Kỹ thuật xử lý để có mãng cầu bán Tết
26/08/2021 : 00:08
Mãng cầu là loại trái cây được ưa chuộng, được giá vào dịp Tết, chính vì thế, nhà vườn thường chọn cách xử lý để cây ra hoa vào dịp cuối tháng 7 đầu tháng 8 âm lịch để có trái thu hoạch đúng Tết. Hiện nay có nhiều giống mãng cầu, trong đó có mãng cầu Thái có giá trị kinh tế cao, về độ lớn nhiều trái có thể đạt mức hơn 1 kg, lại tương đối dễ xử lý, kết quả cao.
Ảnh: ĐVT |
Tỉa cành và tuốt lá là hai vấn đề chính trong khâu xử lý ra hoa cây mãng cầu. Việc tỉa cành giúp nhà nông chủ động chọn cành nào để ra trái, cành nào sẽ tạo nhánh mới cho vụ sau. Với những cây trên 3 năm tuổi thì cắt cành và tuốt hết lá; những cây mãng cầu mới trồng đến 2 năm tuổi, ta chỉ nên cắt tỉa những cành tăm bỏ đi, những cành tược thì được cắt và tuốt phần lá ở phần đầu cành để kích thích cây bắn đọt tạo nhiều cành bánh tẻ mang trái sau này.
Việc tỉa cành và tuốt lá trên cây mãng cầu thường được nhà vườn tiến hành song song. Tuy nhiên, trước đó bà con cần tác động giải pháp kỹ thuật vào cây để kích thích cây chuyển từ giai đoạn sinh dưỡng sang giai đoạn sinh sản.
Vào khoảng đầu tháng 7 âm lịch (đối với năm không nhuận) tiến hành xiết nước và phun chế phẩm NPK 10 - 60 - 10 vào toàn bộ tán lá cây, phun 2 lần cách nhau 7 ngày. Sau khoảng hơn 1 tuần, kiểm tra thấy lá già và giòn chính là lúc bà con tiến hành cắt tỉa cành và tuốt lá (nhằm vào khoảng ngày 15.7 âm lịch). Chọn những cành bánh tẻ mọc nằm ngang so với thân chính, tròn trịa có sức sống mạnh để cắt cách nách cành một đoạn khoảng 10 - 15 cm; những cành tăm, cành nhỏ nấp sâu trong thân cây thì cắt bỏ để cây dồn sức nuôi những cành mang trái. Những cành tược có hình thái mọc thẳng đứng theo thân chính thì chỉ cắt ở phần ngọn đầu cành và không cho mang trái, dù cho có ra hoa đậu quả thì cũng phải cắt đi để cây phát triển cành nhánh tạo khung sườn mang trái cho vụ sau.
Sau khi cắt cành và tuốt lá, ngừng tưới nước khoảng 1 tuần và phun thuốc ngừa sâu bệnh, sau đó tưới nước lại như bình thường và kết hợp phun các loại thuốc kích thích ra hoa; khoảng nửa tháng sau cắt cành và tuốt lá, cây bắt đầu ra hoa và sau khoảng 100 đến 120 ngày - tùy theo giống, điều kiện chăm sóc, thời tiết - sẽ cho thu hoạch. Ở giai đoạn nuôi trái, ta chỉ nên giảm bón đạm, tăng lượng lân và kali. Chú ý, chỉ nên để lại 30 - 50% số lượng trái nhằm tập trung dinh dưỡng để có những trái mãng cầu đạt kích cỡ tối đa mà cây không bị mất sức. Nếu trên một chùm có quá nhiều trái thì nên tỉa bỏ chỉ giữ lại 1 - 2 trái khỏe nhất.
ĐINH VĂN TOẠI
(Nguồn https://www.baobinhdinh.com.vn)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững