Menu Close Menu
Quay lại

Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

27/11/2024 : 00:11

Chú Bùi Văn Út ở ấp 4, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang gắn bó cùng ruộng đồng từ 02 hecta lúa được cha mẹ cho khi chú lập gia đình. Chú Út đã luôn cần mẫn, chăm lo canh tác, phát triển, tích lũy và mua thêm 03 hecta đất trồng lúa.

Đến năm 2018, canh tác lúa không còn hiệu quả như trước, nhận thấy tiềm năng phát triển của xoài keo, chú Út đã quyết định chuyển đổi 02 hecta đất trồng lúa sang lập vườn trồng xoài keo, đồng thời, lắp đặt hệ thống tưới gốc và tưới đọt trên xoài. Đến năm 2020, chú đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích 05 hecta trồng xoài keo. Đầu năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới hỗ trợ 200 triệu đồng, chú đã tiến hành lắp đặt thêm hệ thống tưới gốc kết hợp bón phân và điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh. Sự nhạy bén, thay đổi tư duy canh tác cùng với việc ứng dụng công nghệ cao đã góp phần rất lớn để chú Út nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích sản xuất so với hình thức sản xuất nông nghiệp truyền thống trước đây.

 

Chú Út chia sẻ thêm: “Khi chuyển diện tích sang trồng xoài hiệu quả kinh tế cao hơn lúa hai đến ba phần. Đồng thời ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng giúp tiết kiệm được nhiều chi phí. Trước đây, tôi phải mướn nhân công tưới với chi phí 300.000 đồng/ngày công, tưới ngày cách ngày nhưng từ khi chuyển đổi qua ứng dụng hệ thống tưới phun tại gốc, tôi không còn phải lo tìm nhân công nữa, lại tiết kiệm hơn nhiều.”

 Chú Út bên vườn xoài keo của gia đình

Vườn xoài của chú Út trồng theo quy cách cây cách cây 3m hoặc 5m; hàng cách hàng 4 - 5m, đào rãnh nước 4m. Xoài keo 01 năm có 02 vụ chính, sản lượng ước tính 30-40 tấn/hecta. Ngoài ra vẫn có xoài thu hoạch dần trong năm, mỗi đợt từ 03-05 tấn trái.

 

Ngoài việc chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ, chú Út cũng rất chú trọng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Khoảng 04 năm nay, chú Út đã tham gia liên kết hợp đồng bao tiêu xoài keo với Công ty Cát Tường, từ đó, tạo đầu ra ổn định và yên tâm trong sản xuất. Đặc biệt, với việc được cấp mã số vùng trồng, chú Út đã góp phần đưa trái xoài keo vùng biên giới Vĩnh Xương xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc

 

“Xoài xuất khẩu đi giá trị lợi nhuận cao, còn mình bán trong nước lợi nhuận không cao, Khi đã có hợp đồng với công ty thì mình không còn phải lo thị trường bấp bênh nữa, chỉ cần yên tâm sản xuất” - chú Út bày tỏ.

 

Không chỉ tăng gia sản xuất, gia đình chú Út đã tự nguyện hiến 900m đất với tổng trị giá 350 triệu đồng để địa phương mở rộng tuyến đường nội đồng. Đồng thời, chú Út cũng cùng với địa phương vận động các hộ nông dân khác hiến đất làm đường. Hiện tại, các tuyến đường giao thông nội đồng vùng bao Vĩnh Xương – Phú Lộc được kiên cố hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong lưu thông và vận chuyển hàng hóa nông sản.

 

Ông Nguyễn Thanh Sang – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Xương – thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang cho biết: “Ông Bùi Văn Út hiện là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, đồng thời ông còn là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng xoài keo của xã. Ông đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kĩ thuật trong canh tác để nâng cao giá trị sản phẩm của nông sản. Sản phẩm xoài của vườn ông Út còn được Công ty Cát Tường xuất khẩu sang Hàn Quốc và các nước khác, từ đó, đời sống kinh tế phát triển và tạo sức lan tỏa để các nông dân học tập và làm theo”.

 

Hình ảnh của chú Bùi Văn Út, một lão nông sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh với nụ cười tươi luôn hiện hữu trên môi đã cho thấy niềm vui, sự phấn khởi trong cuộc sống của gia đình khi đã lựa chọn hướng đi đúng trong quá trình sản xuất nông nghiệp của gia đình. Sau những năm tháng vun trồng, giờ đây chú Bùi Văn Út thu về những mật ngọt của đời và tấm gương về một lão nông vùng biên quyết tâm đưa sản vật của địa phương đến với thị trường trong và ngoài nước.

Huyền Thoại

Đài TT Tân Châu, An Giang

(Nguồn https://khuyennongvn.gov.vn/)

 

Tin liên quan