Sản xuất dưa lưới nhà màng hiệu quả kinh tế cao
11/07/2022 : 00:07
Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau, quả an toàn trong nhà màng, đem lại hiệu quả kinh tế cao…
Anh Phạm Ngọc Khiên (ở thôn Bắc Sơn- Xã Thanh Hóa- huyện Tuyên Hóa- Quảng Bình), là một trong những người tiên phong thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau dưa.
Trồng dưa lưới trong nhà màng cho nông dân có thu nhập cao hơn. Ảnh: T.P
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Khiên được đầu tư xây dựng từ tháng 5/2021 với diện tích trên 800m2. Theo anh Khiên, trồng dưa lưới trong nhà màng giúp việc quản lý được dễ dàng, thuận tiện. Nhà màng còn giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập. Từ đó, giúp giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời, tạo ra nông sản sạch, bảo đảm sức khỏe cho người trồng và người tiêu dùng.
Trước đây, gia đình anh Khiên đã từng trồng dưa lưới nhưng do cách trồng và chăm sóc không đúng kỹ thuật nên không đem lại hiệu quả. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông- KN tỉnh, anh đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà màng để trồng dưa lưới.
Dưa lưới là cây trồng có giá trị kinh tế cao, một năm có thể gối từ 2 đến 3 vụ. Để quả dưa to, đẹp, gia đình anh Khiên phải chăm bón theo kỹ thuật từ khâu đầu vào cho đến khi thu hoạch. Cùng với đó, hàng ngày, người trồng thực hiện các công đoạn chăm sóc, tỉa lá, cắt ngọn, tỉa quả nhỏ để cây tập trung nuôi quả to.
“Đây là vụ đầu tiên trồng dưa lưới trong nhà màng nhưng nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cùng sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ nông nghiệp nên vụ mùa đạt năng suất cao với gần 3 tấn dưa. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về gần 40 triệu đồng/vụ. Thời gian tới, tôi sẽ trồng thêm các loại rau quả khác để cung cấp ra thị trường, tạo thêm việc làm cho các lao động tại địa phương”, anh Khiên chia sẻ.
Cũng như nhiều hộ gia đình khác ở xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch), chị Nguyễn Thị Luyến đã có nhiều năm gắn bó với nghề trồng rau truyền thống. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chị trồng các loại rau màu phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Theo chị Luyến, sản xuất rau truyền thống gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh nên thu nhập không được là bao, chỉ lấy công làm lãi. Từ lâu chị đã ấp ủ giấc mơ xây dựng mô hình rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Sau khi được Trung tâm Khuyến nông- KN tỉnh hỗ trợ 320 triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà màng, chị đã bắt tay vào trồng dưa lưới.
Từ mô hình đầu tư của Trung tâm Khuyến nông- KN Quảng Bình, sẽ có nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.P
Chị Luyến chia sẻ, lần đầu tiên thử nghiệm trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Nhờ có sự hướng dẫn tận tình, “cầm tay chỉ việc” của cán bộ kỹ thuật nên quá trình thực hiện mô hình rất thuận lợi. Cây dưa sinh trưởng và phát triển tốt, cho quả đẹp, lượng đường đạt tiêu chuẩn. So với các loại cây trồng khác, trồng dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. “Dưa lưới đạt tiêu chuẩn VietGAP nên quá trình tiêu thụ cũng thuận lợi hơn, chủ yếu nhập cho các siêu thị trong và ngoài huyện”- chị Luyến nói thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông- NKN tỉnh cho biết, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2021, đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ xây dựng 5 mô hình sản xuất rau, quả an toàn trong nhà màng với tổng kinh phí gần 1,7 tỷ đồng. “Mỗi mô hình được hỗ trợ không quá 340 triệu đồng. Trong đó, hỗ trợ không quá 40% tổng kinh phí xây dựng nhà lưới; 50% giống, vật tư phân bón; 100% kinh phí quản lý, chỉ đạo, theo dõi, giám sát thực hiện mô hình”- ông Hải nói.
Các mô hình sản xuất rau, quả an toàn trong nhà màng do Trung tâm hỗ trợ đều đem lại hiệu quả. Sau vụ mùa đầu tiên, các mô hình đều cho năng suất 2,5-3 tấn dưa lưới, mang lại thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Thành công của những mô hình này sẽ là tiền đề để người dân trong vùng và các địa phương lân cận tham quan, học hỏi, áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ổn định sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông-KN Quảng Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập, hướng đến hình thành và phát triển các vùng chuyên sản xuất rau, quả theo hướng an toàn VietGAP.
(Nguồn http://www.hoinongdan.org.vn/)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững