Menu Close Menu
Quay lại

Bình Định nỗ lực phòng, chống khai thác IUU - Kỳ 1: Tiên phong quản lý nghề cá từ bờ ra biển

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

02/11/2021 : 00:11

LTS: Tháng 10.2017, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) đối với Việt Nam. Ngày sau đó tỉnh Bình Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống khai thác IUU, nỗ lực góp phần gỡ “thẻ vàng” của EC. Loạt bài “Bình Định nỗ lực phòng, chống khai thác IUU” dưới đây ghi nhận nỗ lực liên tục, không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân - đặc biệt là ngư dân tỉnh Bình Định trong công cuộc đổi mới nghề cá bền vững và thân thiện hơn với môi trường, đáp ứng những yêu cầu, điều kiện mới trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Trước khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1.1.2019, tỉnh Bình Định đã có những bước đi đầu tiên trong cả nước để nâng cao hiệu quả quản lý nghề cá, khi sớm thực hiện Quyết định số 27 ngày 5.1.2018 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành tài liệu hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của EC.

Theo đó UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá, gồm 3 tổ thường trực tại 3 cảng cá: Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan; mỗi tổ gồm 9 thành viên (BĐBP 3 thành viên, Chi cục Thủy sản 3 thành viên, Ban Quản lý cảng cá 3 thành viên) đảm bảo phân công trực 24/24 để kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá ra vào cảng theo quy định.

Từ quản lý trên bờ…

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản, công tác kiểm tra, kiểm soát nghề cá càng thêm chặt chẽ khi tỉnh triển khai thực hiện quy định tại Thông tư 21 ngày 15.11.2018 của Bộ NN&PTNT. UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT phân công nhiệm vụ cụ thể Ban Quản lý cảng cá tỉnh xác nhận tàu cá rời cảng, cập cảng, giám sát việc bốc dỡ thủy sản qua cảng cá và xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; Chi cục Thủy sản tổ chức kiểm tra tàu cá rời cảng, cập cảng; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thực hiện kiểm tra tàu xuất bến, về bến theo quy định. 3 lực lượng này có sự phối hợp chặt chẽ, kiểm soát lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh thành lập và duy trì hoạt động của các tổ kiểm soát liên ngành, tăng cường lực lượng kiểm tra tàu cá ra vào cảng, tuần tra trên biển, phát hiện xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác thủy sản. Qua 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng chức năng đã kiểm tra 2.959 lượt tàu rời cảng và 2.555 lượt tàu cập cảng, đảm bảo đạt tỷ lệ theo quy định.


Giữa năm 2020 đến nay, tỉnh Bình Định duy trì lực lượng liên ngành kiểm soát tàu cá ra vào cảng, hoạt động khai thác thủy sản trong tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Tại hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác IUU tổ chức tháng 7.2021, khi đánh giá về chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản, Bộ NN&PTNT ghi nhận, tỉnh Bình Định là một trong số ít các tỉnh, thành ven biển đến nay đã tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn lực, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng… Do đó, kết quả thực hiện cơ bản đã đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu.

… đến giám sát trên biển

Trong đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thực thi Luật Thủy sản, tỉnh xác định phải tập trung lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá để chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Bình Định trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước có 100% tàu cá chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi lắp đặt VMS theo quy định. UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí trang bị VMS cho 2.966 tàu cá với tổng số tiền hơn 30,158 tỷ đồng.

Ngư dân Trần Văn Thanh, ở phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn), chủ tàu cá BĐ 91199 - TS, chia sẻ: “Nhờ được tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí cho chủ tàu lắp thiết bị giám sát hành trình, ngư dân chúng tôi đã chủ động hơn trong việc thực hiện theo các quy định để tàu cá đủ điều kiện vươn khơi khai thác thủy sản”.


Bình Định tiên phong thành lập Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá và các tổ IUU kiểm soát tàu cá tại các cảng cá trong tỉnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN

Tỉnh Bình Định cũng sớm ban hành Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu của hệ thống VMS tàu cá trên địa bàn tỉnh; Quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý dữ liệu VMS đối với tàu cá tỉnh vượt ranh giới cho phép trên biển, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa VMS trong quá trình hoạt động trên biển. Đồng thời tỉnh thực hiện phân quyền hệ thống giám sát hành trình tàu cá cho 11 đơn vị liên quan để theo dõi và phối hợp xử lý theo quy định. Trong đó, Chi cục Thủy sản tổ chức trực hệ thống trạm bờ 24/24 giờ để theo dõi, tiếp nhận thông tin, phát hiện và cảnh báo tàu cá lắp đặt VMS vi phạm quy định

 

Tiến thêm một bước nữa sau khi lắp đặt VMS, để gắn kết chặt chẽ giữa quyền lợi ngư dân được Nhà nước hỗ trợ khi khai thác vùng biển xa với trách nhiệm phải chấp hành các quy định chống khai thác IUU, khắc phục thẻ vàng EC, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cập nhật các quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật để bổ sung trong Quyết định số 52 ngày 14.4.2020 của UBND tỉnh, có quy định xem xét hỗ trợ tàu cá khai thác vùng biển xa (theo Quyết định 48 Thủ tướng Chính phủ) qua hệ thống giám sát hành trình.

Ông Nguyễn Công Bình cho biết: Việc giám sát chặt chẽ tàu cá từ bờ ra biển thông qua VMS đã mang lại hiệu quả tốt. Đến nay, tỉnh cơ bản đã quản lý được hoạt động của nhóm tàu khai thác vùng khơi, tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa VMS trong quá trình hoạt động trên biển ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2020 phát hiện và cảnh báo 208 tàu cá/317 lượt tàu vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam; 9 tháng đầu năm 2021, phát hiện và cảnh báo 56 tàu cá/62 lượt.

HOÀI THU - NGỌC NHUẬN

(Nguồn http://baobinhdinh.vn/)​

Tin liên quan