Menu Close Menu
Quay lại

Nuôi tinh thể - tiếp lửa đam mê khoa học cho giới trẻ

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

28/09/2022 : 00:09

Cuộc thi Nuôi tinh thể tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2022 cho giới trẻ vừa tổ chức trao 11 giải thưởng tại Trường ĐH Quy Nhơn. Đặc biệt, tỉnh Bình Định bội thu với 5 giải thưởng, gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì và 3 giải ba.

Như nuôi con vật, trồng cây xanh

Thời điểm dự cuộc thi Nuôi tinh thể tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2022, Trần Thanh Lâm đang học lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Quy Nhơn), hiện tại anh chàng học lớp 10 chuyên Sinh (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn). Thật ra, từ năm lớp 8, cậu học trò này vì mê những tinh thể lấp lánh đã đắm đuối với môn Hóa, rồi tự mày mò tìm hiểu trên internet và trao đổi thêm với cô giáo dạy Hóa, để rồi mang về giải ba cuộc thi nuôi tinh thể với sản phẩm tinh thể chỉ kịp nuôi 1,5 tháng ngắn ngủi.

Lần trở lại cuộc thi năm 2022, Thanh Lâm chinh phục thành công 1 trong 2 giải thưởng cao nhất với sản phẩm tinh thể CuSO4 (muối đồng sunfat). Thanh Lâm cho hay, em mất 1 năm để nuôi được tinh thể này, cách làm cũng không đơn giản, đòi hỏi phải kiên trì và theo dõi hằng ngày, đúng nghĩa là “nuôi” để điều khiển tinh thể hình thành như mong muốn. Nuôi tinh thể hiểu một cách đơn giản là quá trình tạo ra một hạt mầm tinh thể, sau đó lựa chọn ra hạt tinh thể mầm xuất sắc nhất để chăm sóc và “dưỡng” cho tinh thể lớn lên. Những hạt tinh thể khi đã trưởng thành sẽ có hình dạng, kích thước và màu sắc khác nhau tùy thuộc vào chất ban đầu chọn nuôi. Để tạo ra được tinh thể ưng ý, phải vận dụng kiến thức Vật lý, Hóa học; nhưng muốn thành công cần thêm nhiều yếu tố khác, đặc biệt là thời tiết vì ảnh hưởng nhiều đến việc hình thành của tinh thể.

Thanh Lâm (thứ hai từ phải sang) nhận giải nhất cuộc thi Nuôi tinh thể tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2022. Ảnh: M.H

“Việc nuôi tinh thể rất tốn công sức, thời gian, cũng ví như mình nuôi một con vật hay trồng và chăm sóc một cây xanh vậy! Giai đoạn đầu chưa hiểu về kỹ thuật nuôi tinh thể nên em thất bại rất nhiều, sau này khá hơn nhưng khi thử nghiệm nuôi các loại tinh thể mới cũng cứ thất bại. Mỗi lần thất bại em rút ra nhiều kinh nghiệm cho lần sau đó thành công chắc chắn hơn”, Thanh Lâm vui vẻ nói.

Ở cuộc thi này, Trường THPT FPT Quy Nhơn mang về 3 giải ba của hai nhóm học sinh lớp 11A5 (Bạch Vũ Huy, Lê Hồ Sỹ Kiệt, Nguyễn Anh Nhật) và lớp 11A3 (Nguyễn Ngọc Phương Thảo, Nguyễn Ngọc Anh Thư, Vi Đặng Cẩm Huyền). Vận dụng kiến thức khoa học để tạo ra những sản phẩm lung linh màu sắc, đó là lý do việc nuôi tinh thể hấp dẫn các bạn ngay từ “cái nhìn” đầu tiên.

Bạch Vũ Huy chia sẻ: Nuôi tinh thể là một quá trình khá phức tạp, tỉ mỉ và cẩn trọng để có thể thành công. Đó là tạo ra môi trường có điều kiện nhiệt độ, áp suất... phù hợp nhờ vào KHKT để hình thành tinh thể và nuôi lớn lên. Điều kiện nuôi tinh thể ở mỗi loại tinh thể tùy vào đặc tính của tinh thể, đòi hỏi phải có kiến thức nền Hóa học, đôi tay khéo léo, sự tỉ mỉ và cẩn thận để tạo ra tinh thể đẹp, bởi chỉ cần sai nhiệt độ hoặc sai khối lượng cũng có thể làm ảnh hưởng đến cả quá trình.

Những tinh thể nhiều hình dáng, màu sắc.

Nuôi dưỡng đam mê

Năm 2022 là năm thứ 3 cuộc thi nuôi tinh thể được tổ chức trong khuôn khổ dự án “Phát triển chương trình đào tạo trong lĩnh vực khoa học vật liệu và phân tử theo định hướng nghiên cứu”, do Cục Quản lý Giáo dục, Nghe nhìn và Văn hóa thuộc Ủy ban châu Âu tài trợ. Cuộc thi tổ chức tại Việt Nam có 112 nhóm học sinh, sinh viên từ 12 - 22 tuổi tham gia.

Điểm đáng ghi nhận là sân chơi khoa học này đã góp phần phát hiện và giúp nhiều học sinh bộc lộc đam mê làm khoa học. Điều này thể hiện rất rõ khi 5 giải thưởng của Bình Định đều do các em học sinh chinh phục.

Nguyễn Ngọc Phương Thảo (Trường THPT FPT Quy Nhơn) cho hay, khi tham gia vào việc nuôi tinh thể, em được học hỏi thêm nhiều kiến thức về Hóa học, về ngành khoa học tinh thể. Hơn thế, đây cũng là cơ hội để em xây dựng tinh thần làm việc nhóm, được tiếp thêm niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Còn Trần Thanh Lâm thì đúc kết: Nuôi tinh thể rất thú vị! Em vẫn sẽ tiếp tục thử sức để trải nghiệm thêm ở mức độ cao hơn với những sản phẩm tinh thể mới, lạ hơn, phức tạp hơn.

Là một trong những đơn vị chủ trì của cuộc thi, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, từ những sân chơi này, các đơn vị tổ chức mong muốn khơi gợi và tiếp sức niềm đam mê khoa học trong giới trẻ, kích thích tư duy sáng tạo, giúp các em có phương pháp tiếp cận KHCN. “Tôi cho rằng sân chơi khoa học này có tác động lớn đến quá trình nghiên cứu khoa học của học sinh, sinh viên, tạo động lực cho nhiều bạn trẻ tự tin hơn với giấc mơ làm khoa học. Trong bối cảnh cần đẩy mạnh khoa học cơ bản cho sự phát triển bền vững, các trường đại học, THPT cần “tiếp lửa” nuôi dưỡng niềm đam mê ấy trong các bạn học sinh, sinh viên”, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ nhấn mạnh.

MAI HOÀNG

(Nguồn https://skhcn.binhdinh.gov.vn/)

Tin liên quan