Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
12/12/2024 : 00:12
Ông Ngô Hoài Hữu, 64 tuổi, ở thôn Thanh Lương, xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) vừa được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2021 - 2023. Trước đó, năm 2023, ông còn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về mô hình sản xuất hiệu quả, giúp đỡ nhiều hộ nông dân thoát nghèo và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Trước khi theo nghề nuôi ong, ông Hữu đã thử qua nhiều nghề như trồng lúa, bán thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi heo, gà. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về thị trường, đặc biệt là sau dịch tả heo châu Phi năm 2015, ông nghiên cứu tìm hướng đi mới. Chính lúc đó, ông phát hiện ra tiềm năng của nghề nuôi ong lỗ lấy mật và quyết định đầu tư vào mô hình này.
Ông Ngô Hoài Hữu “ăn nên làm ra” từ mô hình nuôi ong lỗ lấy mật. Ảnh: AN NHIÊN
Theo ông Hữu, thôn Thanh Lương có địa thế đồi núi, là môi trường lý tưởng cho ong sinh sống. Ban đầu, ông chỉ đặt vài thùng ong để lấy mật sử dụng cho gia đình. Sau khi nhận thấy tiềm năng lớn từ nghề nuôi ong, ông quyết định mở rộng quy mô. Để nâng cao hiệu quả, ông đã không ngừng học hỏi, tham gia các khóa tập huấn và áp dụng các tiến bộ KHKT vào quy trình nuôi ong.
Từ năm 2019, ông chính thức phát triển mô hình nuôi ong lỗ. Ban đầu, chỉ với 5 - 10 thùng ong, đến nay, ông sở hữu 200 tổ ong, trong đó có 150 tổ cho mật. Năm 2024, ông thu hoạch khoảng 1.500 lít mật ong, với giá bán khoảng 400 nghìn đồng/lít, đem lại doanh thu 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng hơn 400 triệu đồng.
Sản phẩm mật ong của ông được chứng nhận OCOP 3 sao và được thị trường trong và ngoài tỉnh yêu thích nhờ chất lượng đảm bảo và giá cả hợp lý. Ông Hữu chia sẻ: “Thành công không đến từ may mắn, mà từ sự kiên trì và sẵn sàng thay đổi. Mình luôn tin rằng nếu cố gắng, học hỏi và áp dụng KHKT, thành công sẽ đến”.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, ông Hữu còn tích cực giúp đỡ cộng đồng. Ông tạo công ăn việc làm cho 7 lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng và chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong cho 22 hộ dân khác, trong đó có nhiều hộ nghèo. Ông đã giúp 12 hộ dân thoát nghèo bền vững, cho 2 hộ vay 120 triệu đồng không lãi để phát triển sản xuất. Ngoài ra, ông còn tham gia các hoạt động từ thiện và đóng góp cho các quỹ hỗ trợ nông dân.
Ông Hữu dự định sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nuôi ong lỗ lấy mật của mình, đầu tư thêm máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Ông tâm niệm: “Không chỉ về số lượng, tôi còn muốn nâng cao chất lượng để sản phẩm của mình có thể vươn xa hơn nữa”.
AN NHIÊN
(Nguồn https://baobinhdinh.vn/)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững
- Khởi nghiệp từ trăn trở với quê hương