Menu Close Menu
Quay lại

Kết nối ý tưởng: biến phụ phẩm thủy sản thành sản phẩm có giá trị

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

16/08/2022 : 00:08

Việc kết nối hợp tác, chuyển giao công nghệ và thiết bị chế biến phụ phẩm thủy sản không chỉ giúp giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra các sản phẩm có giá trị, gia tăng hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

Tại sự kiện kết nối ý tưởng với chủ đề “Công nghệ chế biến phụ phẩm tôm, mực” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) tổ chức ngày 09/8/2022, các doanh nghiệp có nhu cầu công nghệ và các đơn vị cung ứng đã cùng thảo luận, trao đổi các vấn đề cụ thể để đi đến hợp tác, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này. (Xem video công nghệ tại đây).

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn (quyền Giám đốc CESTI), hàng chục năm qua, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản, với kim ngạch xuất khẩu hằng năm trung bình khoảng từ 8,4 - 8,8 tỷ USD, ngành thủy sản cung cấp khoảng 4,5 - 5 triệu tấn nguyên liệu cho chế biến thủy sản. Trong đó, phụ phẩm từ chế biến thủy sản theo số liệu thống kê hiện có khoảng 1 triệu tấn. Cụ thể, chế biến phi lê cá tra thì có tới 60 - 70% là phụ phẩm; tôm phụ phẩm chiếm 35 - 45% tổng khối lượng tôm nguyên liệu…

06HDKHLVKNYTphuphamtommuch6.jpg

Sự kiện kết nối ý tưởng được tổ chức bằng hình thức trực tiếp (tại 79 Trương Định, Quân 1, TP.HCM) kết hợp trực tuyến trên nền tảng Google meet

Các phụ phẩm đã và đang được thu gom, chế biến thành các sản phẩm hữu ích phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, hoặc các sản phẩm có giá trị cao hơn như collagen, hay một số thực phẩm ăn liền. Nguồn phế phụ phẩm này được xem là “mỏ vàng” chưa khai phá, có thể tận dụng chế biến sâu để gia tăng giá trị.

Ông Nguyễn Đức Tuấn cho biết, kết nối ý tưởng là hoạt động nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu công nghệ, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Tại sự kiện, các nhà cung ứng sẽ giới thiệu những giải pháp công nghệ đáp ứng yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn giải pháp phù hợp để tiếp tục thương thảo hợp tác, chuyển giao công nghệ. Với việc tổ chức sự kiện kết nối ý tưởng, CESTI mong muốn mang lại cho các đơn vị cơ hội trao đổi, chia sẻ thông tin, từ đó tìm kiếm được các giải pháp công nghệ phù hợp với tình hình sản xuất thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.

Trong phiên kết nối về “Công nghệ chế biến phụ phẩm tôm, mực”, từ yêu cầu của doanh nghiệp là muốn nhận chuyển giao công nghệ và thiết bị chế biến phụ phẩm tôm, mực thành dạng dịch lỏng (như dịch đạm tôm), thức ăn thủy sản (dạng nước, dạng dịch và thức ăn dẫn dụ), hoặc phân bón hữu cơ (dạng chai nhỏ, dịch lỏng), CESTI đã kết nối 5 đơn vị, chuyên gia với những công nghệ, giải pháp khác nhau sẵn sàng tư vấn cho doanh nghiệp ngay tại sự kiện.

06HDKHLVKNYTphuphamtommuch3.jpg

Đại diện doanh nghiệp trình bày các yêu cầu về công nghệ chế biến phụ phẩm tôm, mực tại sự kiện 

Tại sự kiện, các đơn vị có nhu cầu hợp tác chuyển giao công nghệ đã đưa ra các yêu cầu về công nghệ chế biến phụ phẩm tôm, mực, cụ thể như Công ty TNHH Nguyên liệu sản xuất Hoàng Việt, Công ty Cổ phần Việt Quốc Thịnh, Tập đoàn Vạn Phát Đạt. Các đơn vị cung ứng đã giới thiệu, đề xuất các giải pháp công nghệ như Công nghệ xử lý phụ phẩm tôm mực quy mô 100 tấn/ngày (Viện Nghiên cứu Hải sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Tận dụng phế liệu thủy sản (Trường Đại học Nha Trang); Công nghệ lên men nguyên liệu đầu tôm (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành); Nâng cao giá trị của phụ phẩm thủy sản (ĐH Nông Lâm Huế); Công nghệ chế biến phụ phẩm tôm, mực (Công ty TNHH A & S Thai Works).

Theo TS. Bùi Thị Thu Hiền (Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ Sau thu hoạch - Viện Nghiên cứu Hải sản), hiện nay, vấn đề xử lý phụ phẩm thủy sản (tôm, mực, cá) đang rất được quan tâm và nhu cầu của doanh nghiệp là rất lớn. Công nghệ chế biến hiện tại chủ yếu là sử dụng phương pháp nhiệt để làm khô, sau đó xay nghiền để làm thức ăn chăn nuôi. Thực tế, quá trình chế biến này làm giảm các giá trị dinh dưỡng của phụ phẩm, khả năng hấp thụ hàm lượng dinh dưỡng của vật nuôi cũng bị hạn chế.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu của TS. Hiền đã ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý phụ phẩm tôm, mực (sử dụng hệ chủng vi sinh vật sinh ra các enzym có thể xử lý phụ phẩm thủy sản). Cụ thể, đối với phụ phẩm tôm (đầu, vỏ), nhóm sử dụng chế phẩm vi sinh để thủy phân protein và thu hồi dịch đạm. Vỏ tôm sau khi xử lý sẽ không còn protein, được sử dụng làm nguyên liệu trong sản xuất chitin, chitozan. Dịch đạm có thể chế biến thành dịch thủy phân cô đặc bán cho các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi, hoặc tạo thành chất dẫn dụ, chế biến thành phân bón lá,… Đối với phụ phẩm mực (đầu, da, nội tạng), ngâm ủ trong dung dịch chế phẩm vi sinh vật để thủy phân protein, thủy phân bằng enzym để thu được dịch thủy phân. Dịch thuỷ phân phụ phẩm mực được ứng dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ. Với phương pháp này, protein của phụ phẩm mực đã được cắt nhỏ thành nhiều axit amin, các mạch peptit ngắn, giúp quá trình tiêu hoá của động vật, thực vật dễ dàng hơn.

TS. Bùi Thị Thu Hiền cho biết, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý phụ phẩm thủy sản không chỉ giúp thu hồi hết lượng axit amin có trong phụ phẩm, mà còn xử lý được vấn đề về mùi hôi sinh ra trong quá trình thu hồi dịch đạm. Dịch đạm thủy phân thu được từ giải pháp này đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, có thể tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng, mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề về môi trường trong quá trình chế biến thủy sản. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra được giải pháp về công nghệ và thiết bị có thể áp dụng trong sản xuất thực tế với quy mô lớn (100 tấn/ngày), giúp giải quyết toàn bộ lượng phụ phẩm trong ngày, không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của doanh nghiệp.

06HDKHLVKNYTphuphamtommuch5.jpg

TS. Phạm Minh Quốc (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) trình bày về công nghệ lên men nguyên liệu đầu tôm 

Tham gia đề xuất giải pháp, công nghệ cho doanh nghiệp, TS. Phạm Minh Quốc (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) đã chia sẻ các thông tin nghiên cứu về công nghệ lên men nguyên liệu đầu tôm. Theo TS. Quốc, trước hết cần thay đổi cách nhìn nhận về nguyên liệu đầu tôm, nên xem đây là nguyên liệu thực phẩm có thể chế biến để tăng giá trị. Về công nghệ chế biến đầu tôm, hiện nay chủ yếu áp dụng công nghệ phân giải (phân giải đầu tôm bằng acid vô cơ), sản phẩm chỉ dùng cho thức ăn gia súc. Việc đầu tư hệ thống phân giải có chi phí cao, quá trình phân giải phát sinh các chất gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, nhóm nghiên cứu của TS. Quốc đề xuất công nghệ lên men với quá trình phân giải hoàn toàn bằng lên men tự nhiên, sản phẩm đa dạng, có thể cung cấp thực phẩm cho con người, thiết bị đầu tư với chi phí thấp. Ưu điểm của công nghệ lên men là một quá trình thủy phân tự nhiên, không sử dụng hoá chất trong quá trình chế biến. Thiết bị, máy móc được chế tạo tại Việt Nam, triển khai nhanh, linh hoạt, đơn giản, dễ sử dụng, giá thành thấp. Quá trình chế biến không có chất xả thải, không gây ô nhiễm môi trường.

Áp dụng công nghệ lên men có thể tạo ra những sản phẩm có giá trị cao từ đầu tôm như dịch đạm lỏng (dùng để chế biến nước chấm, nước mắm); dịch đạm sệt (dùng chế biến nước sốt, nước mắm tôm); bột tôm (làm nguyên liệu phụ gia chế biến thực phẩm);…

TS. Quốc cho rằng, mấu chốt của doanh nghiệp là lợi nhuận. Một thiết bị sản xuất không chỉ có chi phí thấp mà cần ổn định, linh hoạt, có thể xử lý được ở nhiều quy mô sản xuất. Hiện tại nhóm nghiên cứu sẵn sàng hợp tác, chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của doanh nghiệp với mong muốn giúp doanh nghiệp có thể tạo ra các sản phẩm có giá trị cao với chi phí sản xuất thấp nhất.

Thông qua các phần trình bày và trao đổi, thảo luận tại sự kiện kết nối ý tưởng, chương trình đã ghi nhận một số biên bản ghi nhớ nhằm kết nối thương thảo hợp tác và đi đến chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp và nhà cung ứng. Cụ thể như các biên bản ghi nhớ hợp tác, chuyển giao công nghệ chế biến tận dụng phụ phẩm tôm mực ra các chế phẩm dịch đạm; hợp tác, chuyển giao công nghệ chế biến phụ tôm mực bằng phương pháp thủy phân protein bằng enzym; hợp tác, chuyển giao công nghệ chế biến phụ phẩm tôm mực với quy mô 100 tấn đầu tôm/ngày và 10 tấn ruột mực/ngày; hợp tác, chuyển giao công nghệ lên men chế biến phụ phẩm tôm, mực;…

Sau phiên kết nối, các đơn vị có nhu cầu sẽ tiếp tục được CESTI hỗ trợ để làm việc trực tiếp với nhà cung ứng, tiếp tục thảo luận, đàm phán để đi đến hợp tác, chuyển giao công nghệ.

Lam Vân (CESTI)

Tin liên quan