Tây Sơn sẽ đẩy mạnh chương trình OCOP
18/06/2021 : 00:06
Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, đến nay huyện Tây Sơn đã có 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. Đây là kết quả chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Tại hội nghị đánh giá thực hiện chương trình OCOP của huyện, nguyên nhân được xác định là do vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp trong việc nhân rộng mô hình, hình thành các sản phẩm OCOP còn yếu. Trong đó vai trò tham mưu, hỗ trợ, hướng dẫn cho các địa phương của Phòng NN&PTNT huyện khá mờ nhạt; lúng túng và chưa nắm rõ nguyên tắc, quy trình xây dựng - đánh giá và đề xuất xếp hạng sản phẩm OCOP; các địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân, chủ thể, DN, HTX xây dựng sản phẩm OCOP.
Sản phẩm OCOP rượu đậu xanh Tây Sơn của cơ sở Gia Nguyễn. Ảnh: M. MIÊN |
Theo ý kiến của các chuyên gia, huyện Tây Sơn nên xác định sản phẩm chính của địa phương phù hợp với OCOP là nông sản. “Để xây dựng thành công sản phẩm OCOP, Tây Sơn nên lựa chọn sản phẩm có lợi thế đặc thù địa phương, khả năng kết nối thị trường, tiêu thụ mạnh, ổn định; gắn sản phẩm OCOP với du lịch. Chỉ nhân rộng các mô hình có tính liên kết, đảm bảo đầu ra, mang tính bền vững”, ông Kiều Văn Can, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục trồng trọt - bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), tư vấn.
Tại hội nghị, ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện, gợi mở: Trước hết, ta phải xác định sản phẩm chính của Tây Sơn là nông sản. Muốn nông sản đạt chuẩn OCOP, tăng giá trị hàng hóa còn phải gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề ở những nơi có lợi thế như: Phú Phong, Tây Phú, Bình Tường, Bình Thành… Muốn làng nghề phát triển tốt, thu hút đông du khách ta phải nghĩ đến chuyện trồng rau màu mà đẹp như trồng hoa, các loại cây ăn trái không chỉ thơm ngon mà còn phải được quy hoạch thiết kế sao để có nhiều bức ảnh đẹp. Như vậy chính du khách sẽ truyền thông cho Tây Sơn. Trên cơ sở đó ta sẽ đặt những sản phẩm OCOP của mình vào! Bưởi, rượu nhiều nơi có nhưng ở quê hương các anh hùng Tây Sơn sẽ có nhiều giá trị cộng thêm khác mà nơi khác không có! Bên cạnh đó cũng cần xác định các sản phẩm có lợi thế mở rộng quy mô như đậu phụng, mè, sả… để tập trung mở rộng tại các địa phương dọc theo kênh tưới Thượng Sơn ở các xã phía Nam của huyện như Tây Giang, Tây Thuận. Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, cùng với quyết tâm của chính quyền, các ngành cũng phải chung sức chung lòng, mũi nhọn là ngành NN&PTNT nhưng các ngành Văn hóa, Kinh tế cũng phải xúm vào vì sự nghiệp chung.
MỘC MIÊN
(Nguồn http://baobinhdinh.vn)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững