Hỗ trợ đổi mới thiết bị sản xuất để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
02/11/2021 : 00:11
Để tăng giá trị sản xuất và chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc trong sản xuất, tuy nhiên một trong những trở ngại lớn đó là nguồn vốn. Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ vốn giúp các đơn vị nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Hoạt động từ năm 2015, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu May Hoa Công ở TX An Nhơn chuyên sản xuất và gia công hàng may mặc xuất khẩu sang các nước châu Âu. Nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm, cuối năm 2019 công ty làm đề án xin hỗ trợ vốn từ nguồn khuyến công. Đầu năm 2020, từ số tiền được hỗ trợ là 200 triệu đồng, công ty đã mạnh dạn đầu tư thêm 460 triệu đồng để mua máy may lập trình công nghiệp điện tử giúp năng suất tăng lên gấp 2 lần so với trước đây, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 150 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.
Trước đây, nguồn vốn hạn hẹp, máy móc lạc hậu, sản phẩm chủ yếu được làm bằng thủ công với hiệu quả không cao. Năm 2020, Cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ Trương Gia Bảo, TX An Nhơn được trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ 170 triệu đồng mua máy CNC điêu khắc gỗ đa năng giúp sản phẩm làm ra nhanh hơn, có độ tinh xảo cao, đẹp mắt được người tiêu dùng ưa chuộng hơn.
Ông Văn Thái Toàn, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) cho biết: Năm nay, Sở Công thương được giao thực hiện 26 đề án với tổng vốn là 5,3 tỷ đồng (tăng 43% so với năm 2020), trong đó khuyến công quốc gia có 4 đề án với 2,15 tỷ đồng và khuyến công địa phương là 22 đề án với 3,15 tỷ đồng. Đến nay đã có 8 đề án được nghiệm thu và tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Việc triển khai thực hiện các chương trình khuyến công đã tác động tích cực đến sự phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong việc khuyến khích và phát huy các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn theo định hướng quy hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội một cách đáng kể; giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước nâng cao năng lực quản lý, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát triển một cách bền vững.
PHAN TUẤN (thực hiện)
(Nguồn http://baobinhdinh.vn/)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững