Menu Close Menu
Quay lại

Quảng Bình: Kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

03/12/2021 : 00:12

Bằng nhiều giải pháp kịp thời, ngành nông nghiệp Quảng Bình và chính quyền các địa phương đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

Trang trại của ông Nguyễn Quang Sơn, thôn 2 Tân Mỹ, xã Thanh Thủy là một trong những trang trại quy mô lớn ở huyện Lệ Thủy. Mỗi năm, gia đình ông duy trì nuôi gần 20.000 con gà, chủ yếu là gà thịt. Chăn nuôi gà không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông Sơn. Trang trại của gia đình ông xuất bán hơn 18.000 con gà thịt/năm, đem lại thu nhập ổn định hơn 500 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trang trại chăn nuôi gà của ông Sơn gặp khá nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều tháng liền, ông Sơn phải duy trì nuôi hơn 6.000 con gà lai chọi đã đến tuổi xuất bán, trong khi thức ăn chăn nuôi lại liên tục tăng giá. Đang băn khoăn, lo lắng thì gia đình ông nhận được thông tin sẽ được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ gà. Ông Sơn cho biết: “Thông qua sự hỗ trợ kết nối của ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương, mới đây gia đình tôi đã bán được hơn 6.000 con gà thịt cho các thương lái. Với mức giá từ 48.000-55.000 đồng/kg, gia đình tôi thu về gần 300 triệu đồng”.

Trang trại của ông Nguyễn Quang Sơn, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) đã tiêu thụ được 6.000 con gà thông qua chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản

 

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời gian các địa phương phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã thành lập tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản cho người dân (tổ công tác 490). Đơn vị đã công bố đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, kịp thời tháo gỡ, xử lý các tình huống khó khăn nhằm ổn định sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản được thuận lợi, thông suốt, an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, sở cũng đã kết hợp với Phòng NN-PTNT các huyện, thị xã, thành phố tham mưu với chính quyền các địa phương nắm bắt thông tin, nhu cầu cần tiêu thụ các mặt hàng nông sản để có kế hoạch kết nối, hỗ trợ nông dân. Các thành viên trong tổ công tác 490 đã liên hệ trực tiếp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để nắm bắt thông tin, tình hình sản xuất của người dân thông qua các nền trang mạng xã hội, như: Facebook, Zalo…, qua đó, theo dõi, cập nhật tin tức kịp thời và tham mưu tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, ngay sau khi nhận được công văn phối hợp hỗ trợ lưu thông, tiêu thụ nông sản của các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch và Lệ Thủy, chi cục đã liên hệ trực tiếp cho các các công ty thu mua, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; đồng thời, gửi số điện thoại của các công ty cho các đại lý, cơ sở chăn nuôi để chủ động liên hệ. Đơn vị đã chủ động liên hệ hơn 70 cơ sở chăn nuôi (lợn, gà, vịt…) trên toàn tỉnh và kết nối với các công ty thu mua giúp người dân tiêu thụ sản phẩm.

Trong thời điểm các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star đã tiêu thụ 2.600 con lợn nuôi gia công cho các cơ cở chăn nuôi trên địa bàn huyện Bố Trạch, Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu Nguyên Khánh đã thu hơn 40 tấn gia cầm các loại cho người dân huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Hiện tại, các công ty thu mua tiếp tục liên hệ các cơ sở chăn nuôi nhưng chưa thống nhất được giá do giá thị trường nhiều loại gia súc, gia cầm giảm nên người dân chưa muốn bán.

Sản phẩm gà sạch của HTX Chăn nuôi gà đồi Thái Thủy (Lệ Thủy) đã tạo được chỗ đứng trên thị trường khi mỗi năm HTX xuất bán hơn 2.000 con gà, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Bích, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà đồi Thái Thủy chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, HTX gặp không ích khó khăn trong khâu tiêu thụ. May mắn nhờ có Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ, kết nối tiêu thụ, HTX xã đã xuất bán được gần 100 con gà. Rất mong thời gian tới, thông qua kênh hỗ trợ của huyện, tỉnh sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp hỗ trợ thu mua gà giúp người dân”.

Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT, bên cạnh hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, để thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, ngành Nông nghiệp đã chủ động phối hợp cùng các ngành, địa phương triển khai linh hoạt kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, năng động trong chỉ đạo điều hành sản xuất, tuân thủ lịch thời vụ và mùa vụ trong tình hình mới. Sở đã tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích bà con nông dân sản xuất rải vụ, sản xuất theo nhu cầu thị trường; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết; cập nhật thông tin giá cả thị trường và các khuyến cáo giải pháp kỹ thuật để bảo đảm sản xuất tốt trong giai đoạn hiện nay.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm ngày càng được nhân rộng trong toàn tỉnh

 

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương khuyến khích người dân đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế để bảo đảm chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng dịp cuối năm và xuất ngoại tỉnh; phối hợp tháo gỡ khó khăn, duy trì các hoạt động cung ứng thức ăn chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trong điều kiện dịch Covid-19.

Trong thời gian các địa phương phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, từ ngày 9 đến 22-9-2021, tổ công tác 409 (Sở NN-PTNT) đã kết nối các doanh nghiệp thu mua hơn 133 tấn thủy sản, hơn 40 tấn gia cầm và 2.600 con lợn cho các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh; hơn 430 tấn thủy sản khai thác đã được các chủ nậu trong toàn tỉnh thu mua. Ngoài kết nối thị trường, tổ công tác đã hỗ trợ tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thủ tục, lưu thông trong tiêu thụ nông sản.

Thùy Trang

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình

 

Tin liên quan