Menu Close Menu
Quay lại

Nông dân đưa lươn vào nhà nuôi để sản xuất sạch, an toàn

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

26/03/2021 : 00:03

Hệ thống nuôi lươn ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước (RAS) đảm bảo chất lượng thủy sản đồng đều, tăng giá trị thương phẩm, không gây ô nhiễm môi trường.

Đầu tháng 3/2021, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống nuôi lươn thương phẩm không bùn bằng hệ thống tuần hoàn nước, đồng thời chuyển giao quy trình kỹ thuật ương lươn giống và nuôi lươn thương phẩm (sử dụng trong hệ thống nuôi) cho Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang). Quá trình thi công lắp đặt chỉ trong 5 ngày, thời gian tiến hành cấy vi sinh để xử lý nước mất khoảng 10 ngày, để hệ thống có thể vận hành và thả lươn vào nuôi ngay.

 

Lươn phát triển mạnh khỏe, chất lượng đồng đều.

Trước đó, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang đã tổ chức đoàn (gồm đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân) đến tham quan, tìm hiểu trực tiếp các mô hình nuôi thủy sản trong nhà ứng dụng hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS).

ThS. Lê Ngọc Hạnh (trái) giới thiệu hệ thống lọc và tuần hoàn nước.

Sau khi tìm hiểu và trao đổi, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp quyết định đặt hàng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II chuyển giao kỹ thuật và quy trình nuôi thủy sản bằng hệ thống tuần hoàn nước dành cho lươn và cua.

Mối “lương duyên” này bắt nguồn từ buổi hội thảo “Ứng dụng công nghệ xanh - lọc nước tuần hoàn trong nuôi trồng thủy hải sản”, diễn ra chiều ngày 5/11/2020, trong khuôn khổ Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành Công nghệ sinh học 2020, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP.HCM (CESTI, thuộc Sở KH&CN TP.HCM) tổ chức vào các ngày 5-6/11/2020.

Các bên cung - cầu công nghệ gặp nhau tại Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành Công nghệ sinh học 2020.

Mặc dù thời gian trình bày báo cáo có hạn, nhưng ưu điểm nổi bật của hệ thống lọc nước tuần hoàn đã gây sự chú ý mạnh mẽ đến đại biểu tham dự, trong đó có đại diện Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang. Từ đó, đơn vị này đã chủ động liên hệ với CESTI và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II để hợp tác triển khai chuyển giao công nghệ mới.

Hệ thống nuôi lươn thương phẩm không bùn bằng hệ thống tuần hoàn nước lắp đặt tại Tiền Giang bao gồm 4 bể nuôi (kích thước 4x1,2x0,8m), được bố trí trong diện tích sàn 60m2 (4x15m). Lươn được nuôi trong bể (đặt trong nhà), mực nước nuôi khoảng 40cm. Năng suất dự kiến đạt 50kg/m2.

Ưu điểm của hệ thống là tuần hoàn tái sử dụng nước 100% (không thay nước, chỉ bổ sung lượng nước bị hao hụt do bốc hơi khi cần), trong đó chất thải rắn được tách bằng thiết bị tách thải tự động và xử lý bằng thiết bị tự hoại, còn các chất thải hoà tan sẽ xử lý bằng hệ thống lọc sinh học có thiết bị tách thải tự động, nên không xả thải ra môi trường. Chất lượng nước được đảm bảo đạt mức amoni dưới 0,5mg/l, nitrit dưới 1mg/l, pH dao động từ 7,5-8, oxy hoà tan trong nước duy trì từ 6mg/l trở lên, nhiệt độ được kiểm soát bằng cảm biến điện tử (sai số 0,1oC).

 

Hệ thống tinh gọn, hoạt động hiệu quả, không gây ô nhiễm.

Đưa lươn từ đồng ruộng vào nuôi trong nhà là phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ mới, giúp tách biệt lươn với môi trường bên ngoài vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người nuôi. Vì thế, hệ thống nuôi lươn thương phẩm không bùn bằng hệ thống tuần hoàn nước là giải pháp hạn chế mầm bệnh và kiểm soát tốt chất lượng lươn nuôi, không cần sử dụng đến kháng sinh trong quá trình nuôi, cho chất lượng thủy sản đồng đều và sạch, đáp ứng tốt tiêu chuẩn về chất lượng để tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Sau hệ thống nuôi lươn, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II tiếp tục lắp đặt hệ thống nuôi cua thương phẩm cũng ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước (RAS) cho Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang.

Hiện nay, CESTI vẫn đang phối hợp Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II giới thiệu và chuyển giao giải pháp nuôi trồng thủy sản trong nhà ứng dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu, với kỳ vọng nhân rộng mô hình khắp cả nước cho nhiều loại thủy sản khác nhau (cua, lươn, tôm tích, tôm càng xanh, cá…).

Hoàng Kim (CESTI)

 

Tin liên quan