Menu Close Menu
Quay lại

Nhật ký sản xuất giúp tăng hiệu quả canh tác

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

30/07/2021 : 00:07

Dữ liệu về nhật ký sản xuất sẽ hỗ trợ truy xuất sản phẩm với thông tin minh bạch của nhiều bên liên quan, tạo điều kiện thực hiện các thủ tục lấy chứng nhận tiêu chuẩn về canh tác nông nghiệp.

Ngày 22/7/2021, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở KH&CN TP.HCM) phối hợp với Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam tổ chức hội thảo chủ đề “Giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp: Phần mềm nhật ký sản xuất (FaceFarm) và ứng dụng kế toán dành cho hợp tác xã (WACA)”. Đây là một trong những hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ được triển khai xuyên suốt trong Tháng cao điểm thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, tiến đến Chào mừng 45 năm ngày thành lập Sở KH&CN TP.HCM.

210728hk1.jpg

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến

Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Mộng (Giám đốc Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam) cho biết phần mềm Nhật ký sản xuất FaceFarm là công cụ hỗ trợ dựa trên nền tảng Google Map, dễ dàng đánh giá nông trại một cách trực quan, chính xác. FaceFarm có thể hỗ trợ theo dõi nông trại mọi lúc mọi nơi, nhanh chóng, ghi lại nhật ký bằng các thiết bị như smartphone, máy tính bảng, máy tính… mọi lúc mọi nơi, ghi nhận lượng thông tin lớn rất tiện lợi và nhanh chóng, đồng thời lưu trữ dữ liệu an toàn, bảo mật trên đám mây.

Theo mô hình vận hành của FaceFarm, toàn bộ dữ liệu về vùng nuôi trồng cũng như dữ liệu mùa vụ (gọi chung là nhật ký sản xuất) sẽ được thu thập và truyền về trung tâm dữ liệu. Trên cơ sở này, chủ nông trại hoặc hợp tác xã có thể nắm bắt chi tiết thông tin một cách trực quan, có thể kiểm tra nông trại theo các hạng mục khác nhau, đánh giá sự phát triển của nông trại thông qua dữ liệu đã lưu để từ đó lập kế hoạch sản xuất phù hợp, hoặc tìm giải pháp làm tăng năng suất canh tác. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, có thể dùng FaceFarm để thống kê và phân bố vùng canh tác, sẵn sàng bố trí đội ngũ cán bộ kỹ thuật hỗ trợ gần nhất cũng như dễ sắp xếp các buổi tư vấn kết nối cung – cầu theo mặt hàng nông sản.

Hiện nay, phần mềm Nhật ký sản xuất FaceFarm đã được chuyển giao và triển khai tại nhiều hợp tác xã ở tỉnh Lâm Đồng theo sự hỗ trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản). Một số chủ nông trại và hợp tác xã ở trên 30 tỉnh thành cũng đã đăng ký và bước đầu làm quen với thao tác sử dụng.

Với kế hoạch canh tác chi tiết lập bằng FaceFarm, chủ nông trại dễ dàng chia sẻ và phân bổ những công việc cần thực hiện với người lao động. Kế hoạch đó cũng sẽ được dùng để lưu trữ lại làm thành nhật ký sản xuất hoàn chỉnh (diện tích nuôi trồng; thời gian và chi phí nhân công; liều lượng và chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, nguyên liệu, nhiên liệu; tổng chi phí cho từng cây trồng, mùa vụ, trang trại; dữ liệu vùng trồng trọt; sản lượng thu hoạch dự kiến…).

Dữ liệu về nhật ký sản xuất sẽ được lưu giữ, tích lũy để đúc kết thành kinh nghiệm cho những mùa vụ sau, chia sẻ quy trình sản xuất cho các nông trại khác. Thông tin canh tác (hình ảnh, video…) có thể chia sẻ cho bên thu mua hoặc khách hàng, hỗ trợ truy xuất thông tin sản phẩm minh bạch, tạo điều kiện thực hiện các thủ tục lấy các chứng nhận tiêu chuẩn về canh tác nông nghiệp.

Hiện tại, chi phí sử dụng FaceFarm vào khoảng 1 triệu đồng/năm. CESTI đang phối hợp cùng Công ty TNHH Sorimachi Việt Nam hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng Nhật ký sản xuất FaceFarm vào sản xuất nông nghiệp với giá ưu đãi hoặc sử dụng thử từ 6-12 tháng dành cho doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân có yêu cầu, tạo sự chuyển biến tốt trong hoạt động sản xuất, khắc phục khó khăn và vượt dịch COVID-19.

Hoàng Kim (CESTI)

Tin liên quan