Khuyến khích phát triển công nghiệp ở nông thôn
13/10/2022 : 00:10
Thời gian qua, nhằm tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động ở nông thôn, Bình Định có nhiều chính sách thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp ở khu vực nông thôn.
Nhiều cụm công nghiệp ở khu vực nông thôn
Toàn tỉnh có 45 cụm công nghiệp (CCN) đã hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 60,8% (cuối năm 2021 đạt 58%); thu hút 399 dự án đầu tư thứ cấp với diện tích đất thuê 578,2 ha. Hiện có 281 dự án đã hoạt động, tổng vốn đầu tư khoảng 14.063 tỷ đồng; vốn đã thực hiện 5.580 tỷ đồng, đạt 39,7% với suất đầu tư trung bình 35,2 tỷ đồng/dự án... Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương nhận xét: Các CCN góp phần thực hiện mục tiêu thu hút, di chuyển các DN nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh tập trung ở nơi có cơ sở hạ tầng bài bản, đảm bảo an toàn môi trường, tạo cơ sở để sản xuất phát triển dài lâu.
Các công ty may ở huyện Tây Sơn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Ảnh: HẢI YẾN |
Điển hình là TX Hoài Nhơn, xác định các trọng điểm và khâu đột phá tập trung vào phát triển sản xuất công nghiệp chế biến lâm sản, thủy sản, may mặc, TX Hoài Nhơn đã quy hoạch và phát triển các CCN: Hoài Châu, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương, Đệ Đức - Hoài Tân, An Lương... Hiện TX Hoài Nhơn có 7 CCN đang hoạt động, thu hút được 37 DN vào sản xuất, với tổng vốn đầu tư 2.524 tỷ đồng, đạt doanh thu 2.178 tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước 42,1 tỷ đồng/năm. Tương tự, TX An Nhơn phát huy thế mạnh về công nghiệp sản xuất cấu kiện thép, đồ gỗ, chế biến thức ăn gia súc ở các CCN Bình Định, CCN Gò Đá Trắng và đặc biệt là Khu công nghiệp Nhơn Hòa, tất cả đều tăng trưởng tốt.
Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, cho biết: Năm 2022, UBND huyện Tây Sơn thu hút 24 dự án đầu tư mới đăng ký sản xuất kinh doanh vào các CCN ở huyện với tổng diện tích 124 ha, tổng vốn đầu tư 724 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất trong CCN ở huyện tuy có quy mô nhỏ và vừa, nhưng phù hợp với trình độ quản lý, góp phần tạo ra hàng nghìn chỗ làm với thu nhập ổn định, tham gia đảm bảo an sinh xã hội.
Ưu tiên phát triển ngành thân thiện môi trường
Điểm đáng mừng là hiện nay trong thu hút đầu tư vào CCN, chính quyền các địa phương trong tỉnh đều ưu tiên tập trung phát triển những ngành thân thiện môi trường và góp phần tăng thu ngân sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn.
Bình Định ưu tiên hình thành các CCN chuyên ngành theo thế mạnh của tỉnh như thủy sản, lâm nghiệp. Ảnh: HẢI YẾN |
Theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh có 9/45 CCN đi vào hoạt động đã xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về môi trường (tương đương 20%, mức trung bình cả nước là 19,3%). Số CCN này có hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom, thoát nước thải riêng biệt và hệ thống hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải tập trung với tổng vốn đầu tư 34,6 tỷ đồng. Trong số này, có 5 hệ thống do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư gồm các CCN: Phước An, Gò Đá Trắng, Thanh Liêm, Phú An, Gò Mít, tổng vốn đầu tư 16,4 tỷ đồng. Còn 4 hệ thống do các DN làm chủ đầu tư ở CCN Cát Nhơn, Canh Vinh, Cầu Nước Xanh, Cát Trinh có tổng vốn đầu tư 18,2 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Một trong những định hướng phát triển công nghiệp của tỉnh là chuyển dịch công nghiệp về vùng nông thôn; trong đó, nghiên cứu quy hoạch thêm các khu công nghiệp, CCN ở các khu vực nông thôn còn nhiều quỹ đất, gắn liền với sự phát triển của hạ tầng giao thông và đảm bảo công tác môi trường.
Để thực hiện điều này, theo ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các CCN, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư hạ tầng hoàn thiện các hạng mục. Hình thành các CCN chuyên ngành theo thế mạnh của từng địa phương để thu hút DN vào xây dựng nhà máy sản xuất. Ưu tiên thu hút đầu tư các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, chế biến nông, lâm sản, công nghiệp công nghệ cao đảm bảo tiêu chí bảo vệ môi trường.
“Huyện Phù Mỹ có một số dự án đầu tư được đánh giá là “nhất nhì” của tỉnh, đó là các dự án: Khu liên hợp gang thép Long Sơn Phù Mỹ, Cảng tổng hợp quốc tế Long Sơn Phù Mỹ và Becamex Bình Định có tổng diện tích đất và mặt nước thực hiện dự án khoảng 804,99 ha; tổng vốn đầu tư khoảng 62.470 tỷ đồng. Chúng tôi kỳ vọng, 2 dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo giá trị sản xuất gia tăng, thu nhập của người dân từng bước được nâng cao hơn”.
Ông TRẦN QUỐC VINH, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ
HẢI YẾN
(Nguồn https://baobinhdinh.vn/)
Tin liên quan
- Từ thợ mộc đến nông dân chăn nuôi giỏi
- Nông dân Huỳnh Xuân Vân: Người chuyển vùng đất khô cằn thành trang trại bạc tỷ
- Muốn trở nên xanh-thông minh, càng cần ứng dụng công nghệ
- Phát triển công nghiệp sinh học: tạo sức bật cho ngành nông nghiệp TP.HCM
- “Quả ngọt” trên vùng gò đồi
- Cô gái trẻ với quyết tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm quê hương
- Lễ hội trái cây Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức ở Trung Quốc
- Thỏa thuận hợp tác đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường: Ðem lại nhiều kết quả tích cự
- Đánh giá kết quả phẫu thuật thay khớp háng không xi măng qua đường mổ trước - ngoài
- Hội thảo bàn giải pháp phát triển chè Tiến Vua thành sản phẩm chủ lực