An Lão phát triển chăn nuôi trâu, bò
01/07/2022 : 00:07
Trước đây, gia đình ông Đinh Văn Phưa, ở thôn 5, xã An Quang (huyện An Lão) chỉ nuôi từ 2 - 4 con bò, chủ yếu để lấy sức kéo. Mấy năm gần đây, nhận thấy việc nuôi bò, trâu đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại và để đảm bảo chăm sóc, phòng chống dịch bệnh tốt, ông tăng đàn theo hướng chăn nuôi bán chăn thả - có chuồng trại. Nhờ tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT trong chăm sóc, phòng bệnh, nay gia đình ông Phưa có 10 con trâu, bò. Thu nhập từ chăn nuôi đem lại cho gia đình ông mỗi năm hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
Một hộ dân ở An Lão xây dựng chuồng trại kiên cố để nuôi bò. Ảnh: D.T.D |
Ông Phưa chia sẻ: “So với chăn nuôi thả rông, việc nuôi bán chăn thả - có chuồng trại giúp bò, trâu lớn nhanh, béo tốt hơn. Mình còn chủ động cung cấp thêm thức ăn, tiêm phòng định kỳ nên gia súc khỏe mạnh, sinh ra bê nghé ổn định”.
Việc phát triển chăn nuôi trâu, bò ngày càng thu hút nông dân An Lão tham gia, nhiều hộ đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo mô hình gia trại. Điển hình là chị Đinh Thị Nghiệp (ở xã An Nghĩa), anh Đinh Văn Trai (xã An Toàn), anh Nguyễn Văn Bảy (thị trấn An Lão), anh Nguyễn Quốc Triện (xã An Tân)... Tận dụng lợi thế gò đồi, hầu hết các hộ này đều áp dụng cách chăn nuôi bán chăn thả, kết hợp trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp chế biến thành thức ăn cho trâu, bò, và đặc biệt là coi trọng ý kiến tư vấn của nhân viên thú y cũng như cán bộ khuyến nông trong phòng chống dịch bệnh.
Đến nay, toàn huyện An Lão có hơn 4.300 hộ chăn nuôi 11.350 con bò, 3.756 con trâu; người dân đã tự trồng thêm hơn 25 ha cỏ phục vụ chăn nuôi. Để chăn nuôi trở thành trọng tâm trong phát triển kinh tế của địa phương, huyện An Lão vận động bà con phát triển chăn nuôi theo hướng có chuồng trại tập trung, chủ động công tác phòng chống dịch bệnh, chú trọng lựa chọn, sử dụng con giống tốt.
Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Nhiều năm trước, chúng tôi đã nỗ lực động viên bà con phát triển chăn nuôi trâu bò, chọn giống tốt để đầu tư… Cùng với tuyên truyền, tập huấn, chúng tôi còn phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, cập nhật kiến thức cho bà con. Nhờ vậy đến nay nhiều hộ đã xem chăn nuôi trâu, bò là hướng thoát nghèo, nhiều hộ đã khá lên trông thấy”.
DIỆP THỊ DIỆU
(Nguồn http://baobinhdinh.vn/)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững