Hà Nội: Khoa học công nghệ gỡ ‘nút thắt’ cho nông nghiệp hữu cơ
26/10/2022 : 00:10
Đã có thời kỳ, việc triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gặp khó khăn, song, đến nay, với việc ứng dụng khoa học công nghệ đang tạo đà cho các mô hình nông nghiệp hữu cơ có vị thế tích cực tại nhiều địa phương...
Đã có thời kỳ, việc triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gặp khó khăn, song, đến nay, với việc ứng dụng khoa học công nghệ đang tạo đà cho các mô hình nông nghiệp hữu cơ có vị thế tích cực tại nhiều địa phương...
Đầu tư công nghệ - thu hồi vốn nhanh
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại Hợp tác xã Thanh Bình (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Nội) là một trong những mô hình nông nghiệp đầu tiên trong ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hữu cơ trên địa bàn Thường Tín, bước đầu có hiệu quả kinh tế với năng suất, chất lượng vượt trội so với sản xuất thông thường.
Anh Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Bình cho biết, sau hơn một năm triển khai trồng 10.000 gốc dưa, gồm dưa Ichiba của Nhật Bản, dưa Thiên Nữ của Đài Loan và một số giống dưa khác của Việt Nam, mô hình nói trên đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội với quy trình canh tác chủ động về thời tiết, khí hậu, phòng ngừa sâu bệnh hại, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng lưu động có thể đóng - mở tùy điều kiện thời tiết... Toàn bộ quy trình sản xuất được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm, tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, thông gió, phun sương... phù hợp từng loại cây trồng, bảo đảm môi trường lý tưởng cho cây phát triển.
"Tuy mức đầu tư chi phí ban đầu lớn, song khả năng thu hồi vốn nhanh. Qua hạch toán, lợi nhuận hằng năm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hữu cơ có thể đem lại hơn 600 triệu đồng/ha/năm, đạt tỷ suất lợi nhuận khoảng 25,4% so với mức đầu tư ban đầu", anh Nguyễn Xuân Huy cho biết thêm.
Tương tự, tại huyện Gia Lâm, từ tháng 4 đến tháng 6-2021, trang trại D-Farm tại thôn Đặng (xã Đặng Xá), Phòng Kinh tế huyện đã triển khai mô hình thí điểm trồng dưa lưới hữu cơ Fujisawa Hà Lan. Kết quả cho thấy, giống dưa này phát triển tốt trong điều kiện nhà lưới, có thời gian sinh trưởng 75-80 ngày, ít sâu bệnh hại, năng suất đạt 1.092kg/sào. Sản xuất theo quy trình canh tác hữu cơ nên sản phẩm hoàn toàn sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, kéo dài thời gian bảo quản và sử dụng. Hiệu quả kinh tế đạt hơn 172 triệu đồng/1.000m², sản phẩm khi cho thu hoạch đều được lấy mẫu và đưa đi kiểm nghiệm tại các trung tâm kiểm nghiệm uy tín và cho kết quả tốt, hiệu quả kinh tế đạt cao...
Không chỉ ở Gia Lâm, Thường Tín hay tại những huyện ven đô, đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, các huyện khác hiện cũng có nhiều cá nhân làm nông nghiệp theo mô hình sản xuất hữu cơ, không những làm giàu bền vững cho gia đình mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản cho địa phương.
Gỡ "nút thắt" cho nông nghiệp hữu cơ
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Mạnh Phương, trước đây, do chú trọng năng suất nên phân bón hóa học, thuốc trừ sâu được sử dụng rất nhiều để tăng năng suất, bảo vệ cây trồng. Ðến nay, do yêu cầu thị trường về chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường bền vững, ngành Nông nghiệp đã chuyển sang sản xuất theo hướng nông nghiệp giá trị cao, đòi hỏi chất lượng tốt. Theo đó, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình áp dụng công nghệ sản xuất mới, vận động nông dân tham gia như: Trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) với thương hiệu rau hữu cơ Đại Ngàn, Trang trại Cuối Quý với thương hiệu rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (Đan Phượng)...
Ngoài ra, nông dân thuộc xã miền núi của các huyện: Thạch Thất, Ba Vì, Mỹ Đức... cũng cải tạo vườn tạp gắn với phát triển theo hướng này với sản phẩm chủ yếu là cây dược liệu, rau bản địa, gà thả vườn...
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương đánh giá: Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ đang ngày càng nở rộ tại các địa phương. Việc này không chỉ nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm mà còn giúp nông dân ngày càng thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hài hòa với môi trường sinh thái... Trước đây, việc nhân rộng mô hình sản xuất sạch, an toàn, theo hướng hữu cơ vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn do hạn chế về nguồn vốn, quy trình canh tác lại khắt khe với yêu cầu không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón vô cơ... Vì vậy, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ thực sự là hướng tích cực để nông nghiệp Hà Nội mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng...
Hà Nội Mới
(Nguồn http://agrotrade.gov.vn/)
Tin liên quan
- Hội thảo tổng kết mô hình thuộc nhiệm vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa
- Làm giàu từ nghề nuôi ong lỗ
- Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm
- Triển khai Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV
- Phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn
- Phù Cát thắng lớn đậu phụng vụ Mùa
- Nuôi heo bằng bỗng rượu nếp than, chả tốn mấy tiền mua thức ăn, một nông dân Sóc Trăng có của ăn của để
- Chờ đón gì ở Techmart chuyên ngành Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghệ sau thu hoạch năm 2024?
- Lão nông vùng biên đưa quả xoài ra thị trường thế giới
- Giữ gìn tinh hoa bản địa, mở lối phát triển bền vững