng Lifebuoy (5ml Lifebuoy/300ml nước) trong 15 phút, rửa lại dưới vòi nước 30 phút. Chuyển vào tủ cấy và tiến hành khử trùng lần 2, sử dụng nước hấp vô trùng rửa mẫu 3-4 lần, sau đó lắc mẫu với cồn 700 trong 1-2 phút, rửa sạch mẫu với nước cất vô trùng 3-4 lần. Khử trùng bằng dung dịch Javel Mỹ Hảo thương mại (5% NaClO) với tỷ lệ Javel: nước là 2:1 có bổ sung 2-3 giọt Tween 20, sau 30 phút khử trùng tiến hành rửa sạch lại với nước hấp vô trùng 3-4 lần.

Tách bớt bao lá sau lắc lại với dung dịch HgCl2 0,1% có bổ sung 2-3 giọt Tween, sau 5 phút tiến hành rửa sạch mẫu bằng nước hấp vô trùng 3-4 lần. Sau đó tách bỏ hoàn toàn bao lá và phần mẫu bị chất khử trùng làm trắng và cấy vào môi trường MS + 30g/L đường sucrose + BA 0,5 mg/L lỏng lắc trong vòng 1 tuần nuôi cấy, loại bỏ mẫu nhiễm và cấy vào môi trường MS + BA 1 mg/L + 100 ml/L nước dừa + 30g/L đường sucrose + 8 g/L agar.

Sau 4 tuần nuôi cấy, loại bỏ mẫu nhiễm. Mẫu sạch được nuôi cấy và phát triển các chồi bên khoảng 2 cm tiến hành tách bỏ hết lá và tách phần chồi đỉnh có kích thước khoảng 2 mm.

+ Tạo PLB (Protocorm-like bodies):

Sau khi đã tạo được chồi in vitro, tiến hành tách đỉnh chồi nuôi cấy trên môi trường MS + 3 mg/L BA + 0, 5 mg/L NAA + 30 g/L đường sucrose + 8 g/L agar.

+ Tăng sinh PLB và tái sinh chồi:

Sự tăng sinh PLB và tái sinh chồi đạt hiệu quả cao khi nuôi cấy trên môi trường MS + 1 mg/L BA + 100 ml/L nước dừa + 30 g/L đường sucrose, sử dụng hệ thống nuôi cấy ngập chìm tạm thời RITA® với tần suất ngập 3 phút sau mỗi 4 giờ.

Hệ số nhân chồi tạo thành từ 1 chồi in vitro ban đầu qua quá trình tạo PLB nuôi cấy trên môi trường thạch sau 4 tháng nuôi cấy là 20 lần. Hệ số nhân chồi tạo thành từ 1 chồi in vitro ban đầu qua quá trình tạo PLB nuôi cấy trên hệ thống ngập chìm tạm thời RITA® sau 4 tháng nuôi cấy là 84 lần. Hệ số nhân chồi trực tiếp tạo thành từ 1 chồi in vitro ban đầu là 3-4 lần.

Tăng trưởng cây lan in vitro:

Sau khi tạo được lượng chồi cần thiết sẽ cấy chuyền sang môi trường mới để chồi phát triển thành cây con, sử dụng môi trường nuôi cấy là môi trường khoángHyponex® với thành phần N:P:K là 20:20:20 (2g/L) bổ sung hàm lượng 15 g/L chuối sứ chín + 0,5 mg/L NAA + 100 ml/L nước dừa + 30 g/L đường sucrose + 8 g/L agar. Sau 2 tháng nuôi cấy, cây con đạt chiều cao từ 4 - 6,5 cm, 3 rễ, 3 - 4 lá.

Giai đoạn huấn luyện cây:

Cây con đạt tiêu chuẩn về chiều cao, số lá, số rễ sẽ được đưa ra khỏi phòng nuôi và bắt đầu giai đoạn huấn luyện thích nghi.

Mục đích: giúp cây làm quen từ từ với điều kiện bên ngoài khi không còn được nuôi trong điều kiện thí nghiệm tránh cho cây bị sốc, tăng tỷ lệ sống ngoài vườn ươm. Khi cây phát triển hoàn chỉnh trong các bình nuôi cây sẽ được chuyển tới khu huấn luyện thích nghi được thiết kế đón ánh sáng tự nhiên và thoáng gió. Thời gian của giai đoạn này khoảng 2-4 tuần.

Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế

Quy trình ứng dụng hệ thống ngập chìm tạm thời trong nhân nhanh in vitro giống cây cho thấy hiệu quả rõ rệt về gia tăng hệ số nhân và chất lượng cây giống. Sự tạo chồi thông qua tạo PLB và tái sinh chồi trên hệ thống nuôi cấy ngập chìm tạm thời đạt hệ số gia tăng trọng lượng PLB là 18,7 lần và số chồi tái sinh 84,6 chồi.

Quy trình thu được cây tăng trưởng tốt và 100% chồi ra rễ, chiều cao cây là 6,3 cm và có 3,67 rễ. Tỷ lệ sống của cây giai đoạn vườn ươm sau 1 tháng trồng đạt 95%. Nhờ vậy quy trình khi áp dụng sẽ giúp chủ động sản xuất được số lượng lớn cây giống trong thời gian ngắn với chất lượng đồng đều và ổn định, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế. Việc áp dụng hệ thống ngập chìm tạm thời, khi triển khai vào sản xuất, cần nghiên cứu thêm việc kiểm soát sự nhiễm của mẫu.

Quy mô sản xuất có thể đạt sản lượng 50.000 cây/năm, với chi phí sản xuất khoảng 300 triệu đồng. Giá bán dự kiến 8.000-10.000 đồng/cây giống.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

1. ThS. Nguyễn Thị Điệp

ĐT: 0909259807. Email: nguyenthidiep.bio@gmail.com       

2. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao

Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Điện thoại: 0286 8862726.

Lam Vân (CESTI)

 

Tin liên quan