Menu Close Menu
Quay lại

Ðổi mới canh tác nhìn từ Phù Cát: Năng suất tăng, hiệu quả cao

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

03/12/2021 : 00:12

Dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi, dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng nhờ tập trung chỉ đạo, điều hành thông suốt, tích cực áp dụng tiến bộ KHKT, đặc biệt là nhờ nỗ lực vượt bậc của người dân, huyện Phù Cát đã giành thắng lợi lớn trong sản xuất nông nghiệp năm 2021.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, thắng lợi lớn trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Phù Cát đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Có được kết quả này, là nhờ thực hiện tốt khâu điều hành sản xuất. huyện đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch vùng sản xuất phù hợp cho từng loại cây trồng, đáp ứng với tình hình thời tiết biến đổi khí hậu; tích cực đưa các giống cây trồng có phẩm cấp cao thích nghi với điều kiện thời tiết, đất đai từng vùng vào sản xuất; đồng thời hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng thời vụ, tập trung, đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng, thuận lợi cho công tác quản lý và phòng trừ sâu bệnh...

Nông dân xã Cát Hiệp thu hoạch đậu phụng.   Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Nổi bật là huyện Phù Cát đã mở rộng thực hiện 58 cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng liên kết, với diện tích 3.016 ha; trong đó có 9 cánh đồng/297,2 ha liên kết sản xuất lúa, 49 cánh đồng mẫu lớn/2.718,8 ha sản xuất lúa, đậu phụng xen mì; chuyển 2.829 ha đất lúa và đất màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn như: Đậu phụng, hành, ớt, dưa hấu... đồng thời thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ từ 3 vụ lúa sang sản xuất 2 vụ lúa/năm lũy kế đến nay đã lên hơn 3.492 ha, vượt 3,5% so kế hoạch năm.

Tạo ấn tượng đặc biệt liên tục trong nhiều năm gần đây là cây đậu phụng. Đây là cây trồng thế mạnh của Phù Cát được trồng quanh năm và có diện tích đứng thứ hai chỉ sau cây lúa. Đậu phụng đem lại thu nhập cao, ổn định so với nhiều loại cây trồng khác tại địa phương. Diện tích đậu phụng tập trung ở các xã: Cát Hiệp, Cát Lâm, Cát Trinh, Cát Tài, Cát Hải…

Đi đôi với mở rộng diện tích, Phù Cát cũng tập trung chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ nông dân ứng dụng vào sản xuất, lựa chọn giống mới thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết và năng lực thâm canh của nông dân để đưa vào sản xuất trên diện rộng, điển hình như các giống: L 14, L 23, HL 25, LDH 01... Cùng với đó nông dân còn xen canh, luân canh như trồng đậu phụng xen mì, hoặc trồng đậu phụng luân canh dưa hấu, bắp lai, mè... Chính nhờ thế mà lợi ích mang lại trên cùng một đơn vị diện tích cao hơn trước nhiều lần.

Lợi thế rất lớn mà Phù Cát đã phát huy tối đa là tận dụng việc được đảm bảo nước tưới nhờ hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư, nâng cấp khá hoàn chỉnh và nhất là nhờ hưởng lợi từ hệ thống kênh mương Văn Phong. Không chỉ có vậy, nông dân Phù Cát còn khai thác mạch nước ngầm, trồng đậu phụng theo mô hình tưới tiết kiệm nước, nhất là trong vụ hè thu, vừa góp phần giảm áp lực về nước tưới trong điều kiện thời tiết hạn hán, vừa tiết kiệm chi phí.

 

Năm 2021, toàn huyện Phù Cát đã gieo trồng 14.772 ha lúa và 11.985 ha cây trồng cạn, chủ yếu là: đậu phụng 4.720 ha, mì 2.640 ha, mè 913 ha, bắp lai 686 ha, dưa 678 ha, ớt 576 ha, hành 564 ha... Nông dân đã tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng quy trình kỹ thuật vào chăm sóc nên các loại cây trồng đều phát triển tốt và cho năng suất cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, năng suất lúa bình quân cả năm đạt 64 tạ/ha, đậu phụng đạt 40,7 tạ/ha, mì 286 tạ/ha, hành 75 tạ/ha, ớt gần 325 tạ/ha, mè 11tạ/ha, dưa 319,1 tạ/ha...

Nhờ ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, năng suất cây đậu phụng ở Phù Cát không ngừng được nâng lên, bình quân đạt gần 41 tạ/ha, với giá ổn định từ 23.000 - 26.000 đồng/kg, mỗi héc ta đậu phụng nông dân lãi khoảng 70 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa, tăng gấp 5 lần so với các loại cây trồng khác trên cùng chân đất.

Ông Đào Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp, cho biết: Nhờ có đủ nước tưới, đến nay toàn bộ diện tích đất trước đây trồng 1 vụ mì/năm, đất quanh vườn nhà, đất sản xuất lúa thiếu nước ở xã chúng tôi đã được chuyển sang trồng đậu phụng xen canh mì. trên diện tích trồng đậu phụng sau khi thu hoạch xong bà con đưa vào sản xuất bắp lai, mè, dưa hấu… nhờ đó thu nhập đã tăng lên nhiều lần so với trước.

Thành công của Phù Cát trong canh tác còn nhờ vai trò tích cực của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thông qua các mô hình khuyến nông. Năm 2021, Trung tâm triển khai 8 mô hình khuyến nông, trong đó 3 mô hình do tỉnh hỗ trợ. Hầu hết các mô hình triển khai đều được nông dân đồng tình hưởng ứng; trong đó, một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế và khả năng nhân ra diện rộng như: thâm canh cây đậu phụng trên chân đất lúa chuyển đổi, nuôi gà thả vườn theo hướng đặc sản gắn với tiêu thụ sản phẩm, nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi Biofloc... Các mô hình đã đưa các loại cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng ở những vùng có điều kiện, nhằm khai thác tối đa lợi thế tiềm năng ở các địa phương và từng bước nhân ra diện rộng.

Những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp năm 2021 là tiền đề, là động lực để Phù Cát tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo điều hành sản xuất trong thời gian đến, có những vụ mùa bội thu, trước mắt là trong vụ đông xuân 2021 - 2022.

TRƯỜNG GIANG

(Nguồn http://baobinhdinh.vn)​

Tin liên quan