Menu Close Menu
Quay lại

Thêm cơ hội cho người chăn nuôi

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

19/07/2021 : 00:07

Khả năng sinh sản nhanh, sức đề kháng tốt, chất lượng thịt thơm ngon - đó là những ưu điểm của giống heo Landrace và YorkShire cao sản dòng Đan Mạch đang được Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh (Sở NN&PTNT) nhân giống và nuôi tại Bình Định.

Landrace và YorkShire là những giống heo ngoại được nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX nhằm cải tiến năng suất và nâng tỷ lệ nạc cho đàn heo trong nước. Đến năm 2013, cũng với giống heo Landrace và YorkShire nhưng là dòng mới - cao sản Đan Mạch, được công nhận là dòng có năng suất sinh sản tốt nhất, vượt các dòng khác như: Pháp, Mỹ, Anh - lại được nhập về Việt Nam với mục tiêu nâng cao chất lượng đàn heo trong nước. Để tạo ra giống heo Landrace và YorkShire cao sản dòng Đan Mạch phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương, năm 2018, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã nhập 24 con giống ông bà, nhân giống thuần chủng để tạo ra con giống bố mẹ, chủ động cung cấp giống heo tốt cho người chăn nuôi trong tỉnh.

Đàn heo gốc của giống Landrace và Yorkshire cao sản dòng Đan Mạch được nuôi giữ tại Trạm giống gia súc Long Mỹ. Ảnh: Trạm giống gia súc Long Mỹ cung cấp

Ông Lê Thanh Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh kiêm Trưởng Trạm giống gia súc Long Mỹ, cho biết: “Trên thị trường hiện vẫn có giống heo cao sản Landrace và YorkShire, nhưng chủ yếu là con giống bố mẹ hoặc thương phẩm. Giống heo mà Trung tâm đang thực hiện nhân giống là những con giống ông bà dòng cao sản Đan Mạch. Nói nôm na đây là dòng heo thuần chủng mới, có năng suất sinh sản, khả năng thích ứng với điều kiện chăn nuôi tại Bình Định tốt hơn hẳn so với các giống khác”.

Theo kết quả đánh giá của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, dòng heo thuần chủng mới cho bình quân mỗi lứa đẻ cao hơn 3 - 4 con và số con sống khỏe mạnh đến giai đoạn cai sữa mỗi lứa cao hơn các dòng khác đang có trên thị trường 2 con. Ông Nguyễn Văn Quang, ở xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, một trong những người đầu tiên được chuyển giao giống heo mới từ Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, chia sẻ: Dòng heo mới có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, khả năng chống đỡ bệnh tật tốt, tỷ lệ nạc cao và chất lượng thịt cũng thơm ngon. Hiệu quả kinh tế rõ ràng nhất của dòng heo thuần chủng mới được tính qua số lượng và chất lượng heo con giai đoạn sau cai sữa và chu kỳ sinh sản của heo nái. Trung bình số heo con cai sữa mỗi lứa từ 10 - 12 con. Mỗi vòng đời sinh sản một con heo nái dòng mới có thể đẻ từ 8 - 10 lứa. Xét về lợi ích kinh tế, với các thông số theo thời điểm hiện tại, hết một vòng đời sinh sản mỗi con heo nái có thể mang lại mức lãi hơn 250 triệu đồng.

“Ngoài các ưu điểm trên, việc lai tạo và chuyển giao con giống tại Bình Định còn tạo ra nguồn giống có nguồn gốc rõ ràng, giúp địa phương chủ động nguồn con giống trong sản xuất. Con giống được sản xuất tại địa phương thích ứng với khí hậu Bình Định nên khi chuyển giao cho người chăn nuôi trong tỉnh tránh được hiện tượng sốc do khác biệt khí hậu và vận chuyển, đặc biệt giá con giống cũng rẻ hơn khá nhiều so với nhập con giống từ các tỉnh Đông Nam Bộ”, ông Lê Thanh Phong cho biết thêm.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, số lượng heo nái của Bình Định hiện có trên 124 nghìn con. Vì vậy, nếu chuyển đổi 20% heo nái này sang nuôi dòng cao sản thì hằng năm giá trị thu được từ chăn nuôi heo tăng thêm hơn 100 tỷ đồng. Th.S Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, chia sẻ: Việc đưa dòng heo lai mới vào chăn nuôi sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng, đa dạng giống vật nuôi, đáp ứng nhu cầu người chăn nuôi trong tỉnh. Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh dự kiến sẽ nhân rộng quy trình kỹ thuật chăn nuôi giống heo Landrace và Yorkshire cao sản dòng Đan Mạch tại Bình Định trong thời gian tới.

HỒNG HÀ 

(Nguồn http://baobinhdinh.vn)

Tin liên quan