Menu Close Menu
Quay lại

Quyết tâm không cam chịu đói nghèo

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

09/11/2022 : 00:11

Tại các huyện miền núi, trung du trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều tấm gương người dân tộc thiểu số vượt khó, vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu cho bản thân và gia đình, góp phần tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Văn Lung, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua đã có bước phát triển mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng. Từ đó, trở thành động lực quan trọng để khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, ngành nghề. Phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn, thi đua lao động sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo và làm giàu trong nhân dân.

Nông dân thôn K3, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: TRẦN NGỌC SỸ

Tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện có 6.790 lượt hội viên nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; kết quả bình xét có 4.465 hộ được công nhận nông dân sản xuất giỏi các cấp (chiếm hơn 65,7%). Kết quả này góp phần rất lớn vào việc giảm nghèo, làm giàu chính đáng, động viên nông dân sáng tạo, nuôi dưỡng động lực vươn lên thoát nghèo.

Ở làng 8 (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh), ông Đinh Dun dám nghĩ, dám làm, vượt khó vươn lên, làm giàu cho gia đình và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Ông Dun chia sẻ: “Tôi luôn nhận thức rằng muốn thành công trong phát triển sản xuất thì bản thân người nông dân phải biết đổi mới cách thức làm ăn, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ KHKT vào đầu tư thâm canh, đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi”.

Với nhận thức như vậy, từ năm 2017 đến nay, với mô hình nuôi bò lai sinh sản,  trồng thâm canh cây bí đỏ, kết hợp với các loại cây trồng khác như: Điều, đậu phụng, đậu nành, ớt, dưa hấu…, mỗi năm ông Dun có lợi nhuận bình quân 150 - 200 triệu đồng.

Hay như bà Đinh Thị Boi (ở thôn K3, xã Vĩnh Sơn) đã tận dụng điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi tại địa phương để trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng thu nhập cho gia đình. Bà Boi cho hay: “Từ khi dự án trồng rau an toàn được triển khai trên địa bàn thôn, tôi trực tiếp tham gia các lớp tập huấn, được các chuyên gia nông nghiệp “cầm tay chỉ việc”, có điều kiện tiếp cận tiến bộ KHKT để áp dụng vào sản xuất. Từ đó, giúp sản xuất mang lại hiệu quả cao. Hiện, với 3.000 m2 đất thường xuyên trồng đủ các loại rau xanh, trung bình mỗi năm tôi có thu nhập ổn định 180 - 200 triệu đồng”.

Ông Lê Văn Xinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh, nhận xét: Hiệu quả của phong trào nông dân khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng lan tỏa. Người có vốn giúp người thiếu vốn sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cùng nhau áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chia sẻ về những kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi, cách chọn giống, chăm sóc các loại cây, vật nuôi, giới thiệu cho nhau những mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao để áp dụng ở địa phương.

Còn ở huyện miền núi An Lão, trong giai đoạn 2017-2022, toàn huyện có đến 1.727 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (tăng 525 hộ so với giai đoạn 2012-2016). Trong đó, đáng chú ý có 66 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 335 hộ sản xuất giỏi cấp huyện.

Ông Đinh Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Lão, cho biết: “Các cấp Hội nông dân huyện xác định hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu là một trong những hoạt động trọng tâm. Qua đó đã thu hút hàng nghìn hộ nông dân tham gia và trở thành động lực quan trọng trong phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Theo ông Đinh Văn Lung, giai đoạn 2022-2025, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Triển khai thực hiện và chuyển giao các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản… góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho nông dân.

NGUYỄN HÂN 

(Nguồn https://baobinhdinh.vn/)

Tin liên quan