Menu Close Menu
Quay lại

Phát triển dưa lưới ở Bình Ðịnh

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

15/07/2022 : 00:07

Bình Ðịnh đang phát triển một số giống dưa lưới như TL3, Huỳnh Long, dưa lưới mật... ở một số địa phương như Tây Sơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn. So với các giống dưa khác, dưa lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng yêu cầu khắt khe về quy trình chăm sóc, lựa chọn giống, vốn đầu tư lớn…

Ông Trần Bảo Diệp, Giám đốc HTXNN Công nghệ cao La’sfarm Ân Phong, huyện Hoài Ân, một trong những người đầu tiên đầu tư trồng dưa lưới theo công nghệ mới trong nhà màng ở Bình Định, chia sẻ: Việc chọn giống và cách thức thực hiện quy trình chăm sóc quyết định tới yếu tố trái dưa đạt hay không đạt. Để dưa đảm bảo 3 yếu tố then chốt: Độ ngọt (brix) chuẩn 14; trọng lượng quả (1,4 kg), vân lưới đều và đẹp, việc trồng dưa đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, chặt chẽ như canh đúng thời điểm ngắt ngọn, tỉa trái và mỗi cây chỉ giữ 1 trái.

Vườn dưa lưới thực nghiệm tại Trường ĐH Quang Trung.  Ảnh: MINH TRUNG

Hiện, HTXNN Công nghệ cao La’sfarm Ân Phong chuẩn bị vụ dưa lưới thứ 2 trong năm với diện tích 1.400 m2 nhà, dự kiến sẽ xuống giống vào giữa tháng 7.2022. Theo ông Diệp, ở Bình Định, giống dưa TL3 phù hợp với thời gian trồng ngắn, quy trình chăm sóc ít khắt khe hơn, giá bán vừa tầm.

Dưa lưới yêu cầu vốn đầu tư lớn, phù hợp với quy mô trang trại nhưng nếu tính toán giỏi, làm chủ kỹ thuật thì quy mô gia đình vẫn có thể trồng tốt. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng dưa lưới theo đơn đặt hàng của DN ở TP Hồ Chí Minh, anh Hồ Văn Tuấn, ở thôn An Điền, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, chia sẻ: Tùy theo chân đất và giống dưa, người trồng phải nắm vững kỹ thuật tưới thì cây dưa mới phát triển ổn định, chất lượng đảm bảo. Tôi đầu tư trồng 8 sào dưa lưới, xuống giống rải đều ra để liên tục có dưa cho khách.

Ruộng dưa lưới của gia đình anh Hồ Văn Tuấn, thôn An Điền, xã Cát Lâm (Phù Cát). Ảnh: THU DỊU

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, dưa lưới là giống cây chịu nhiệt, tuy điều kiện kỹ thuật đòi hỏi cao nhưng chủ yếu là yêu cầu tuân thủ quy trình, không đòi hỏi phức tạp, nên phù hợp phát triển ở Bình Định. Cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn, tư vấn thành công cho nhiều nông hộ ở các huyện Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Mỹ.

Cụ thể, nắm bắt nhu cầu phát triển cây dưa lưới của người dân, Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Bình Thành tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân (2 lớp/50 hộ). Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, một số hộ ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, chọn cây dưa lưới như một loại cây trồng cạn thực hiện chuyển đổi trên những chân đất trồng lúa kém hiệu quả. Theo thông tin sơ bộ từ người dân, lợi nhuận từ cây dưa lưới rất khả quan. Ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, cho hay, tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá thực tế hiệu quả sản xuất, chi phí đầu tư và quan trọng là thị trường tiêu thụ để định hướng hỗ trợ nông dân phát triển dưa lưới phù hợp nhất.

Được biết, hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuẩn bị xây dựng mô hình khuyến nông phù hợp dành cho cây dưa lưới.

THU DỊU

(Nguồn http://baobinhdinh.vn/)

Tin liên quan