Ðảm bảo cung ứng đủ lúa giống cho vụ Ðông Xuân
30/11/2021 : 00:11
Cùng với việc ban hành lịch thời vụ, ngành Nông nghiệp triển khai hướng dẫn các địa phương công tác chuẩn bị, trong đó chú trọng vào chọn giống phù hợp với chân ruộng, cung ứng đủ số lượng và gieo trồng đúng lịch thời vụ.
Theo ghi nhận từ các cơ sở kinh doanh, đại lý, HTXNN trên địa bàn tỉnh, thời điểm này các đơn vị đã chuẩn bị khá đầy đủ các mặt hàng vật tư nông nghiệp cho vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Riêng với mặt hàng lúa giống, hiện các đơn vị đã nhập kho các giống lúa chủ lực theo cơ cấu giống của ngành nông nghiệp như: Khang dân đột biến, ĐV 108, An Sinh 1399, Q5, TBR1; một số giống lúa triển vọng như: ĐH815-6, Thiên Hương 6 (QNg6), QNg13, QNg128, Hương Châu 6, Bắc Hương 9, ĐH 12, VNR88, BĐR999, BĐR57, BĐR17, BĐR79, Sơn Lâm 1, ST 25, ĐQ11, TBR97, QC 03, Phong Nha 99, Đất cảng 1, ND 502, Quảng Nam 9. Các giống lúa sản xuất theo hợp đồng liên kết của DN: ADI 28, ADI 168, Hạt vàng 36. Giống lúa lai: TH 3-5, TH 3-3, Nhị ưu 838, CT 16, Bio 404. Ngoài ra, các địa phương còn cơ cấu các giống lúa đã được công nhận lưu hành theo đặc thù của địa phương như: HT 1, HĐ34, ML232, OM6600, PY2, Hương Xuân, MT10, SHPT3, KD 28…
HTXNN Nhơn Thọ 2 chuẩn bị lúa giống cho vụ Đông Xuân. Ảnh: PHẠM VĂN TÂN |
Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTXNN Nhơn Thọ 2 (Nhơn Thọ, TX An Nhơn), cho biết: Hiện chúng tôi đã chuẩn bị 20 tấn lúa giống đủ cung ứng cho thành viên HTX và nông dân trên địa bàn phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân. Năm nay, giá lúa thuần từ 18.000 - 22.000 đồng/kg, lúa lai 66.000 đồng/kg. So với mọi năm, giá lúa giống không tăng nhiều, một số giống có tăng cũng chỉ từ 200 đồng - 1.000 đồng/kg. HTX hỗ trợ trực tiếp cho nông dân 1.000 đồng/kg giống lúa lai và 500 đồng/kg giống lúa thuần. Vụ Đông Xuân tới đây, HTXNN Nhơn Thọ 2 sản xuất 310 ha, trong đó diện tích liên kết sản xuất lúa giống là 135,2 ha, gồm các giống chủ lực: TBR1, TBR36, VNR20 và các giống lúa lai Nhị ưu 838, CT16, TH3-3. Cùng với đó, vụ Đông Xuân này HTX tiếp tục áp dụng quy trình sản xuất lúa thâm canh cải tiến trên diện tích của chuỗi liên kết sản xuất lúa giống. Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX An Nhơn đã hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa theo quy trình SRI cho bà con.
Tương tự, ông Hồ Thiện, Giám đốc HTXNN Phước Sơn 1, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước cho hay, HTX chuẩn bị đủ vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân, trong đó lúa giống đã đầy đủ. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá phân bón và một số mặt hàng khác lên cao, riêng giá lúa giống chỉ tăng nhẹ. Để chia sẻ, giảm áp lực chi phí đầu vào, HTX hỗ trợ thành viên bằng việc cho tạm ứng trước giống lúa và vật tư nông nghiệp để phục vụ sản xuất.
Ghi nhận ở một số đại lý, cơ sở kinh doanh lúa giống, vật tư nông nghiệp tại TX Hoài Nhơn, hiện các đơn vị chuẩn bị đầy đủ giống phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân theo cơ cấu giống của Sở NN&PTNT, TX Hoài Nhơn. Theo chủ đại lý giống Kim Anh ở xã Hoài Tân, TX Hoài Nhơn, hiện giá các loại giống không tăng, một số giống lúa lai có tăng nhẹ 200 - 500 đồng/kg so với trước đây; dù vậy sức mua thời điểm này giảm so với vụ Đông Xuân 2020 - 2021.
Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết: “Trên cơ sở khung lịch thời vụ chung của tỉnh, các địa phương căn cứ diễn biến thời tiết, điều kiện sản xuất từng vùng, đặc điểm giống lúa để xác định thời điểm gieo sạ phù hợp, tránh mất giống đầu vụ và lúa trổ gặp lúc trời lạnh. Đồng thời, chủ động linh hoạt dịch chuyển thời điểm gieo sạ khi có dự báo mưa lớn. Dự báo năm nay Bình Định có mưa muộn, mưa dịch chuyển qua tháng 12.2021 - trùng vào thời điểm xuống giống tập trung, do đó, ngành Nông nghiệp hướng dẫn các địa phương nắm bắt tình hình, diễn biến thời tiết khi xuống giống. Một điểm hết sức lưu ý, người dân nên chọn các đơn vị cung cấp giống uy tín, phù hợp với chân ruộng và cơ cấu giống; áp dụng quy trình sản xuất theo các phương pháp như SRI, IMP, ICM để đạt hiệu quả cao.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp cũng triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp chuẩn bị cho vụ Đông Xuân, tại các cơ sở kinh doanh ở 8 địa phương gồm: Quy Nhơn, Tuy Phước, An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân và Tây Sơn. Riêng 3 huyện miền núi Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Sở giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) kiểm tra, thanh tra.
Ông Lê Bá Thừa, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho hay, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giá vật tư nông nghiệp đang tăng cao, để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, giảm thiệt hại cho bà con nông dân, Thanh tra Sở tăng cường công tác tuyên truyền các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp chấp hành đúng quy định của pháp luật, cung cấp hồ sơ chất lượng sản phẩm đầy đủ; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân kinh doanh nên chọn đối tác cung cấp là các nhà sản xuất uy tín để đảm bảo đầu vào tốt; về phía người nông dân nên chọn các giống lúa chất lượng, đầy đủ thông tin, có nguồn gốc rõ ràng.
THU DỊU
(Nguồn http://baobinhdinh.vn)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững