Menu Close Menu
Quay lại

Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

27/11/2024 : 00:11

Trong hai ngày 28 và 29/11 sắp tới đây, 50 gian hàng gồm các quy trình, công nghệ và thiết bị sẵn sàng chuyển giao sẽ được trưng bày, giới thiệu tại Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024.

Chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024 sẽ được tổ chức trực tiếp tại Sàn Giao dịch công nghệ - Techmart Daily, số 79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, kết hợp trực tuyến tại địa chỉ https://techmart.techport.vn . Đây là sự kiện thường niên do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức nhằm hỗ trợ đưa giải pháp, công nghệ và thiết bị từ các trường, viện, doanh nghiệp công nghệ, hiệp hội, văn phòng xúc tiến thương mại ra thị trường, phục vụ nhu cầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đại diện Ban tổ chức, Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024 sắp tới sẽ thu hút 50 gian hàng trực tiếp trưng bày, giới thiệu các quy trình, công nghệ và thiết bị phục vụ các lĩnh vực công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp (công nghệ IoT và cảm biến trên cánh đồng – nhà kính nhà màng, công nghệ học máy và phân tích, máy bay không người lái giám sát cây trồng, công nghệ liên kết chuỗi giá trị kết nối từ cánh đồng đến bàn ăn, công nghệ hỗ trợ quản trị hoạt động nông nghiệp); công nghệ sinh học và cơ khí tự động hóa nhằm sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến nông sản…

Techmart lần này chú trọng các công nghệ và thiết bị góp phần phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Đây là những giải pháp đáp ứng mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, giá trị và an toàn thực phẩm như: công nghệ hỗ trợ quản trị hoạt động nông nghiệp; giải pháp thông minh cho nông nghiệp hiện đại; công nghệ liên kết chuỗi giá trị kết nối từ cánh đồng đến bàn ăn; thiết bị điện phân HClO của SIONTECH; thiết bị dò tạp chất X- Ray trong thực phẩm đóng gói; máy chiên chân không VinaOrganic; hệ thống hun trùng hữu cơ OxyLow và công nghệ bảo quản KoMot; giải pháp chống giả đa lớp ngay trên nhãn mác dành cho ngành nông sản...

TB2.PNG

Trong đó, điển hình như máy chiên chân không VinaOrganic được sử dụng cho nhiều quy mô từ phòng thí nghiệm ở các công ty nghiên cứu, trường đại học đến các công ty chế biến thực phẩm chuyên sản xuất những dòng sản phẩm như chuối sấy, mít sấy, khoai môn, các loại rau củ, các loại hạt… với năng suất đa dạng: 5kg/mẻ, 10kg/mẻ đến 20kg/mẻ và năng suất lớn hơn theo yêu cầu. Do hệ thống chiên được làm kín để tạo áp suất chân không nên sẽ giảm tối thiểu tỷ lệ phế phẩm trong quá trình chiên, tiết kiệm dầu chiên so với công nghệ chiên hở. Ngoài ra, máy chiên chân không được điều khiển tự động bằng hệ thống điều khiển điện tử, cài đặt nhiệt độ, thời gian chiên và ly tâm. Đồng thời, hệ thống sử dụng nhiệt độ thấp nên các sản phẩm chiên giữ được màu và cấu trúc sản phẩm giòn xốp, tăng giá trị cảm quan sản phẩm.

TB3.PNG

Hay như hệ thống hun trùng hữu cơ OxyLow, đây là một bước tiến mới trong lĩnh vực bảo vệ thực phẩm. Hệ thống này dùng kén Komot kết hợp bảo quản, có khả năng tiêu diệt nhiều loại côn trùng và trứng gây hại bằng cách tạo ra môi trường oxy cực thấp, tiêu diệt côn trùng ở tất cả giai đoạn phát triển mà không cần đến các hóa chất truyền thống. Nhờ đó, sức khỏe của người lao động được bảo vệ, đồng thời giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm sản phẩm, hơn hết, OxyLow không chỉ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng mà còn góp phần giảm tác động tiêu cực lên môi trường. Công nghệ này đặc biệt phù hợp với xu hướng ngày càng tăng về tiêu dùng thực phẩm sạch và an toàn.

Còn với giải pháp chống giả đa lớp ngay trên nhãn mác dành cho ngành nông sản của Công ty Cổ phần Công nghệ Chống giả MINA Việt Nam, Công ty đưa ra giải pháp chống giả và truy xuất thông tin hai tầng ứng dụng công nghệ nano. Giá trị cốt lõi của giải pháp này đối với doanh nghiệp là phòng chống làm giả và bảo vệ thương hiệu, cũng như giúp truy xuất nguồn gốc, chống xung đột kênh phân phối. Đây là phương pháp sử dụng một loại hoạt chất nano siêu nhỏ để in lên sản phẩm, tem nhãn, mã QR hoặc bao bì. Công nghệ này hoàn toàn tương thích với các máy móc in ấn tem nhãn thông thường. Thông tin ẩn bao gồm mã, tên sản phẩm hoặc nội dung theo yêu cầu được sử dụng để xác minh tính toàn vẹn của sản phẩm, không thể bị sao chép, đặc biệt, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, phản xạ ánh sáng hay các biện pháp thông dụng khác. Doanh nghiệp nhận diện thông tin qua thiết bị đọc chuyên dụng với tính xác thực và bảo mật cao.

Có thể nói, sự trở lại của Techmart lần này với các công nghệ, thiết bị thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sau thu hoạch hứa hẹn sẽ mang đến “cơ hội vàng” giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tìm kiếm đối tác đầu tư, hợp tác để phát triển sản phẩm, ý tưởng sáng tạo và thúc đẩy kinh doanh.

HOITHAOGESO.png

Bên cạnh các gian hàng, tại Techmat chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024 còn giới thiệu 13 chuyên đề Hội thảo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng bá và giới thiệu công nghệ, cũng như trình bày các chủ đề có liên quan đến khách hàng tiềm năng. Điển hình như các Hội thảo: Ứng dụng máy bay không người lái (drone) phục vụ cho việc chăm sóc cây trồng trên diện tích lớn (trình bày bởi TS. Đặng Xuân Ba – Giảng viên – Bộ môn Tự động Điều khiển, Khoa Điện - Điện tử – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh); Giải pháp trồng nấm mối đen ứng dụng công nghệ IOT (do ông Phan Bảo Châu – Giám đốc – Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại & Dịch vụ Nấm Sài Gòn trình bày); Ứng dụng thiết bị phun và sạ tự hành công nghệ mới - TTDrone trong canh tác nông nghiệp (ông Nguyễn Tiến Dũng – Nghiên cứu viên – Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Trường Thịnh trình bày); Giải pháp truy xuất nguồn gốc Vmart (ông Nguyễn Hoàng Quốc Tiến – Trưởng ban Sản phẩm Viettel TP. Hồ Chí Minh trình bày); Giải pháp bảo quản trái cây bằng màng bao sinh học phục vụ nhu cầu xuất khẩu (ThS. Liêu Mỹ Đông – Giảng viên – Khoa Công nghệ thực phẩm – Trường Đại học Công Thương trình bày); Giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu vi sinh trên nông sản sau thu hoạch (ThS Hoàng Tường Vi – Phó Giám đốc kỹ thuật – Công ty Cổ phần Công nghệ Vinatek Group trình bày); Ứng dụng công nghệ enzyme và công nghệ lên men nhằm chế biến sâu một số loại trái cây và phụ phẩm trái cây (Chuối, sầu riêng, thơm…), (TS. Phạm Minh Nhựt – Truởng ngành Công nghệ sinh học – Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh – HUTECH trình bày)... và 08 chuyên gia thường trực tư vấn miễn phí công nghệ và thiết bị đến từ Trường Đại học Bách khoa; Đại học Công thương; Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch; Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam…

Các nội dung Hội thảo, gian hàng công nghệ tại Techmart sẽ được trình bày và giới thiệu cụ thể trong 2 ngày diễn ra Techmart Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024.

Lễ khai mạc Techmart Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024 sẽ được tổ chức vào lúc 8h30 ngày 28/11/2024.

Các đơn vị quan tâm có thể đăng ký tham dự lễ khai mạc và Hội thảo Techmart TẠI ĐÂY. Đăng ký yêu cầu công nghệ thiết bị và tư vấn chuyên gia chuyên ngành “Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024” TẠI ĐÂY .

Chi tiết về Techmart chuyên ngành “Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024” vui lòng liên hệ:

Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TP. HCM

Phòng Giao dịch công nghệ

79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM.

Điện thoại: (028) 3521 0735 - 3822 1635

Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn

Mobile: 0939413733 (Chị Thùy Vân)

Tin liên quan