Menu Close Menu
Quay lại

Hội nông dân Vĩnh Thạnh: Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi gắn với bảo vệ môi trường

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

28/09/2022 : 00:09

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào lớn tham gia thúc đẩy huyện Vĩnh Thạnh phát triển. Mấy năm gần đây, Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh còn gắn phong trào với bảo vệ môi trường, được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng.

Hằng năm, Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh xây dựng kế hoạch hành động, chỉ tiêu phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXG) các cấp cho từng cơ sở Hội. Phối hợp với nhiều đối tác xây dựng các mô hình kinh tế để nông dân có điều kiện tham quan học tập, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hàng nghìn hội viên nông dân tham gia. Đây là cơ sở để các hội viên mạnh dạn đăng ký tham gia phong trào NDSXG.

 Nông dân thôn Định Quang, xã Vĩnh Quang đang chăm sóc ruộng kiệu. Ảnh: L.V.X

Từ năm 2017 đến 2022, có 6.790 lượt hội viên nông dân đăng ký tham gia phong trào (đạt trên 105% chỉ tiêu kế hoạch); kết quả bình xét hộ được công nhận NDSXG các cấp đạt 4.465 hộ (hơn 65,7%). Điều này đã tác động mạnh mẽ đến phong trào thi đua NDSXG, góp phần rất lớn vào việc giảm nghèo, làm giàu chính đáng, động viên nông dân sáng tạo, nuôi dưỡng động lực vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

Hiệu quả của phong trào NDSXG không chỉ thể hiện ở mặt kinh tế mà còn tác động tích cực trong lĩnh vực xã hội. Người có vốn giúp người thiếu vốn sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cùng nhau áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chia sẻ về những kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, chăm sóc các loại cây, vật nuôi, giới thiệu cho nhau những mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao để áp dụng ở địa phương.

Kết quả, từ phong trào NDSXG, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến có cách làm hay, sáng tạo, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Điển hình như: Ông Đinh Văn Khuân, ở xã Vĩnh Thuận. Với mô hình trồng bí đỏ, bắp lai và các loại đậu đỗ, ông có thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/năm, được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng ba năm 2022; ông Trịnh Xuân Lời, ở xã Vĩnh Hòa với mô hình trồng ớt, dưa hấu... thu nhập 210 triệu đồng/năm; ông Đỗ Cộ với mô hình trồng thanh long ruột đỏ thu nhập

220 triệu đồng/năm; ông Võ Văn Nhơn - cùng ở xã Vĩnh Hảo với mô hình nuôi cá lồng bè tại hồ Định Bình cho thu nhập hằng năm từ 250 - 300 triệu đồng; và nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn huyện có mức thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Ngoài ra, phong trào còn góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương.

Không chỉ có vậy, Hội Nông dân huyện còn năng động hỗ trợ hội viên lập dự án, đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH giúp hội viên có thêm vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh; dư nợ trong hoạt động này đến nay đạt hơn 163 tỷ đồng, với 62 tổ/3.246 hộ vay. Cùng với đó, Hội còn hỗ trợ để 19 tổ/538 hộ khác được vay 50 tỷ đồng từ Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam. Riêng Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp cho vay 3,750 tỷ đồng với 23 dự án phát triển kinh tế, 102 hộ được vay.

Bên cạnh việc đẩy mạnh phong trào NDSXG, các cấp Hội đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hội viên hạn chế sử dụng và sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của các chuyên gia. Cùng với đó, Hội còn động viên, tư vấn, hướng dẫn nông dân dần chuyển đổi sang phương thức canh tác, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Đến nay, Hội đã xây dựng được 21 mô hình bảo vệ mội trường, như: Bể chứa rác ngoài đồng ruộng; hố rác gia đình; hố rác nơi công cộng... hướng dẫn cho hội viên sử dụng chế phẩm vi sinh AT-BiO, chế phẩm sinh học Trichoderma trong xử lý mùi hôi, chất thải chăn nuôi và làm phân bón hữu cơ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của hội viên đối với công tác bảo vệ môi trường để thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

LÊ VĂN XINH

(Nguồn https://baobinhdinh.vn/)

Tin liên quan