Menu Close Menu
Quay lại

Tìm lối đi bền vững cho cây mì

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

23/09/2022 : 00:09

Bệnh khảm lá mì bắt đầu xuất hiện rải rác tại Bình Định từ năm 2020 với mức độ không đáng kể. Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 264 ha mì nhiễm bệnh, tập trung chủ yếu tại TX Hoài Nhơn và các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh. Dịch bệnh khảm lá mì diễn biến theo hướng ngày càng nghiêm trọng.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn mì rộng gần 1 ha trồng sau nhà đang bị bệnh khảm lá, ông Nguyễn Thành Đạt (xã Bình Tân, huyện Tây Sơn) than thở: Mới đầu chỉ vài cây có hiện tượng lá biến màu, dày, nhăn nhúm nhưng sau đó lây lan rất nhanh. Có lẽ sắp tới, gia đình phải nhổ cả vườn mì để tiêu hủy, thiệt hại kinh tế không nhỏ.

Cây con các giống mì khảo nghiệm được nhân giống trong nhà lưới của Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ.  Ảnh: N.S

Ông Trần Ngọc Sỹ, cán bộ kỹ thuật Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết: Bệnh khảm lá mì do vi-rút gây ra, lan truyền nhanh qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và hom giống đã nhiễm bệnh. Khi bị nhiễm bệnh nặng, cây sẽ còi cọc và kém phát triển, năng suất, chất lượng giảm; nếu tiếp tục trồng vụ sau năng suất sẽ giảm mạnh, thậm chí mất trắng. Hiện chưa có thuốc đặc trị để diệt trừ vi-rút gây bệnh này, chủ yếu là phòng bệnh và khi cây mì bị bệnh thì phải tiêu hủy.

Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá mì, như: Vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch, sử dụng hom giống sạch bệnh làm giống, nhổ bỏ cây bị bệnh khi đang trong vụ… Về lâu dài, ngành Nông nghiệp chủ động tìm các giống mì sạch bệnh để thay thế dần giống cũ nhiễm bệnh.

Theo TS Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Sở đang phối hợp với Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) nghiên cứu tuyển chọn những giống mì chống chịu bệnh khảm lá và xây dựng quy trình nhân nhanh giống mì sạch bệnh khảm lá bằng phương pháp nhân chồi tại Bình Định.

Từ đầu năm đến nay, ASISOV đã triển khai khảo nghiệm 8 giống mì: HN1, HN3, HN5, C97, HLS14, KM505-54, KM94, KM94-1 trên diện tích 3.600 m2 tại 3 điểm là xã Bình Tân (huyện Tây Sơn), xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ), phường Hoài Hảo (TX Hoài Nhơn). Hiện mì đang ở tháng thứ 7, chiều cao bình quân tại 3 điểm thí nghiệm đạt 130 cm. Đến thời điểm này, ASISOV đã xác định được 4 giống sinh trưởng tốt, có khả năng chống chịu bệnh khảm lá là HN1, HN3, HN5, và C97.

TS Vũ Văn Khuê, Phó Viện trưởng ASISOV, cho biết: Chúng tôi xây dựng quy trình nhân nhanh giống mì sạch bệnh bằng phương pháp nhân chồi, hom giống đạt tiêu chuẩn và sạch bệnh khảm lá. ASISOV cũng nghiên cứu hoàn thiện các quy trình nhân cây con ở giai đoạn trong nhà lưới; nhân giống giai đoạn chuyển tiếp từ nhà lưới ra ngoài đồng ruộng.

Thời gian tới, ASISOV sẽ tiếp tục nghiên cứu về sự ảnh hưởng của mật độ và phân bón đối với năng suất và chất lượng hom giống của 4 giống mì đã chọn là HN1, HN3, HN5, và C97. Hy vọng, với nghiên cứu tuyển chọn các giống mì mới có khả năng chống chịu tốt với bệnh khảm lá sẽ góp phần ổn định sản xuất và tăng thu nhập cho người dân ở các vùng trồng mì chính của tỉnh.

NAM SƠN

(Nguồn https://baobinhdinh.vn/​)

Tin liên quan