Bén duyên với nghề nuôi thỏ
27/06/2022 : 00:06
Về xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng khi nghe nói đến món “thịt thỏ” thì không ai không biết đến Trại thỏ Huy Thương nằm ở thôn Hòa Bình. Trại thỏ được chàng thanh niên trẻ Hoàng Quốc Huy chăn nuôi và cung cấp ra thị trường các loại thỏ giống, thỏ thịt.
Từ 3-5 cặp thỏ được anh nuôi chơi, thử nghiệm bởi vì đam mê loài vật nuôi này. Thấy được việc nuôi, chăm sóc thỏ không quá khó, đầu năm 2020, anh Huy đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mua giống và bắt tay vào nuôi thỏ giống Newzealand thương phẩm trên mảnh vườn của mình. Từ đó tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình trong hơn 2 năm trở lại đây.
Dẫn chúng tôi vào tham quan chuồng trại nuôi thỏ, anh Hoàng Quốc Huy chia sẻ, khi biết mô hình nuôi thỏ thương phẩm từ người bạn cho hiệu quả kinh tế, anh Huy bắt đầu tìm hiểu về cách nuôi, giá thành và nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng… Qua tìm hiểu, anh Huy nhận thấy thỏ là con vật không quá khó nuôi, chỉ cần người nuôi biết được kỹ thuật chăm sóc cẩn thận, sạch sẽ là đảm bảo sức khỏe cho thỏ phát triển. Cùng với đó, chi phí đầu tư không quá cao, nguồn thức ăn dễ kiếm, thỏ sinh trưởng nhanh và thị trường tiêu thụ khá ổn định nên anh Huy quyết định đầu tư, phát triển trại nuôi thỏ.
Trên mảnh vườn rộng của gia đình, anh Huy thiết kế chia làm 02 khu riêng biệt: Khu nuôi thỏ nái sinh sản và thỏ con với diện tích 200m2 và 100m2 vỗ béo thỏ thịt để xuất bán. Thỏ là loại ăn tạp, thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp, rau và cỏ. Các loại rau, cỏ được gia đình anh trồng quanh vườn như cỏ xả, cỏ voi lùn… và một số loại lá cây như lá mít, lá dâm bụt… thỏ đều ăn được. Theo anh Huy, mỗi năm thỏ mẹ sinh sản 6 - 8 lứa, mỗi lứa trung bình từ 7 - 8 con. Thỏ con được 1 tháng tuổi thì có thể tách mẹ để nuôi thương phẩm. Sau khoảng 3 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2 - 2,5 kg là có thể xuất bán. Theo ước tính của anh, với 200 thỏ nái được duy trì liên tục, mỗi tháng cho ra thị trường 300 - 350 con thỏ thịt. Hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, tình hình tiêu thụ, gửi hàng đi Sài Gòn thuận lợi hơn năm trước. Nếu sản phẩm bán bình thường, mỗi năm trại thỏ của gia đình anh cung cấp cho thị trường 3.000 - 4.000 con thỏ thịt thương phẩm. Với giá bán thịt thỏ sống 90.000 đồng/kg, thịt thỏ làm sẵn 140.000 đồng/kg, mang lại doanh thu cho gia đình anh gần 30 triệu đồng/tháng. Như vậy, so với chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác, nuôi thỏ nhàn hơn rất nhiều - Anh Huy chia sẻ.
Mặc dù hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, mỗi ngày trại thỏ của gia đình anh tiêu thụ hết 03 bao cám (bao loại 25kg với giá 330.000 đồng/bao), nên anh Huy chuyển hướng cho thỏ ăn nhiều rau, các loại cỏ, các loại lá cây,… để giảm được chi phí đầu vào. Từ nguồn phân thỏ dồi dào, sau khi được xử lý bằng chế phẩm sinh học, 3-4 tháng thu hoạch một lần. Nguồn phân này được gia đình anh sử dụng để bón dâu, cây ăn quả và các loại rau cỏ ở trong vườn, tiết kiệm được nhiều chi phí trong lúc giá phân bón đang tăng rất cao.
Về trị bệnh cho thỏ, theo anh Huy cơ bản là phòng là chính, bao gồm vệ sinh chuồng trại, thức ăn và nước uống đảm bảo luôn sạch sẽ. Các loại thức ăn phải khô ráo và thơm mới. Không nên cho thỏ ăn nhiều cám công nghiệp dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa cho thỏ, chất lượng thịt không ngon. Khi thỏ bị đầy bụng hoặc tiêu chảy, anh Huy chữa trị bằng các thảo dược từ cây cối quanh nhà như lá ổi, cỏ nhọ nồi, tỏi nướng…
Qua chia sẻ kinh nghiệm về cách nuôi, chăm sóc, điều trị bệnh cho thỏ, anh Huy cho biết thêm: “Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt thỏ của các nhà hàng trên địa bàn huyện là khá lớn, trong khi đó, trại của gia đình tôi chỉ đáp ứng một số lượng nhất định, có những lúc không đủ hàng để giao cho khách. Mặc dù năm 2021, thời điểm do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, số lượng hàng đi không được nhiều nên số lượng thỏ sinh sản phải giảm gần một nữa, nhưng nếu với mô hình này về lâu dài, tình hình tiêu thụ ổn định trở lại, tôi nghĩ đây sẽ là cách phát triển kinh tế mà bất kể một hộ gia đình nào cũng có thể hướng đến và trở thành nguồn thu nhập kinh tế lâu dài”.
Cùng với việc hỗ trợ cho người dân trên địa bàn phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh đã hỗ trợ nhiều mô hình, chương trình để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Ông Võ Minh Trí - Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh cho biết: Hiện nay, nông dân đã có nhiều cách làm và cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để mang lại thu nhập cao. Trong đó, mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình anh Hoàng Quốc Huy được biết đến là mô hình nuôi mới tại địa phương, qua đó đã góp phần mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện Đạ Tẻh nói chung và xã Mỹ Đức nói riêng.
Nhận thấy rõ được hiệu quả phát triển kinh tế từ nuôi thỏ của gia đình anh Huy, địa phương đã khuyến khích bà con nông dân tìm đến học tập để có hướng đi mới cho việc chăn nuôi về sau. Trong năm 2021, Trung tâm Nông nghiệp huyện đã xây dựng 02 mô hình nuôi thỏ thương phẩm với quy mô 20 con thỏ bố mẹ/02 điểm tại xã Đạ Pal và xã Mỹ Đức. Bước đầu nhận thấy, thỏ sinh trưởng và phát triển tốt. Với kết quả bước đầu mang lại, hy vọng trong thời gian tới, bà con trong vùng mạnh dạn đầu tư, chăn nuôi thỏ để phát triển kinh tế gia đình.
Văn Thọ
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng
(Nguồn http://www.khuyennongvn.gov.vn/)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững