Giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế
13/09/2021 : 00:09
Thực hiện Đề án 24-ĐA/HNDTW của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh tích cực hỗ trợ các cấp hội nông dân thành lập 105 chi, 188 tổ hội nghề nghiệp, kết nối hội viên nông dân cùng nhau phát triển kinh tế.
Mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp đã tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức hội vững mạnh với nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, Hội nông dân (HND) các cấp đẩy mạnh thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp thông qua liên kết hội viên hợp tác sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng phát triển kinh tế tập thể.
Ông Nguyễn Quốc Triện, hội viên tổ chăn nuôi bò lai sinh sản tại xã An Tân phấn khởi khi mở rộng quy mô, tăng số lượng, chất lượng đàn bò của gia đình. Ảnh: DIỆP THỊ DIỆU |
Từ Đề án 24, ở Bình Định có nhiều mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả như Chi hội sản xuất lúa giống ở xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn với 34 thành viên, tổng diện tích sản xuất lúa giống hơn 160 ha. Thông qua HTXNN Hoài Mỹ, chi hội đã ký hợp đồng sản xuất lúa giống với các DN; hằng năm sản xuất ra hơn 100 tấn lúa giống, lợi nhuận bình quân hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra còn có mô hình tổ hội chăn nuôi bò thịt ở xã An Tân, huyện An Lão với 10 thành viên, gầy đàn bò khoảng 6 con/hộ, giá trị đàn bò 60 triệu đồng; tổ hội chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, tổ hội trồng cây có múi ở huyện Tây Sơn…
Đề án 24 từng bước đưa hội viên nông dân liên kết với nhau tạo thành các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững; góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Một điểm cộng nữa chi, tổ hội nghề nghiệp giúp nông dân gia tăng cơ hội tiếp cận vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Theo ông Đào Minh Trung, Phó Chủ tịch HND huyện Tây Sơn, thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp thành công trong việc thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh của hội viên nông dân; tạo liên kết “4 nhà” phát triển kinh tế, giúp nông dân tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng - điều mà lâu nay rất nhiều hội viên trăn trở. Đến nay, huyện Tây Sơn thành lập 49 chi, tổ hội nghề nghiệp, 10 tổ hợp tác. Bên cạnh mặt tích cực, điểm chưa được là các cấp HND ở cơ sở chưa đủ, chưa tạo được mối liên hệ cho thành viên các chi, tổ hội nghề nghiệp; hạn chế về năng lực tổ chức, kết nối với nhau nên chưa phát huy hiệu quả của Đề án 24.
Năm 2017, Tổ hội chăn nuôi bò lai sinh sản xã An Tân, huyện An Lão thành lập với 10 hội viên; được Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho vay 300 triệu đồng triển khai mô hình. Qua 3 năm, từ 2 con bò cái nền ban đầu, mỗi hội viên gầy được đàn bò 6 con theo hướng bò thịt chất lượng cao, hiệu quả kinh tế tăng lên thấy rõ. Ông Nguyễn Quốc Triện, hội viên của tổ cho biết: “Khi nghe thông tin về mô hình Tổ hội chăn nuôi bò lai sinh sản, tôi thấy ưng và chủ động xin tham gia. Từ chỗ chăn nuôi đơn lẻ, hiện các thành viên trong tổ đã mở rộng quy mô sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, vệ sinh chuồng trại và phòng trừ các loại dịch bệnh; nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập”.
Ông Đinh Văn Hùng, Phó Chủ tịch HND huyện An Lão, cho biết, từ Đề án 24, An Lão thành lập 2 chi hội nghề nghiệp, 10 tổ hội nghề nghiệp, 18 tổ hợp tác với khoảng 650 hội viên nông dân. Điểm tích cực của việc thành lập các mô hình theo Đề án 24 ở huyện miền núi An Lão là thành viên tham gia tích cực, thu nhập tăng, không có thành viên rời bỏ mô hình. Chẳng hạn như vùng cao An Toàn, với mô hình chi hội nghề nghiệp, bà con nơi đây thành lập và tham gia mô hình trồng dứa, từng bước tạo vùng nguyên liệu ổn định cho sản phẩm OCOP dứa An Toàn.
Theo bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch HND tỉnh, mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp giúp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động chi, tổhội ởcơ sở; thu hút, tập hợp hội viên tham gia sinh hoạt hội; tạo việc làm cho hội viên, nông dân vànâng chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong quá trình triển khai Đề án 24, một số cấp hội chưa quan tâm đến việc hướng dẫn thành lập mới các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp; nguồn lực để hỗ trợ xây dựng các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp ởcác cấp hội còn hạn hẹp, chưa phát huy hết hiệu quả. Từ thực tế này, HND tỉnh tiếp tục hỗ trợ các cấp hội cơ sở thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp, kết nối trong tiếp cận vốn, nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo chia sẻ của ông Huỳnh Đức Thắng, thành viên tổ chăn nuôi bò chất lượng cao ở thôn An Vinh 1, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, đến tháng 9.2021, gia đình ông nuôi 9 con bò BBB và 5 con bò cái lai, 5 con heo nái, 50 con heo thịt/ lứa. Tham gia vào mô hình tổ chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, gia đình ông tiếp cận được kỹ thuật chăn nuôi, vỗ béo bò, phòng bệnh cho bò; vừa chăn nuôi kết hợp với trồng cỏ, trồng lúa và tận dụng phế phẩm làm thức ăn chăn nuôi, mang lại thu nhập lớn cho gia đình. Sau trừ chi phí, gia đình ông Thắng còn lãi ròng trên 450 triệu đồng/năm. |
QUANG BẢO - DIỆP THỊ DIỆU
(Nguồn http://baobinhdinh.vn)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững