Nguồn gốc rõ ràng, truy xuất dễ dàng
10/06/2021 : 00:06
Thời gian qua, nhiều sản phẩm chủ lực của huyện Hoài Ân như: bưởi da xanh, trà Gò Loi, dừa xiêm, quýt, dưa lưới đã được cấp mã QR Code truy xuất nguồn gốc.
Chỉ mất 3 giây quét mã QR Code, mọi thông tin liên quan đến sản phẩm từ hình ảnh, đến nguồn gốc, đặc điểm, chủng loại, giá bán... được hiện rõ trên điện thoại thông minh. Chị Lê Thị Liễu (thị trấn Tăng Bạt Hổ) chia sẻ: “Thông tin sản phẩm là cơ sở để người mua như tôi đánh giá chất lượng sản phẩm và quyết định mua hay không. Trong bối cảnh thị trường nhập nhằng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa là biện pháp cần thiết và hữu hiệu, giúp người tiêu dùng an tâm sử dụng sản phẩm, không còn lo lắng việc sản phẩm bị làm giả, làm nhái nữa”.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân kiểm tra, hướng dẫn người dân canh tác đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Ảnh: HỒNG HÀ |
Nhằm thúc đẩy tìm kiếm thị trường, xây dựng và phát triển thương hiệu, từ năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân đã tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ và vận động người sản xuất áp dụng việc sở hữu mã QR truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp an toàn. Đến nay, đã có 5 sản phẩm - chủ yếu là những loại trái cây có nhãn hiệu, thương hiệu, đạt tiêu chuẩn VietGAP và OCOP - của 10 nông hộ được cấp mã QR.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân cho biết: Để được gắn tem QR, sản phẩm phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo chuẩn VietGAP hoặc OCOP, đáp ứng nhiều điều kiện liên quan về đất, nước, phân bón và quy trình canh tác... Trung tâm sẽ tiến hành kiểm tra các hộ có thực hiện đúng cam kết chất lượng, quy trình sản xuất, độ chín của sản phẩm khi thu hoạch, cách thức sơ chế, bảo quản… mới quyết định cấp mã QR.
Quét mã QR Code truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm dừa của Hoài Ân. Ảnh: Trung tâm Dịch vụ nghiệp huyện Hoài Ân cung cấp |
Việc được phép dán tem QR lên sản phẩm giúp nhiều nông hộ có thêm cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, góp phần củng cố thương hiệu, gia tăng giá trị của sản phẩm OCOP và VietGAP tạo dựng niềm tin với khách hàng về “xuất xứ Hoài Ân”. Ông Nguyễn Văn Phước, một hộ trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP ở xã Ân Tín chia sẻ: “Nuôi trồng cây con gì ai cũng muốn bán được với giá tốt nhất. Với tôi, phấn đấu để đủ điều kiện sở hữu tem QR - truy xuất nguồn gốc không những tạo niềm tin cho khách hàng, thu hút thị trường mà còn đảm bảo duy trì và phát triển nhãn hiệu “Bưởi Hoài Ân” đã được bảo hộ. Bưởi tôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học nên chất lượng sản phẩm an toàn, khách hàng tìm đến tận vườn đặt hàng. Giá cả cũng ổn định hơn, hạn chế tình trạng bị tư thương ép giá”.
Qua hơn 2 năm thực hiện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân đã truy xuất được khoảng 10% sản lượng trái cây của huyện. Dự kiến năm 2021, Trung tâm tiếp tục triển khai rộng rãi đến tất cả các sản phẩm tham gia tiêu chuẩn VietGAP, chương trình OCOP của huyện và các loại nông sản khác trồng theo hướng VietGAP. Đặc biệt, việc triển khai này càng có ý nghĩa khi Hoài Ân đang xây dựng và hình thành các chuỗi sản xuất nông sản chủ lực và đặc sản có lợi thế cạnh tranh.
Về lâu dài, huyện Hoài Ân đang hướng đến kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc chung của tỉnh và kết nối lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia. “Để vươn lên được tầm cao mới, Trung tâm đang tham mưu UBND huyện chuyển giao cho các DN và HTX uy tín trực tiếp thực hiện việc giám sát, cấp tem truy xuất nguồn gốc cho các hộ dân và kiêm luôn đầu mối tiêu thụ”, bà Nguyễn Thị Hồng Phượng cho biết thêm.
Sắp tới, huyện xây dựng đề án phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển vùng sản phẩm có thế mạnh, chuyển giao KHKT, định hướng nông dân xây dựng nhãn hiệu và mã QR Code hướng đến sản xuất sản phẩm nông nghiệp đạt các tiêu chuẩn VietGAP và cả GlobalGAP nữa” Ông NGUYỄN XUÂN PHONG, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân |
HỒNG HÀ
(Nguồn http://baobinhdinh.vn)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững