Doanh nghiệp chế biến gỗ trong đà phục hồi
26/11/2021 : 00:11
Kết quả cuộc khảo sát do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, tổ chức Forest Trends thực hiện cho thấy, hầu hết các DN ngành chế biến gỗ đã có kế hoạch phục hồi, trong đó gần một nửa có khả năng phục hồi sau 3 tháng tính từ ngày bắt đầu hoạt động bình thường trở lại.
Thông tin về cuộc khảo sát được công bố tại Hội thảo trực tuyến “DN gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới” tổ chức ngày 29.10.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Thanh Thủy (Khu công nghiệp Phú Tài) sáng 31.10. Ảnh: DN cung cấp |
Có 131 DN chế biến gỗ xuất khẩu được khảo sát, trong đó có 24% DN có doanh thu từ 30 - 50 tỷ đồng/năm, 47% DN có doanh thu 50 - 200 tỷ đồng/ năm, 27% DN có doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm.
Số DN này đang hoạt động tại 22 tỉnh, thành trong nước, hầu hết đến từ: Bình Định (39 DN), Bình Dương (23 DN), TP Hồ Chí Minh (18 DN), Đồng Nai (15 DN), Hà Nội (15 DN). 83% số DN của cuộc khảo sát đã có kế hoạch phục hồi, trong số này có 49,3% DN có khả năng phục hồi sau 3 tháng, 36,6 % DN có khả năng phục hồi sau 6 tháng.
Sớm có kế hoạch, bắt nhịp nhanh chóng
Theo các chuyên gia, cuộc khảo sát phản ánh khá toàn diện và chân thực tình hình ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam. Điều đáng mừng là hầu hết các DN đã có kế hoạch phục hồi từ trước, và ngay khi Chính phủ có chủ trương bình thường mới, toàn bộ đã nhanh chóng bắt nhịp. Điều đó giải thích vì sao có tới 49,3% DN có khả năng phục hồi chỉ sau 3 tháng trở lại.
Forest Trends là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1998, đặt trụ sở tại Washington, Hoa Kỳ, chủ trương khuyến khích để duy trì hệ sinh thái bền vững, kết nối các công cụ kinh tế thực hiện mục tiêu này. |
Nhìn chung, kế hoạch phục hồi được thực hiện theo các bước: Thay đổi chiến lược kinh doanh (tinh giảm bộ máy, giảm chi phí cố định, đầu tư máy móc theo hướng tự động hóa); kiểm soát dịch hiệu quả trong sản xuất; tăng hiệu quả, quy mô chế biến (tăng ca, tăng tốc độ phục hồi; có chính sách giữ chân, thu hút người lao động).
Bà Nguyễn Thị Hồng Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thủy, chuyên sản xuất, xuất khẩu mặt hàng bàn, ghế gỗ ngoài trời (Khu công nghiệp Phú Tài), chia sẻ: “Khó khăn bởi đại dịch Covid-19 là điều không thể tránh khỏi, mỗi DN cần tiếp tục nỗ lực để phục hồi và duy trì sản xuất phù hợp với tình hình phòng, chống dịch và khả năng DN. Tất cả hơn 200 lao động của công ty đã được tiêm vắc xin mũi 1, một số người được tiêm mũi 2. Công ty tổ chức tăng ca theo từng thời điểm cần thiết để phục vụ các đơn hàng bắt đầu xuất khẩu từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022...”.
Đáng chú ý, trên tất cả các đầu cầu tại Hội thảo, các DN đã sôi nổi góp ý, hiến kế với Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan trong vấn đề hỗ trợ DN để DN cùng cả nước nhanh chóng “hồi sức” và tăng tốc phát triển theo hướng bền vững. Có 3 nhóm kiến nghị then chốt gồm: Một là, có quy trình hướng dẫn y tế phù hợp, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, thực hiện nhất quán để duy trì sản xuất và phòng, chống dịch. Hai là, chính quyền các địa phương phối hợp với DN hỗ trợ công nhân, đảm bảo ổn định về lực lượng lao động cho DN. Ba là, sớm ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào, có cơ chế chính sách phù hợp để phát triển rừng trồng gỗ lớn, thống nhất quy trình lưu thông hàng hóa, không đứt gãy trong khâu vận chuyển.
Nỗ lực thích ứng, hướng đến phát triển bền vững
TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trends, nhấn mạnh, những ngày vừa qua và tới đây, hoạt động của DN sẽ thay đổi rất nhanh. Tốc độ phục hồi của DN sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thái độ tiếp cận thực tế, mức độ linh hoạt và thích ứng của DN với dịch. Đặc biệt, với những nơi có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về biện pháp an toàn phòng dịch, chính quyền hỗ trợ tốt để lao động của DN được tiêm vắc xin đầy đủ, DN ở nơi đó sẽ sớm phục hồi và vào đà phát triển trở lại nhanh hơn.
Thực tế ở Bình Định cho thấy, nhiều DN chế biến gỗ xuất khẩu đang trên đà phục hồi tốt nhờ các địa phương kiểm soát được dịch Covid-19, tỷ lệ người lao động đã tiêm vắc xin tăng lên nhanh chóng... Tuy nhiên, do nằm trong chuỗi sản xuất nên khi nguồn cung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... bị đứt gãy, nhiều loại nguyên liệu, phụ kiện bị thiếu; khi sản xuất của một số DN vào đà tăng tốc hiện tượng thiếu hụt này trở nên rất rõ ràng.
Ông Phan Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước, sản xuất đồ gỗ ngoại thất xuất khẩu (Khu công nghiệp Phú Tài), cho hay: “Chuyển sang trạng thái bình thường mới đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN trong hoạt động sản xuất. Hơn 300 công nhân của công ty đã được tiêm vắc xin mũi 1. Thời gian trước đó, công ty cố gắng duy trì 60 - 70% lực lượng lao động luân phiên làm việc theo từng khu vực, nhóm..., còn từ giữa tháng 10 đến nay, có khoảng 80 - 90% công nhân làm việc, đáp ứng yêu cầu các đơn hàng xuất khẩu trong giai đoạn sản xuất sôi động cuối năm”.
Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), nếu tình hình dịch tiếp tục được kiểm soát tốt hơn thì năng lực sản xuất của DN ngành gỗ Bình Định sẽ sớm ổn định ngay trong tháng 11 - 12.2021, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết. Mặc dù DN đều gặp nhiều khó khăn như thiếu nguyên liệu, phụ kiện, giá vận chuyển cũng tăng cao... nhưng hợp đồng đã ký từ trước nên không dễ đàm phán để điều chỉnh. Điều đáng mừng là hầu hết các DN đều đang nỗ lực tìm ra cách thích ứng.
“FPA Bình Định có nhiều kiến nghị giải quyết khó khăn và được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp hỗ trợ tháo gỡ. Về lâu dài hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long khẳng định tỉnh Bình Định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các đầu mối cung cấp nguyên phụ liệu ngành gỗ có thể xây dựng nhà máy, mở đại lý trên địa bàn tỉnh”, ông Thiện chia sẻ.
HOÀI THU
(Nguồn http://baobinhdinh.vn)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững