Menu Close Menu
Quay lại

Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

27/06/2022 : 00:06

Năm 2016 - 2021, Trung ương, tỉnh và huyện có nhiều chính sách hỗ trợ cây, con, giống, tạo điều kiện để bà con vùng đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Nhiều dự án chuyển giao KHKT, công nghệ được triển khai đem lại hiệu quả, như: Nuôi gà an toàn sinh học, trồng bưởi da xanh, trồng cam sành, nuôi vỗ béo bò, tưới tiết kiệm, trồng rừng cây gỗ lớn…

Đơn cử, ở huyện Vân Canh, các mô hình phát triển kinh tế, như: Chăn nuôi heo đen, nuôi gà thả đồi, bò lai, nuôi ong lấy mật, khoanh nuôi mây rừng tự nhiên, trồng rừng kinh tế... ngày càng nhiều, đem lại hiệu quả cao. Từ đó, đã thay đổi được tập quán canh tác lạc hậu, giúp đời sống của người dân ngày càng ổn định, đời sống tinh thần được nâng cao.

 Ứng dụng công nghệ, dây chuyền máy móc vào sản xuất trà dung ở huyện Vân Canh. Ảnh: A.N

Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, nhìn nhận: KHKT, công nghệ đã tạo sức bật để đời sống, kinh tế của người dân địa phương phát triển. Hiện nay, huyện đã và đang triển khai 2 mô hình thuộc nguồn vốn KH&CN, gồm: Mô hình trồng thử nghiệm cây sầu riêng (2 giống Monthong và Ri6) ở xã Canh Liên, trên diện tích 0,5 ha. Sau hai năm trồng, đến nay 63 cây sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt. Với mô hình trồng thử nghiệm cây mít ruột đỏ tại khu phố Thịnh Văn 2, thị trấn Vân Canh, diện tích 0,7 ha; đến nay, 234 cây mít đã tạo tán, phát triển chiều cao cân đối, bắt đầu cho trái năm đầu tiên. Ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục theo dõi để có hướng nhân rộng, phát triển mô hình.

Tại huyện Vĩnh Thạnh, việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp được quan tâm, với nhiều mô hình nhân rộng mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ Định Bình; nuôi hươu và nuôi nai lấy nhung ở xã Vĩnh Kim, Vĩnh Hảo; trồng bí đỏ ở xã Vĩnh Thuận… được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp các cấp tổ chức tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT cho hội viên ứng dụng vào sản xuất.

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Những năm qua, vùng đồng bào dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, có nhiều chính sách ưu tiên, thể hiện qua các chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều chính sách hỗ trợ khác, giúp vùng đồng bào dân tộc, miền núi có bước phát triển toàn diện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống đồng bào được cải thiện rõ rệt nhờ bà con được hướng dẫn chi tiết để tiếp cận và ứng dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hóa chủ lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế với mục tiêu đạt hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường và bền vững.

Có thể thấy, KHKT, công nghệ luôn được coi là giải pháp then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc và miền núi, tạo ra sự đột phá trong phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường.

AN NHIÊN

(Nguồn http://baobinhdinh.vn/​)

Tin liên quan