Làng ong An Đỗ nỗ lực tạo lập thương hiệu
12/09/2022 : 00:09
Khi các tỉnh Tây Nguyên bước vào mùa mưa, là lúc những hộ nuôi ong lấy mật chuyên nghiệp ở thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn đưa đàn ong về nương náu dưới những cánh rừng ở quê hương để dưỡng ong, tái đàn và lấy mật. Người nuôi ong An Đỗ đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, đưa sản phẩm của mình vươn xa trên thị trường.
Trung tuần tháng 8, dưới những tán rừng keo bạt ngàn ven đường về La Vuông (xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn) là chi chít thùng nuôi ong mật của những người nuôi ong đang cắm chốt, xếp thành những hàng dài. Hương hoa keo thoảng nhẹ như báo trước một mùa ong thắng lợi.
Mật ngọt từ nghề
Dẫn tôi đến khu rừng keo lá tràm có tục danh đất Cây Bay, nơi nằm giữa triền núi La Vuông, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn An Đỗ, vừa đi và kể: Phong trào nuôi ong ở An Đỗ bắt đầu từ năm 1996. Ông Nguyễn Hiền Hiên là người đầu tiên giúp bà con biết về những đàn ong “xây nhà” trong thùng. Ông cũng tận tình chỉ dẫn, hỗ trợ cả về vốn và con giống để nhiều người có thể tự gầy dựng và phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đến nay, toàn thôn An Đỗ có hơn 70 hộ gắn bó với nghiệp nuôi ong mật. Nhà nuôi ít cũng có 200 đàn, nhiều thì 500 - 600 đàn. Mỗi năm, làng ong An Đỗ đưa ra thị trường cả nghìn tấn mật. Những đàn ong đã mang lại “mật ngọt” cho kinh tế các gia đình.
Ông Ngô Văn Thả (thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn) kiểm tra tình hình sinh trưởng của đàn ong. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Sở hữu 320 đàn ong, năm ngoái ông Ngô Văn Thả thu về 14 tấn mật, với giá bán từ 21.000 - 30.000 đồng/kg, ông lãi ròng gần 200 triệu đồng. Năm nay, mới nửa mùa lấy mật, ông Thả nhẩm tính túi đã rủng rỉnh hơn 100 triệu đồng tiền lời. Với một vùng quê như xã Hoài Sơn, đây là điều mà nhiều người mơ ước.
Ông Thả cho biết, ông bén duyên nghề nuôi ong lấy mật vào năm 2009. Khi đó, ông làm chung với ba người khác, tổng cộng 700 đàn, riêng ông Thả có 100 đàn. Nhóm của ông rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc, đưa ong theo những mùa hoa để tạo mật. Từ đầu năm đến hết tháng 2, họ đưa ong vào Đông Nam bộ và lên Tây Nguyên, nơi những vườn hoa cà phê, cao su, điều nở rộ. Tháng 3, ong ra Bắc theo mùa hoa nhãn, hoa vải; tháng 4 đến tháng 8 lại về miền Trung với hoa keo lá tràm. Tháng 9 đến tháng 12 thì phải tìm đất đậu cho ong dưỡng sức và tái tạo đàn. Mỗi năm, ông Thả về nhà tổng cộng chưa đầy một tháng, thời gian còn lại ruổi rong cùng đàn ong.
Nghề nuôi ong ở An Đỗ phát triển khá tập trung. Người nuôi ong đoàn kết, hỗ trợ nhau trong làm ăn, phát triển kinh tế.
Nỗ lực tạo lập thương hiệu
Nghề nuôi ong lấy mật ở An Đỗ đã phát triển khá nhanh, mang lại thu nhập cao, vì vậy việc tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao giá trị sản phẩm mật ong là hướng đi đang được người nuôi ong nơi đây hướng đến.
Một cầu trong thùng nuôi ong đã bắt đầu tạo mật. Ảnh: TRỌNG LỢI |
Ông Nguyễn Đình Bản, Chủ tịch UBND xã Hoài Sơn, cho biết: Hoài Sơn có diện tích rừng tự nhiên khoảng 100 ha, hơn 4.000 ha rừng sản xuất có hệ thống thực vật đa dạng, nguồn hoa phong phú, là điều kiện rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật ở xã nói chung, trong đó có thôn An Đỗ. Nghề nuôi ong phụ thuộc vào tự nhiên rất nhiều, nên để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng sản phẩm mật ong và phát triển nghề nuôi ong bền vững, vấn đề cốt lõi là phải giữ rừng. Xã cũng khuyến khích người nuôi ong kết hợp trồng rừng để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho ong.
Theo ông Bản, hiện nay, xã đang nghiên cứu, tính đến việc thành lập tổ hợp tác nuôi ong, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và thu hoạch mật ong, hỗ trợ nhau bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, nghiên cứu, lập quy hoạch vùng phát triển nghề nuôi ong tập trung dưới tán rừng (chủ yếu là rừng trồng nguyên liệu giấy, rừng cây gỗ lớn); làm hồ sơ đăng ký nhãn hiệu mật ong An Đỗ, phấn đấu thời gian tới sẽ đưa mật ong vào chương trình OCOP của TX Hoài Nhơn, hình thành nên chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Trương Nam Phong, Trưởng Phòng Kinh tế TX Hoài Nhơn, khẳng định sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để khảo sát, tìm phương án tốt nhất hỗ trợ bà con duy trì và phát triển nghề nuôi ong lấy mật tại An Đỗ. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, nhằm phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
TRỌNG LỢI
(Nguồn https://baobinhdinh.vn/)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững