Lưu ý khi sử dụng che phủ nilon trên một số cây trồng cạn
26/08/2021 : 00:08
Sử dụng màng phủ giúp hạn chế sâu bệnh, dịch hại cho cây con, ngăn chặn chuột cắn phá, hạn chế cỏ dại phát triển, giữ độ ẩm cho đất, tiết kiệm nước tưới, hạn chế mất phân bón do bị rửa trôi, vv…
Trong những năm qua, trong quá trình canh tác một số loài cây trồng cạn như ngô, lạc, cà chua, cải bắp, su hào, dứa, bầu bí, cây dược liệu… người dân đã áp dụng phương pháp che phủ nilon.
Màng phủ nông nghiệp hay còn gọi là nilon, là vật liệu bằng nhựa dẻo, mỏng với hai màu khác nhau dùng để phủ lên mặt luống (liếp) cây trồng. Việc che phủ nilon giúp tiết kiệm được lượng nước tưới đáng kể, phù hợp với những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước. Che phủ nilon làm hạn chế thoát hơi nước trong đất, giúp cây trồng duy trì được độ ẩm đất đều và thường xuyên hơn; mặt khác làm tăng độ tơi xốp của đất, làm tăng nhiệt độ đất, nhất là trong thời vụ có nhiệt độ thấp, từ đó làm cho cây trồng sinh trưởng ổn định, cho năng suất cao hơn. Che phủ nilon giúp hạn chế cỏ dại, giảm bớt công làm cỏ, giảm chi phí sử dụng thuốc trừ cỏ, do đó làm giảm tác hại của thuốc trừ cỏ đối với đất canh tác, với môi trường và sự sinh trưởng của cây trồng… Một lợi ích nữa của che phủ nilon là hạn chế sự hóa kén của một số loại sâu trong đất, hạn chế nấm bệnh từ đất lây nhiễm lên thân lá do tác động của mưa, làm giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích mang lại, khi sử dụng che phủ nilon nếu không chú ý thực hiện đúng kỹ thuật sẽ gây bất lợi đối với sinh trưởng và năng suất của cây trồng, thậm chí gây chết cây. Vì vậy khi sử dụng cần một số lưu ý sau:
Ở những ruộng canh tác cây trồng cạn có che phủ nilon, nếu gặp mưa lớn sau đó trời trở nắng to sẽ làm cho lượng nước trong đất bốc hơi mạnh nhưng khó thoát ra bên ngoài màng phủ. Khi ẩm độ đất quá cao, gặp điều kiện nhiệt độ cao (trời nắng, nóng) sẽ làm cho cây trồng cạn dễ bị thối rễ và chết. Điều này được thể hiện rõ hơn trên những chân ruộng đất thịt nặng, khó thoát nước sau mưa và nhất là trên những chân ruộng trồng các loài cây họ đậu như lạc (đậu phộng), các cây thuộc họ bầu bí… Vì vậy cần hết sức lưu ý và thường xuyên chủ động thoát nước ở những chân ruộng này.
Sử dụng màng phủ nilon có hai màu ở hai mặt, mặt màu bạc của màng phủ được hướng lên trên nhằm tăng phản xạ ánh sáng mặt trời, mặt màu đen úp xuống dưới để che tối mặt đất (hạn chế cỏ dại). Nếu sử dụng đúng cách trong mùa nắng nóng màng phủ còn có tác dụng làm giảm nhiệt độ đất; Ngược lại trong mùa Đông lạnh có tác dụng làm tăng nhiệt độ của đất. Ở một số nước phát triển còn nghiên cứu sử dụng màng phủ nông nghiệp với nhiều màu sắc khác nhau cho những mục đích và cây trồng khác nhau.
Ở các địa phương có hai mùa mưa và mùa khô rõ rêt, màng phủ chỉ nên dùng vào mùa khô để hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho đất, tiết kiệm công tưới nước. Vào mùa mưa hạn chế dùng màng phủ vì màng giữ ẩm đất quá cao, khó thoát hơi nước khiến cho cây dễ bị thối rễ, nhiễm bệnh héo xanh…
Ở các tỉnh phía Bắc dùng màng phủ nilon để che phủ cho mạ gieo trong vụ Xuân, tùy thuộc vào nhiệt độ trong ngày để lưu ý điều chỉnh màng phủ cho phù hợp, tránh hiện tượng cây mạ bị thối gốc. Những ngày có nhiệt độ không khí bên ngoài cao trên 22oC cần mở nilon từng phần hoặc mở hai đầu luống mạ. Nếu nhiệt độ không khí bên ngoài cao trên 25oC cần mở nilon toàn bộ trên bề mặt luống.
Nếu nilon sau khi sử dụng mà không còn khả năng tái sử dụng, cần thu gom để đưa vào xử lý rác thải. Tuyệt đối không được chôn sâu trong đất hoặc đốt. Nilon sau khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa chất độc gây ngộ độc, khó thở, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng hô hấp và gây một số bệnh ở trẻ nhỏ. Nếu chôn nilon trong đất, sau hàng trăm năm vẫn không phân hủy được nên ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đất sản xuất.
Từ những lợi ích và những hạn chế khi sử dụng che phủ nilon trong canh tác nông nghiệp đối với một số loài cây trồng cạn; người sản xuất cần căn cứ vào điều kiện canh tác của từng vùng, từng loại đất canh tác, chủng loại cây trồng, mùa vụ… để áp dụng biện pháp che phủ nilon đúng kỹ thuật và phù hợp, nhằm mang lại lợi ích kinh tế cao đối với một số loài cây trồng cạn tại địa phương.
Phạm Văn Phú
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang
(Nguồn http://www.khuyennongvn.gov.vn)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững